Ngày hội của hơn 13 triệu người làm công tác khuyến học

Thứ Sáu, 02/10/2015 14:54  | P.V

|

(CAO) Hôm nay là dịp kỷ niệm 19 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN) (2-10-1996 – 2-10-2015), ngày hội của hơn 13 triệu hội viên khuyến học trên cả nước, những người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và thế hệ trẻ.

Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Phạm Tất Dong - Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hội KHVN - cho biết, tổ chức hội đã được thành lập ở 63 tỉnh thành, huyện thị, phường xã, thôn bản và nhiều dòng họ, cơ quan, đơn vị… trên cả nước với hơn 300.000 chi hội, tổng số hội viên lên đến 13.190.750 người, chiếm 14,34% dân số. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 500.000 hội viên mới được kết nạp.

Thời gian qua, hội đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo xây dựng được 10.944 trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương. Nhiều chi hội khuyến học của Trung ương hội và các tỉnh thành hội là lực lượng nòng cốt đưa các quyết định xã hội học tập của Nhà nước vào cuộc sống.

Năm 2014 vừa qua, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài vẫn được duy trì và ngày càng tăng, tính đến cuối năm 2014 đầu 2015 có 1.917 tỷ đồng.

Đoàn học sinh sinh viên tiêu biểu toàn quốc dự lễ báo công dâng bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Hội khuyến học Việt Nam

Cùng với cả nước, Hội Khuyến học TPHCM đã có sáng kiến đề xuất nhiều phong trào và đã được nhân rộng trên toàn quốc.

Bắt đầu từ thành phố mang tên Bác, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học - Dòng họ hiếu học - Cộng đồng khuyến học” đã lan rộng khắp cả nước, thể hiện truyền thống hiếu học vốn có từ ngàn năm của dân tộc và đã trở thành nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Thành phố hiện có 376.431 gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”.

Hội Khuyến học TPHCM đã vận động mọi người, mọi gia đình tự chăm lo và cùng chăm lo chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”. Giai đoạn 2009-2014 thành phố đã vận động được 367.884.425.736 đồng.

Theo GS-TS Phạm Tất Dong, năm 2015 ngoài việc tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển Hội KHVN, hội còn tập trung phát triển hội viên, xây dựng các loại quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế… nhằm phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng mô hình xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Hiện hội đang nghiên cứu chuyển đổi mô hình “Gia đình hiếu học - Dòng họ hiếu học - Cộng đồng khuyến học” sang “Gia đình học tập - Dòng họ học tập - Cộng đồng học tập” giai đoạn 2015 - 2020. Đây là bước phát triển quan trọng, gắn kết phong trào khuyến học của Trung ương hội với nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao cho trên tinh thần quán triệt Nghị quyết 29/NQ/HNTW của Trung ương Đảng và Quyết định 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc - Ảnh: Hội khuyến học Việt Nam

Trước đó, chiều 29-9 Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức đoàn gồm lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện hơn 50 tỉnh, thành hội cùng gần 60 học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn quốc năm 2015 đến viếng và dự lễ báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn cũng đã đến thăm, dâng hương tại nơi ở của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam từ khóa I đến khóa IV.

Bình luận (0)

Lên đầu trang