GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 1%, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,86%; lạm phát bình quân 6 tháng tăng 2,24%.
Cùng với việc phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng được cải thiện tích cực, tốc độ tăng dư nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36% (cùng kỳ năm 2014: 2,96%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,09% (cùng kỳ năm 2014: 5,93%); dịch vụ ước tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2014: 5,56%).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến
Tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao.
Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây; trong đó: công nghiệp tăng 9,53% (cùng kỳ 2014 tăng 5,88%); xây dựng tăng 6,6% (cùng kỳ 2014 tăng 6,24%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP tăng 10%; tiếp đến là ngành khai khoáng, IIP tăng 8,2%, trong đó riêng về sản lượng dầu thô khai thác trong nước 6 tháng đầu năm ước đạt 8,38 triệu tấn, tăng 830.000 tấn (tăng 11%) so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 12,85%, số người chết giảm 4,5% và số người bị thương giảm 17,24%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao...
Phấn đấu vượt kế hoạch đề ra
Tại phiên họp, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng khi bắt đầu từ tháng 7-2015, có rất nhiều điều luật có hiệu lực, nhưng qua rà soát, ngoài Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn lại đều chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Như vậy, các địa phương rất lúng túng khi thi hành.
Theo lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, ngoài việc xin bố trí vốn để thực hiện cải tạo nốt kênh Chợ Gạo, giải quyết tình hình sạt lở bờ kênh, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, còn đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra cho phù hợp với tình hình thực tế và kiến nghị của các doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị: các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải hướng dẫn nông dân sản xuất, trồng trọt những mặt hàng mà thị trường có nhu cầu như hạt điều, hoa quả có múi, ngô (nhất là trong điều kiện khô hạn như hiện nay), chăn nuôi bò, bò sữa, tôm (tôm thẻ chân trắng), đồng thời hạn chế phát triển nuôi cá tra. Từng địa phương phải có nhiều cách làm để hỗ trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động đối phó với tình hình thiên tai khắc nghiệt...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bên cạnh thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn, tôi đề nghị tất cả các đồng chí theo dõi sát tình hình, đề cao trách nhiệm, năng động sáng tạo, quyết liệt điều hành, phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, yếu kém, triển khai đồng bộ, đồng thời các giải pháp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra”.
Với tinh thần đó, đề cập nhiệm vụ giải pháp trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước hết là thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.