(CATP) Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam (15-10-1956 - 15-10-2016), phóng viên Báo CATP đã có buổi trò chuyện với ông Lê Quang Vịnh (80 tuổi), nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam (giai đoạn 1975-1986).
Ông từng bị “Tòa án quân sự đặc biệt” của chế độ cũ kết án tử hình, đày ra Côn Đảo 14 năm. Cuộc trò chuyện với “nhân chứng sống” đã cho chúng ta hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ thanh niên đi trước, trong cuộc chiến bảo vệ non sông.
Bền gan với lý tưởng cách mạng
Ông kể, cha ông theo kháng chiến, theo chỉ thị của cấp trên đã đưa gia đình từ Huế vào Đà Nẵng hoạt động. Cậu bé Vịnh được gửi lại Huế lúc mới hơn 10 tuổi. Chỉ mấy năm sau cha ông bị Pháp phát hiện thân phận và bắn chết. Mẹ xin đưa cả nhà chạy ngược ra Huế. Lúc này người chị gái của ông đã thấu hiểu mọi chuyện, nên theo gót cha hoạt động kháng chiến. Ông cũng tham gia hoạt động phong trào học sinh, chuyên đi rải truyền đơn kêu gọi bãi khóa, biểu tình.
Phong trào càng lên cao, giặc càng khủng bố. Năm ông học đệ ngũ (khoảng lớp 8 bây giờ) thì bị giặc bắt quả tang khi rải truyền đơn, bị kết án 7 tháng tù, giam tại Lao thừa phủ (Huế). Thời gian ở trong lao, cậu học trò Lê Quang Vịnh đã được các thế hệ đàn anh đào tạo văn hóa, chính trị, xã hội. Ông tiến bộ vượt bậc và khi ra tù đã nộp đơn thi đỗ Thành chung (Trung học đệ nhất cấp). Sau đó, ông đỗ đầu Giải thưởng Trung học toàn quốc mở rộng năm 1953, được cấp học bổng quốc trưởng du học tại Pháp.
Lúc này Hội nghị Genève đang trong giai đoạn chuẩn bị. Cả thành phố Huế sục sôi phong trào ủng hộ hòa bình. Ông Vịnh được giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - một chiến sĩ cách mạng nằm vùng - khuyên: “Đất nước đang sang trang mới, lực lượng thanh niên lúc này không có nhiệm vụ nào vinh quang bằng được góp một phần cùng dân tộc đưa cách mạng đến thành công”. Ông Vịnh liền từ chối du học, ở lại cùng thầy cô và các đồng chí tham gia phong trào kháng chiến.
Để xây dựng, phát triển lực lượng và đấu tranh cho phong trào hòa bình, ông Vịnh được tổ chức giao nhiệm vụ xuất bản tập văn Ngày Mai, ấn phẩm tập hợp các bài viết đấu tranh của lực lượng trí thức.
Phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Genève bắt đầu bùng lên khắp cả nước. Các cuộc tổng bãi công, bãi thị diễn ra khắp nơi, bất chấp mọi sự đàn áp. Tập văn Ngày Mai bị khủng bố phải đóng cửa, ông Vịnh bị bắt do cầm đầu phong trào biểu tình, bị kết án một năm tù.
Hết lòng với công tác thanh niên
Sau khi ra tù và nối lại liên lạc với tổ chức, ông Vịnh được giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ khuyên thi vào Đại học Sư phạm và lên đường vào Sài Gòn hoạt động bí mật. Năm 1960, ông Vịnh tốt nghiệp cử nhân, được bổ nhiệm về dạy ở Trường Petrus Ký - trường trung học lớn nhất miền Nam lúc ấy (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM).
Trong năm này, ông được kết nạp vào Đảng và được cấp trên chỉ định làm Bí thư Chi bộ sinh viên Đại học Sài Gòn, với nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức sinh viên, học sinh giải phóng. Phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh do ông Vịnh và các đồng chí tổ chức phát triển lan rộng khiến Mỹ - và chính quyền Sài Gòn điên cuồng truy lùng. Năm 1961 ông Vịnh bị bắt, bị Tòa án quân sự đặc biệt kết án tử hình và đày ra biệt giam ở Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Ngày đất nước thống nhất, từ Côn Đảo trở về, ông được giao nhiệm vụ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam (1975 - 1986). Giai đoạn đất nước những năm đầu giải phóng đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, ông Vịnh đã có những quyết sách mạnh mẽ để dẫn dắt và định hướng thế hệ trẻ. Ông phụ trách công tác đoàn kết, tập hợp các lực lượng thanh niên, nhất là thanh niên trí thức, thanh niên các tôn giáo, thanh niên các dân tộc... Trong Đại hội liên hoan Thanh niên sinh viên dân chủ thế giới lần 11 diễn ra ở tại Cuba năm 1978, ông vinh dự là Trưởng đoàn thanh niên Việt Nam tham dự. Đại hội này có tới 18.500 đại biểu đến từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thế hệ thanh niên ngày ấy đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh để đưa đất nước sang trang sử mới. Ông tin và kỳ vọng vào thế hệ thanh niên ngày nay, khi điều kiện học tập, rèn luyện tốt hơn, sẽ đủ sức xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông Việt Nam.
Tuổi trẻ là cống hiến, thanh niên Việt Nam nối tiếp các thế hệ đã lập nhiều chiến công, viết những trang vàng vào lịch sử dân tộc. Ông Lê Quang Vịnh - vị lão thành cách mạng - chỉ nhận mình là hạt cát nhỏ nhoi trong biển đại dương của lịch sử dân tộc.