(CAO) Trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sáng 22-5, Tăng Ni Phật tử là những người bỏ lá phiếu đầu tiên.
Tinh thần chung của các tăng ni Phật giáo luôn là tích cực làm tròn việc đạo, việc đời.
Trước hết các tăng sĩ đều là công dân Việt Nam nên trách nhiệm của người công dân và trách nhiệm của người con nhà Phật cùng đồng hành. Đúng với tinh thần là đạo pháp của dân tộc.
Quyền và nghĩa vụ của tu sĩ không tách rời quyền và nghĩa vụ của công dân. Chức sắc, tu sĩ là công dân có quyền và nghĩa vụ bầu cử (bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử, tiếp xúc với đại biểu và bỏ phiếu).
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi bầu cử sáng 22-5 tại TP.HCM
Tăng sĩ Phật tử tham gia bầu cử sáng 22-5 trên địa bàn quận 3 TP.HCM
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: "Hôm nay là ngày toàn dân thể hiện quyền công dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thành viên. Với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, phát huy tinh thần trách nhiệm của tăng ni, Phật tử cùng các tầng lớp nhân dân và các tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Giáo hội Phật giáo đã triển khai rộng rãi công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, đến toàn tăng ni, phật tử trên cả nước. Vận động Tăng Ni đi bầu cử thật đầy đủ và bỏ biếu thật đúng để chọn người xứng đáng để lãnh đạo đất nước.
Theo quan niệm chung của dân tộc Việt Nam chúng ta là "chọn mặt gửi vàng", toàn thề Tăng Ni Phật tử chúng tôi tin tưởng vào lời hứa của các vị ứng cử viên từ Trung ương đến tỉnh thành địa phương sẽ trở thành hiện thực trong phạm vi trách nhiệm trong nhiệm kỳ của mình, hướng đến dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bỏ lá phiếu đầu tiên
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ kỳ vọng: "Qua đợt bầu cử này mục đích duy nhất của chúng tôi cũng như Tăng Ni Phật tử Việt Nam kỳ vọng rằng có một thế hệ lãnh đạo xứng đáng cho đất nước.
Chúng tôi nhận thấy, lãnh đạo thời gian qua, ai cũng lo cho dân, cho nước ngày càng phồn vinh. Thời gian qua các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương cũng đã có sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển ổn định và giúp cho các Tăng Ni Phật tử sinh hoạt ổn định theo chương trình hoạt động của mình".
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
"Hiện nay, Giáo hội cũng đã có nhiều tổ chức Phật giáo trên thế giới, trên nền tảng đã có, mong rằng sự quan tâm giúp đỡ của các vị lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho các kiều bào là Phật tử có đủ điều kiện trở về quê hương sinh hoạt cũng như tạo điều kiện cho Tăng Ni Phật tử đi tham quan và sinh hoạt tại cộng động Phật tử các nước trên thế giới mà giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đang và sẽ thực hiện", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ thêm.
Nhiều người lầm tưởng rằng các tăng ni, người tu hành xuất gia thì không tham gia nhiều vào những việc đời. Song trên thực tế các nhà tu hành rất nhập thế trong các công việc chung của xã hội.
Các nhà tu hành rất nhập thế trong các công việc chung của xã hội
Tăng sĩ Phật tử được hướng dẫn đi bỏ phiếu cử tri
Tăng sĩ Phật tử là những người đi bỏ những lá phiếu đầu tiên
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì đều có quyền bầu cử.
Hiện cả nước có khoảng 20 triệu cử tri là Phật tử, riêng tại TP.HCM có khoảng hơn 3 triệu cử tri là Phật tử
Hiện cả nước có khoảng 20 triệu cử tri là Phật tử, riêng tại TP.HCM có khoảng hơn 3 triệu cử tri là Phật tử. Tính riêng Tăng Ni, cả nước có 17.800 cử tri Tăng Ni.