Đại hội là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến xuất săÌc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015. Trong số các tập thể, cá nhân được biểu dương tại đại hội lần này, Đoàn Bộ Công an có hơn 100 đại biểu. Chúng tôi giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi, nguyên cán bộ Báo Công an TPHCM
Là đại biểu nữ duy nhất đại diện cho các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến, đây là lần thứ hai đại tá Phan Thị Ngọc Tươi vinh dự tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.
Nữ Anh hùng này đã gia nhập Đội trinh sát vũ trang T30 Ban An ninh tỉnh Bến Tre ngay từ những ngày đầu thành lập, lúc chị vừa tròn 13 tuổi, sau khi chứng kiến cảnh người cha thân yêu bị giặc Mỹ sát hại. Sau một tháng vào quân ngũ, chị lập chiến công đầu, dùng lựu đạn diệt năm tên an ninh quân đội của địch. Một tháng sau, chị dùng mìn hẹn giờ diệt ba tên cố vấn Mỹ tại sân bay Tân Thành. Lúc 18 giờ 30 ngày 4-4-1969, chị lại đánh trận thứ hai vào sân bay Tân Thành, diệt bảy tên giặc lái.
Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa của Bộ Chỉ huy Cảnh sát quốc gia chế độ cũ là nơi tra tấn, khai thác đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng bắt được. Thời điểm đánh trận này, đơn vị đã cử chị ra Bắc báo cáo thành tích đề nghị tuyên dương anh hùng, nhưng chị không đi, quyết sống mái với giặc.
Không ngờ chị bị địch bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn, từ nhục hình đến dụ dỗ, nhưng không thể lung lạc được tinh thần và ý chí của chị. Địch giam chị vào Khám Lá. Nhiều tháng sau, chúng đưa chị đến nhà lao thiếu nhi ở Đà Lạt.
Năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nhà lao Đà Lạt giải tán, chị Tươi được thả ra với thương tích đầy mình. Đơn vị chỉ đạo chị Tươi về thành để có điều kiện trị bệnh. Sau này, cấp trên chỉ đạo chị ra vùng giải phóng, vừa trị bệnh vừa học tập rồi công tác tại quân y dã chiến Ty An ninh, cho đến ngày thống nhất đất nước.
Năm 1983, đại tá Phan Thị Ngọc Tươi tốt nghiệp đại học an ninh, tiếp tục lập nhiều thành tích. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, chị vẫn luôn nhớ về đồng đội. Chị đã cùng chị ruột là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Minh Hiền chăm lo đời sống, xây gần 30 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội T30, trong đó Báo CATP đã ủng hộ 7 căn nhà. Chặng đường dừng chân cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của chị chính là Báo CATP.
Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Cảnh sát đặc nhiệm số 1 - K20
Dáng người chắc nịch, khuôn mặt rám nắng, trên người vẫn mang vết thương sau nhiều lần tham gia trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm, đến năm 2015, cuộc đời binh nghiệp gắn liền với cảnh sát đặc nhiệm của thiếu tá Chu Văn Quang đã hơn 20 năm.
Anh kể chuyện đổ mồ hôi trên thao trường cũng lắm gian truân, có những bài tập yêu cầu dồn hết tâm trí, sức lực, luyện tập với cường độ cao tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng anh và đồng đội luôn động viên nhau khắc phục, vượt khó.
Luyện tập đã vậy, nhưng thực tế công tác, chiến đấu lại càng vất vả hơn. Các anh thường xuyên đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, có khi đánh án giữa những làn đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.
Thiếu tá Chu Văn Quang (đứng giữa) đang hướng dẫn, huấn luyện chiến sĩ
Trong quá trình công tác, anh cùng đồng đội thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm được lãnh đạo các cấp tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, tham gia nhiều chuyên án lớn. Như chuyên án phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế tham gia triệt phá đường dây buôn lậu với quy mô lớn tại tuyến biên giới Hang Dơi (Lạng Sơn), nhiều ngày các anh phải đi bộ hơn 10 cây số trong cái nóng 39 - 40 độ C để nắm tình hình.
Lúc có lệnh phá án, trời lại đổ mưa lớn, xảy ra lũ quét. Các đối tượng manh động dùng vũ khí chống trả quyết liệt khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác bị thương. Anh Quang cũng bị nhiều vết thương trên thân thể, vùng đầu và mặt. Mặc dù vậy, anh và đồng đội đã mưu trí, dũng cảm bắt giữ thành công các đối tượng cầm đầu cùng nhiều tang vật.
Trong đợt tăng cường, phối hợp với Công an tỉnh Sơn La triệt phá băng nhóm tội phạm ma túy tại huyện Vân Hồ (Sơn La) vào tháng 7-2014, thiếu tá Quang được phân công làm Tổ trưởng Tổ chiến đấu số 5. Đêm 18, rạng sáng 19-7-2014, hàng chục đối tượng có trang bị vũ khí vận chuyển ma túy trái phép với số lượng lớn qua biên giới. Chúng dùng súng bắn trả quyết liệt làm một đồng chí hy sinh và một số đồng chí khác bị thương. Trong quá trình truy bắt đối tượng, thiếu tá Quang lại bị thương gẫy xương bàn chân trái, đa chấn thương bàn chân phải. Nén đau, anh cùng đồng đội bắt giữ được một số đối tượng, thu giữ 110 bánh heroin, nhiều súng các loại...
Đại tá Phạm Thanh Lâm, Phó trưởng phòng Bưu chính, Văn phòng Bộ Công an
Khi được hỏi vì sao chọn nghề giao liên, đại tá Phạm Thanh Lâm giản dị nói rằng đó chính là cái duyên. Nhưng với một cán bộ 40 năm gắn bó với nghề giao liên và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phải có một tình yêu sâu sắc mới vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy.
Năm 1975, anh Lâm được Ty Công an Thái Bình (nay là Công an tỉnh Thái Bình) tuyển dụng vào học tập, công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Tháng 10-1976, anh được điều về công tác tại Cục KG1 - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) để phục vụ cho chiến dịch cấp dấu và chứng minh thư toàn quốc, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Một năm sau, anh Lâm được điều động về công tác tại Đội Giao liên thuộc Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, nay là Phòng Bưu chính thuộc Văn phòng Bộ Công an.
Việc chuyển công văn, tài liệu mới nghe tưởng như rất đơn giản, nhưng đó là tài liệu bình thường. Với công văn hỏa tốc thì bắt buộc phải chuyển đến trước giờ ghi trên phong bì. Người giao liên phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên, giao nhận công văn đúng giờ, đảm bảo công tác bảo mật. Có những chuyến giao công văn đã gần nửa đêm, có khi chuyển đến nơi vào lúc sáng sớm. Bước chân của người chiến sĩ giao liên đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc, đảm bảo an toàn công văn, tài liệu, giữ “mạch máu” thông tin liên lạc từ Bộ Công an đến công an các đơn vị địa phương với phương châm “Nhanh chóng, bí mật, an toàn, thông suốt trong mọi tình huống”.
Năm 1996, đại tá Lâm được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Suốt nhiều năm liền, anh được lãnh đạo Văn phòng Bộ xét công nhận danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” cùng nhiều phần thưởng khác.