(CAO) Đó là bức xúc của Đại biểu, Thượng tọa Thích Thiện Tánh- Phó Ban thường trực Ban trị sự thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa VIII sáng nay.
Đại biểu Thích Thiện Tánh cho biết từ khi ông trúng cử đại biểu HĐND thành phố cách đây 5 năm (2010), năm nào, phiên họp nào cũng thấy đề tài úng ngập thành phố được đưa ra bàn thảo nhưng ngập vẫn hoàn ngập.
Đại biểu Tánh đề xuất nên phân cấp công tác chống ngập rõ ràng, trong đó ngập ở quận nào thì chính quyền quận đó sẽ là nơi chịu trách nhiệm khắc phục tình trạng ngập. Thành phố cần phân bổ ngân sách xuống từng quận để địa phương chủ động thực hiện các dự án chống ngập. Cuối năm tổng kết: nếu tình trạng ngập được cải thiện thì thưởng cho địa phương, nếu tình hình không khả quan thì xử phạt.
Bàn về tình trạng ùn tắc giao thông trong thành phố, đại biểu Thích Thiện Tánh cho rằng xe buýt với kích thước lớn di chuyển trong những tuyến đường chật cũng là một nguyên nhân cản trở các phương tiện giao thông di chuyển. Ngoài ra thực trạng mỗi năm thành phố chi ra một khoản ngân sách lớn để trợ giá xe buýt trong khi lượng người đi xe buýt không nhiều như kỳ vọng cũng gây bức xúc lớn.
Đại biểu Thích Thiện Tánh đề nghị sở Giao thông Vận tải Thành phố cần xem lại chính sách trợ giá và khuyến khích người dân đi xe buýt. Đồng thời ông cũng đề xuất ý tưởng triển khai xe buýt cỡ nhỏ 25 chỗ ngồi để tiết kiệm không gian và tạo sự linh hoạt trong di chuyển.
Chuyện cấp phép xây dựng cũng là vấn đề gây bức xúc cho cử tri. Đại biểu Thích Thiện Tánh nêu thực trạng nhiều người dân đất được sang tay bằng hình thức viết giấy tay chuyển nhượng. Khi đi đến cơ quan chính quyền để làm thủ tục cấp chứng nhận sở hữu nhà đất thì hồ sơ bị “ngâm” rất lâu.
Đại biểu Thích Thiện Tánh phát biểu tại cuộc họp.
Ông dẫn chứng có ngôi chùa ở một quận nộp thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 10-2014 nhưng đến thời điểm hiện nay ( 12-2015), hơn 1 năm vẫn chưa thấy chính quyền địa phương đá động đến.
Ông cũng lưu ý việc cấp phép xây dựng thành phố cũng cần giải quyết thấu tình đạt lý. Dẫn chứng ví dụ về công trình xây dựng vượt tầng ở số 8 Lê Trực- Hà Nội và “biệt phủ” trên núi Hải Vân –Đà Nẵng, đại biểu Thích Thiện Tánh truy vấn đề với câu hỏi: vì sao lúc cấp phép xây dựng cơ quan chức năng không xem xét kỹ, đến khi xây xong mới truy trách nhiệm người xây rồi cưỡng chế công trình gây tốn kém?
Đề xuất vấn đề này, đại biểu Tánh đề xuất việc làm nghiêm công tác cấp phép trước xây dựng, Theo đó, xây nhà quận nào, xây chùa quận nào thì chính quyền địa phương, cụ thể là chính quyền phường, xã phải kiểm tra điều kiện xây dựng, vị trí xây dựng, kiến trúc và thiết kế xây dựng xem đã phù hợp với quy hoạch địa phương hay chưa trước khi cấp phép. Sau đó cần thực hiện tốt công tác kiểm tra xây dựng và hậu kiểm để công trình được cấp phép xây dựng đúng thiết kế.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn khẳng định thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng nhiều bất cập, mà nhức nhối nhất là việc một bộ phận cán bộ địa chính cấp quyền sử dụng đất còn tham ô, nhũng nhiễu. Công tác cấp phép xây dựng còn lỏng lẻo.
Ông Tuấn khẳng định trong thời gian tới sẽ xúc tiến việc xây dựng cơ chế cấp phép quyền sở hữu nhà đất và cấp phép xây dựng về một đầu mối, một thời điểm, tinh giản giấy tờ thủ tục để hạn chế sự nhũng nhiễu. Ông cũng đồng ý với biểu với đại biểu Thích Thiện Tánh là cần giám sát kỹ khâu cấp phép xây dựng trước khi công trình được hoàn thiện.
Trong phiên làm việc sáng nay, lĩnh vực y tế với dịch sốt xuất huyết hoành hành và tình trạng quá tải bệnh viện cũng được đưa ra bàn thảo. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định chính quyền đang giám sát chặt dịch Sốt xuấy huyết.
Ông giải thích do thực trạng biến đổi khí hậu, môi trường, tình trạng đô thị hóa cao dẫn đến việc phát sinh muỗi gây bệnh. TP.HCM đã chuẩn bị tốt cơ sở chữa bệnh, thực hiện công tác diệt trừ lăng quăng, khơi thông dòng chảy, tuyên truyền về bệnh để đối phó với căn bệnh này.
Ông Bỉnh cũng nhấn mạnh đến chính sách của thành phố để giảm tải bệnh viện bằng cách tăng cường việc đào tạo để cung cấp kịp thời nguồn nhân lực y tế. Xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh ở các địa phương để chia sẻ bớt áp lực quá tải ở các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn .
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trong phiên họp sáng nay.
Ông nhấn mạnh sẽ xây và nâng cấp các bệnh viện tuyến quận huyện với quy mô từ 300 đến 500 giường bệnh với đầy đủ các khoa nội, ngoại, sản, nhi. Trong đó thành phố điều các bác sĩ ở những bệnh viện lớn luân phiên về thăm khám, chữa trị ở các bệnh viện tuyến quận, huyện để phân bố đồng đều nguồn lực y tế.
Giám đốc sở Y tế thành phố cũng nêu một ví dụ điển hình là bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức- dù là bệnh viện tuyến quận- huyện nhưng đã được đầu tư, nâng cấp như một bệnh viện tuyến trên hiện đại. Trong tương lai gần, bệnh viện này sẽ đưa vào hoạt động phòng xạ trị chữa trị ung bướu, trở thành bệnh viện tuyến quận- huyện đầu tiên trong cả nước có dịch vụ điều trị này.
Ông Bỉnh cho biết mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để các bệnh viện vệ tinh khác như Củ Chi, Bình Chánh, quận 4 v..v sẽ đáp ứng được nhu cầu chữa trị cao của người dân, tránh sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.