Giao ban báo chí, xuất bản Công an Nhân dân:

‘Tính chuyên nghiệp nhưng cũng cần sắc thái riêng’

Thứ Tư, 23/11/2016 18:11  | Xuân Hoài

|

(CAO) Đó là chỉ đạo của thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị giao ban báo chí, xuất bản (BCXB) Công an Nhân dân (CAND) năm 2016 do Tổng cục Chính trị - Bộ Công an diễn tổ chức ngày 23-11 tại Đà Nẵng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình báo chí xuất bản hết sức khó khăn khi báo in đang trên đà “tuột dốc”, các báo điện tử chưa theo kịp xu thế, tình hình xuất bản đang ở thế “bí”, vấn đề tuyên truyền còn nhiều vướng mắc…

Bởi thế, đích thân ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự, chỉ đạo những vấn đề nóng hổi hiện nay và định hướng trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND cho rằng, Báo CAND nói riêng và hệ thống báo chí CAND đang rất khó khăn, số lượng báo in giảm, đang tìm nhiều cách để cố giữ số lượng xuống chậm nhất có thể. Hiện đang tập trung phát triển báo Điện tử và hướng đến cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đồng quan điểm này, đại tá Trần Trọng Dũng, TBT Báo Công an TP.HCM phân tích, trong thời đại cạnh tranh thông tin, giữ được số lượng là vô cùng khó. Bởi thế, hiện đang tập trung đến việc phát triển Báo Điện tử Công an TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp.

Ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (bên phải) trao đổi bên lề hội nghị với các đại biểu

Tuy nhiên, hiện gặp một số khó khăn, trong đó có vấn đề kinh phí. Ví như, theo kế hoạch đến năm 2019, Báo Công an TP.HCM đầu tư khoảng 30 tỷ đồng cho Báo Điện tử, hiện đang trình lãnh đạo Công an TP.HCM phê duyệt. Nhưng đang gặp khó khăn về cơ chế tuyển người tài, bởi chế độ đãi ngộ chưa tốt, cơ chế còn một số vướng mắc khác.

Nói về công tác tuyên truyền, đại tá Trần Trọng Dũng nhìn nhận, hiện báo chí CAND chưa phát huy đồng bộ, phản bác các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, thiếu những cây bút cây đa cây đề về chống diễn biến hòa bình.

“Nên tổ chức giao ban riêng đối với các báo CAND, với các tạp chí về chuyên đề chống diễn biến hòa bình để làm cầu nối, nắm bắt những thông tin, kiến thức, cộng tác bài vở,…”, đại tá Dũng đề xuất.

Ngoài ra, theo đại tá Dũng, hiện xử lý tình huống thông tin khẩn cấp, định hướng dư luận còn chưa nhanh nhạy. Đề nghị, đối với những vụ việc nhạy cảm, vụ việc rúng động, gây chú ý rộng rãi trong dư luận…, Cục Công tác Chính trị chỉ đạo trực tiếp khẩn cấp cho các TBT để có những thông tin chính thống, chuẩn xác, định hướng dư luận đúng với thực tế tình hình. Hơn nữa, cũng cần giao ban giữa các báo CAND để bám sát tình hình, định hướng tuyên truyền một cách chính thống, đầy đủ,…

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Công an thẳng thắn nhìn nhận: “Các báo CAND có dấu hiệu đi xuống, trong đó có yếu tố khách quan nhưng cũng có sự chủ quan. Trong hệ thống báo chí CAND ít tìm ra những cây viết “sừng sỏ”, sắc sảo. Trong một thời gian dài, công tác quản lý báo chí cũng chưa phát huy đúng tầm…”.

Ghi nhận đề xuất của đại tá Trần Trọng Dũng, trung tướng Trần Bá Thiều thống nhất mở hội nghị chuyên đề về việc phản bác những luận điệu xuyên tạc, lợi dụng diễn biến hòa bình để mời gọi những cây viết sắc sảo trong lĩnh vực này.

“Cần định hướng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa thông qua giao ban BCXB; các báo tập trung đào tạo phóng viên, BTV phục vụ cho việc phát triển báo Điện tử rồi Cục Công tác Chính trị mở thêm một số lớp bồi dưỡng tập huấn thêm. Sắp tới, các bên liên quan sẽ tổ chức một hội nghị bàn riêng về vấn đề chính sách, tài chính để tạo thuận lợi cho báo chí CADN được hoạt động tốt hơn”, trung tướng Trần Bá Thiều lưu ý.

Ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao báo chí CAND đã phát huy được vai trò của mình. Tuy nhiên, trong 9 vấn đề thiếu sót mà các báo mắc phải thì các các báo CAND “vướng” 4-5 vấn đề (như thông tin khá đậm về tội ác, mặt trái; hình ảnh còn phản cảm; xâm phạm đời tư…).

“Thông tin là nguồn tài nguyên hết sức quan trọng, vấn đề lo ngại nhất là ô nhiễm thông tin, đề nghị các TBT, BBT cẩn trọng hơn nữa trong việc kiểm duyệt thông tin, nội dung đăng tải. Bên cạnh tính chuyên nghiệp thì báo chí CADN cũng cần sắc thái riêng. Muốn vậy, cần phải tăng cường giao ban báo chí CAND theo chủ đề, kết nối, tương tác giữa các đơn vị trong ngoài CAND để có hình thức tuyên truyền hữu hiệu nhất. Từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất người làm báo, tờ báo, tránh nguy cơ tụt hậu ngay trong chính bản thân mình”, thượng tướng Thành nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị

Ngoài ra, thượng tướng Nguyễn Văn Thành còn lưu ý việc xây dựng quy hoạch, chiến lược căn cứ trên tổng thể chung, sau đó, hoạch định cụ thể cơ chế, chính sách đi kèm cho phù hợp.

Lần đầu tham dự giao ban BCXB CAND, ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao vai trò đặc thù của báo chí CAND để tham mưu cho Bộ Chính trị có những cơ chế, chiến lược phù hợp trong tình hình mới.

Ông Ninh lưu ý, cần những tư duy mới tiếp cận báo chí trong thời đại mới như nhanh nhạy, kịp thời, hiện đại. Hiện có nhiều đối tượng lợi dụng xoáy sâu, đả kích vào những thông tin mà chúng ta chưa kịp thời, thiếu hiện đại,…

Đại tá Trần Trọng Dũng - TBT Báo Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

Để có những chiến lược phát triển báo chí CAND trong thời kỳ mới, ông Ninh chỉ đạo: “Cần tiếp tục rà soát các báo, tạp chí trong CAND hiệu quả thấp, độc giả ít thì giải thể hoặc bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp; nâng cao chất lượng hơn là số lượng. Bên cạnh đó, tập trung theo hướng đa phương tiện theo hướng nâng cao chất lượng báo in, phát triển báo điện tử, truyền hình. Hơn nữa, lãnh đạo Bộ Công an giao cơ quan chuyên ngành xây dựng cơ chế vận hành tài chính, nhân lực, thiết bị phù hợp với xu thế hiện nay”.

“Báo chí CAND có đặc thù riêng nên nếu nặng về thị trường thì khiến một số đơn vị phải “phá rào”, còn nếu nặng về tuyên truyền thì phải cần có những cơ chế phù hợp, cách tiếp cận mới. Tập trung giải quyết vấn đề khó khăn cấp bách trước mắt, vướng mắc đến đâu gỡ đến đó và phải có bộ phận chuyên trách theo dõi để đề xuất những giải pháp tích cực, để lãnh đạo Bộ Công an đưa ra những chính sách phù hợp với báo chí CAND trong tình hình mới”, ông Ninh nhấn mạnh.

Đến nay, hệ thống cơ quan báo chí, xuất bản CAND có 27 đơn vị, gồm: 6 báo in (trong đó có 1 đơn vị báo chí của cơ quan Bộ Công an và 5 đơn vị báo chí của Công an địa phương) 18 tạp chí. Hiện có 1.400 cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo chí, xuất bản CAND, trong đó 771 biên chế, 648 hợp đồng và gần 700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo và là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Các công tác hoạt động xã hội, từ thiện các báo CAND thực hiện rất tốt. Như Báo CAND vận động gần 16 tỷ đồng; Báo Công an TP.HCM 14 tỷ đồng; Báo Công an TP. Đà Nẵng gần 6 tỷ đồng, Báo An ninh Thủ đô gần 4 tỷ đồng với nhiều chương trình, hoạt động hết sức thiết thực như Giải bóng đá “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Cúp Tôn Hoa Sen” lần thứ 17, Chương trình “Mái ấm gia đình Việt - Xuân Bính Thân”, “Sánh cánh cùng chiến sĩ hải đảo”, “Cùng em đến trường”,…

Bình luận (0)

Lên đầu trang