Chuyên gia chỉ tiếp xúc với trẻ một thời gian ngắn, việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà tư vấn với trẻ không hề quan trọng bằng việc kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Bước 1: Chuẩn bị tinh thần
Sắp xếp với con một cuộc nói chuyện thân tình. Nội dung cuộc trò chuyện không nên “đả động” ngay đến vấn đề internet mà hãy bắt đầu bằng vài câu chuyện phiếm rồi đi vào những nội dung thân mật. Từ đó, chúng ta có “đà” để trao đổi với con một chút về việc lên mạng quá nhiều và hỏi ý con nghĩ gì về chuyện đó. Phụ huynh cần đưa ra các dẫn chứng của những trường hợp nghiện internet và tác hại của nó nếu không tự kiểm soát được mình.
Cha mẹ nên có những buổi trò chuyện thường xuyên với con. Ảnh Internet
Cuối buổi trò chuyện, hãy đề nghị con tổ chức một buổi ăn nhẹ cuối tuần và gợi ý con hãy rủ bạn bè về nhà. Việc làm trên không chỉ tiến hành một lần mà hãy thường xuyên “hẹn hò” với con, ít nhất là trong khoảng một tuần trước khi chuyển qua bước kế tiếp. Mục đích của việc làm này là cho con chúng ta nhận thức rõ ràng và chắc chắn rằng bố mẹ đang rất yêu thương và quan tâm đến chúng.
Bước 2: “Cắt cơn”
Biện pháp 1: Cai nghiện “cứng” bằng kỉ luật
Hãy tìm các biện pháp khéo léo để cách ly đứa trẻ và internet. Ví dụ một trong các cách sau đây:
(vài ngày đầu)
- Đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy. Đứa trẻ sẽ tự biết “mọi người có thể thấy tất cả những gì mình làm gì trên máy”.
- Hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày (dưới 30 phút) và cứng rắn đảm bảo “luật pháp” được tôn trọng, kèm theo các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm.
(sau vài ngày đầu)
- Tạm ngưng thuê bao dịch vụ nối mạng (với lý do hư modem – nếu cần thiết).
- Cho đứa trẻ về quê hoặc đi du lịch hoặc các lớp năng khiếu, các lớp thể thao dành cho học sinh hay hoạt động nào khác khiến trẻ phải “ly thân” với internet một thời gian ít nhất 7 ngày để đủ thời gian “phá” đi một thói quen cũ.
Biện pháp 2: Cai nghiện “mềm” bằng tâm lý
Đây là biện pháp bắt buộc phải tiến hành song song nhằm khỏa lấp những khoảng trống mà biện pháp cai nghiện “cứng” để lại. Sự cấm đoán không đi kèm với vổ về ắt tạo nên sự nổi loạn của con trẻ. Nhưng nếu nội quy đi kèm với tình thương sẽ cho kết quả bằng sự hưởng ứng.
Phụ huynh nên hướng trẻ nhỏ vào các trò chơi lành mạnh, bổ ích. Ảnh Internet
Biện pháp này gồm các cách thực hiện như sau:
- Một là, khỏa lấp sự hụt hẫng trong nhu cầu của con bằng cách hướng con vào hoạt động sống. Hãy chịu khó động não và liệt kê ra ít nhất 10 loại hình giải trí bổ ích hoặc những hoạt động khám phá thú vị mà con chúng ta có thể tham gia tại nhà hay ngoài trời như picnic, trang trí tường - nhà, câu cá, trồng cây trang trí sân, xem kịch, thể thao, một lớp học võ thuật hoặc lớp dạy nấu ăn, lớp dạy viết văn hay thiết kế phần mềm… Hãy hỏi ý chúng rồi sắp xếp vào thời khóa biểu còn trống của con các hoạt động để giúp con khôi phục lại những trải nghiệm hấp dẫn của cuộc sống thực, phát triển năng khiếu và thỏa đam mê khám phá cũng như nhu cầu tự khẳng định mình.
- Hai là, nối kết giữa bố mẹ với con. Nếu cần thiết, hãy làm một cuộc “cách mạng” trong gia đình để cải tạo mối quan hệ giữa chúng ta với con cái, không chỉ giúp con thoát khỏi chứng nghiện net mà còn đưa tình cảm gia đình lên một cấp độ mới. Hãy tổ chức hoạt động cho gia đình, dành thời gian cho con cả về chất lẫn lượng. Làm sao để những phút giây gia đình hấp dẫn hơn thế giới online.
Bước 3: Hình thành thói quen mới
Khi con đã bắt đầu hòa nhập vào các hoạt động mới, hãy chọn ra một vài hoạt động “đỉnh” nhất mà chúng hứng thú để biến chúng trở thành những thói quen có ích, thay thế cho thói quen online cũ. Song song đó, để giúp con cai nghiện mãi mãi và cũng là biện pháp phòng ngừa tái nghiện, hãy giúp con đặt mục tiêu cho cuộc sống. Hãy tìm xem ước mơ của con chúng ta là gì, nếu không, hãy giúp chúng vẽ nên ước mơ của chính chúng, lập kế hoạch thực hiện và bắt tay khởi động.
Không có lối tắt để đến nơi cần đến. Không có viên thuốc thần kì nào khiến con chúng ta trở về trạng thái cũ ngay lập tức. Cũng chắc chắn không có lớp cai nghiện nào có thể đảm bảo con chúng không “tái nghiện” về sau. Chúng ta đã trao con cho internet bao nhiêu lâu thì cũng phải mất ngần ấy thời gian để mang nó trở về. Đừng xem đó là nghĩa vụ nặng nề mà hãy nhớ rằng đầu tư cho con cái là một khoản đầu tư không bao giờ lỗ.
Nên quy ước trước với con về thời lượng online mỗi ngày. Ảnh Internet
Phòng còn hơn trị
Để ngăn ngừa con không rơi vào nghiện net, bố mẹ cần lưu ý những biện pháp sau đây:
Cần đặt máy tính ở những nơi dễ nhìn thấy. Quy ước trước với con về thời lượng online mỗi ngày. Khen ngợi khi trẻ online để làm những việc có ích. Sử dụng một đồng hồ báo thức để nhắc nhở đã đến giờ tắt máy vi tính hoặc dùng phần mềm quản lý tự ngắt. Hướng con vào một số hoạt động sở thích khác ngoài đời sống thực (thể thao, năng khiếu, lớp kỹ năng sống…). Thường xuyên tổ chức những hoạt động chung cho gia đình để lôi kéo đứa trẻ tham gia. Dành thời gian giao tiếp với con, định hướng cho chúng một cuộc sống có ý nghĩa, sống có ước mơ để theo đuổi. Kiên quyết khi phát hiện trẻ chớm có dấu hiệu phụ thuộc internet.
Về lâu về dài, bạn không thể quản lý con sát sao 24/24. Nên rèn cho trẻ tính tự kiềm chế qua cuộc sống hàng ngày. Ví dụ tập cho trẻ kiềm chế trước việc mua đồ chơi trong cửa hàng, tập cho trẻ tự kiềm chế trước bánh kẹo và đồ ngọt, tập cho trẻ biết tự tắt tivi khi đã xem quá lâu, cần biết từ chối hợp lý trước những đòi hỏi của trẻ từ khi còn nhỏ. Dần dà sẽ tập cho trẻ biết kiểm soát các ước muốn của mình.
Giúp trẻ tránh nghiện internet không khó. Chỉ khó ở chỗ bố mẹ phải tránh chuyện “nghiện việc” mà bỏ rơi con mình cho thế giới online!
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Khoa Tâm lý giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM