Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020:

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân

(CATP) Trong dự thảo, phần về “Nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu” tại mục VIII (phần C) có nêu “Thực hiện tốt hơn cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân”. Tới đây, năm 2016, theo quy định của Hiến pháp, thành phố sẽ tổ chức bầu Hội đồng nhân dân (HĐND) ở cả 3 cấp: Thành phố (TP), quận, huyện và phường, xã.

Vì vậy, không chỉ là “thực hiện tốt hơn cơ chế” mà chính là vấn đề làm thế nào để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát của HĐND các cấp mới là nội dung cần đặc biệt coi trọng.

Ban Pháp chế HĐND TP giám sát công tác PCCC Công ty sản xuất thuốc lá ở KCN Vĩnh Lộc (năm 2013)

Giám sát là chức năng quan trọng của HĐND. Theo quy định, HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện KSND cùng cấp; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

Đại biểu HĐNDTP tiếp xúc cử tri Quận 8

Theo cơ chế hiện nay, hàng năm, trong phiên họp cuối năm, HĐNDTP đều đưa ra Chương trình công tác năm trong đó có các hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban HĐND. Sau khi được các đại biểu biểu quyết thông qua, HĐNDTP sẽ ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐNDTP năm tiếp theo. Số lượng các buổi giám sát khá nhiều. Riêng năm 2014, HĐNDTP đã thực hiện 86 buổi giám sát, 24 buổi tái giám sát. 6 tháng đầu năm 2015, Thường trực và các Ban HĐNDTP đã thực hiện 55 buổi giám sát chuyên đề. Hoạt động giám sát của HĐNDTP thời gian qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nhất là những chuyên đề đang được người dân quan tâm như Quy hoạch “treo”, tình hình di dời các cơ sở gây ô nhiễm, giáo dục mầm non, cung cấp nước sạch, xét xử và thi hành án dân sự... giúp Thường trực và các Ban HĐNDTP có thêm thông tin để thẩm tra các báo cáo, tờ trình, từ đó phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện các Nghị quyết của HĐNDTP.

Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của công tác giám sát như báo cáo của Thường trực HĐNDTP tại kỳ họp lần thứ 18 (tháng 7-2015) vừa qua, đó là: Công tác giám sát tuy có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bao quát hết các đơn vị TP, vẫn còn có những kiến nghị sau giám sát chậm được khắc phục. Việc đôn đốc, theo dõi, giám sát thực hiện kết luận giám sát đôi lúc chưa thường xuyên. Một số thành viên các Ban HĐNDTP tham dự chưa đầy đủ các hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra của Ban.

Đại biểu Ngô Minh Châu ( Phó Giám đốc CATP) và Tổ đại biểu HĐNDTP đơn vị quận 8 trong buổi giám sát tại địa phương.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐNDTP, xin góp một vài ý kiến sau:

Một là, về cơ cấu của các Ban của HĐNDTP:

Hiện nay, HĐNDTP có 3 Ban: Kinh tế - Ngân sách; Văn hóa - Xã hội và Pháp chế. Mỗi Ban bố trí 3 thành viên chuyên trách (gồm 1 trưởng ban, 2 phó ban) và 8 thành viên không chuyên trách. Thực tế cho thấy hiệu quả của giám sát phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực chuyên môn, khả năng thu xếp thời gian để tham gia (đối với số thành viên kiêm nhiệm)... Vì vậy trên cơ sở tăng đại biểu chuyên trách nói chung, cần bố trí tăng số đại biểu chuyên trách cho các Ban với tỉ lệ ít nhất là 50%.

Mặt khác, nên chăng, sau khi có kết quả bầu cử HĐND, nên tổ chức giới thiệu tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu đối với chức danh thành viên các Ban để cho đại biểu HĐND có thể tự nguyện đăng ký tham gia một Ban nào đó phù hợp với bản thân. Trên cơ sở đó, lãnh đạo cấp ủy và Thường trực HĐND khóa trước tham khảo và xem xét, chọn lựa để giới thiệu bầu. Ngoài số thành viên được bầu vào các Ban, những đại biểu khác có nguyện vọng tham gia sẽ đưa vào danh sách các chuyên gia, cố vấn cho các Ban để mỗi khi giám sát, các Ban có thể mời tham gia hoặc lấy ý kiến tư vấn. Như vậy, việc giám sát sẽ phát huy được khả năng của nhiều đại biểu HĐND chứ không chỉ của các thành viên trong các Ban.

Ngoài ra, trong điều kiện của TPHCM có nhiều đồng bào dân tộc như Hoa, Khơ me, Chăm... nên nghiên cứu thành lập thêm Ban dân tộc để nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.

Hai là, cần phân định rõ công tác giám sát của Tổ đại biểu HĐNDTP và HĐND quận, huyện:

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, tổ đại biểu HĐND được thành lập ở hai cấp, (như ở TPHCM là cấp TP và quận, huyện). Tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công.

Như vậy, cần phân định rõ “địa bàn” giám sát của tổ đại biểu HĐNDTP với HĐND quận huyện, bởi như hiện nay Tổ đại biểu HĐNDTP chủ yếu giám sát trên địa bàn nơi các thành viên của tổ đại biểu được bầu hay nói cách khác, mỗi tổ đại biểu thường sẽ giám sát một quận, huyện (cá biệt một số quận, huyện do hai tổ giám sát). Từ năm 2016, tổ HĐND cấp quận, huyện cũng sẽ phân công đại biểu giám sát trên địa bàn một vài phường, xã trên địa bàn quận, huyện. Như vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực, các ban HĐND cấp TP và HĐND quận huyện khi thực hiện công tác giám sát trên cùng địa bàn, tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Một vấn đề khác là do tổ đại biểu HĐND hiện không có tư cách pháp nhân, không có con dấu nhưng thực tế là để thực hiện chức năng giám sát có thể phải ban hành một số văn bản gửi cho cử tri hoặc cơ quan, đơn vị liên quan. Vì vậy, cần quy định cụ thể tổ đại biểu có quyền sử dụng con dấu treo của HĐND cấp mình khi ban hành những văn bản đó.

Ba là, cần quan tâm về bộ máy giúp việc cho đại biểu HĐND:

Hiện nay bộ máy giúp việc cho đại biểu HĐND là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Đối với TPHCM - một TP lớn với nhiều tính chất đặc thù, để đảm bảo cho việc phục vụ hoạt động của HĐND nói chung trong đó có hoạt động giám sát, rất cần tách riêng Văn phòng HĐNDTP và tăng cường thêm nhân lực là đội ngũ các chuyên viên, nhân viên phục vụ đại biểu. Vấn đề này cả Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐNDTP đều đã từng kiến nghị. Vì vậy, đề nghị TP kiên trì tiếp tục kiến nghị Quốc hội quan tâm giải quyết.

Ngoài việc các Ban HĐND được quyền mời các chuyên gia tư vấn như hiện nay, TP cần nghiên cứu mở rộng quy định trên, cho phép các đại biểu HĐND cũng có quyền đăng ký sử dụng từ 1 - 3 cộng tác viên là các chuyên gia, nhà nghiên cứu về chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu đã, đang và sẽ tham gia giám sát. Các cộng tác viên này sẽ được hưởng một khoản tiền thù lao nhất định do HĐNDTP đài thọ trong giới hạn một khoảng thời gian giúp các đại biểu (có thể không quá 6 tháng). Làm được như vậy sẽ góp phần tăng hiệu quả công tác giám sát, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhiều thành phần trong xã hội có thể gián tiếp tham gia công tác giám sát của HĐND.

Những phân tích và đề xuất nêu trên dù chưa đầy đủ nhưng cũng cho thấy để thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND không chỉ chú ý làm tốt về “cơ chế” mà còn phải có nhiều biện pháp đồng bộ đi kèm. Vì vậy, xin đề nghị sửa lại câu “Thực hiện tốt hơn cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân” thành: “Cần coi trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang