Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm mà cả năm không xử lý
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất nhận định: năm 2016 khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các cấp, các ngành, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đất nước có những chuyển biến đáng kể.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: vấn đề nợ công, chọn người tài hay người nhà, tình trạng tham nhũng lãng phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường,... gây bức xúc trong nhân dân và đang cần một kỷ cương, kỷ luật rất mạnh để sắp xếp lại, giải quyết cơ bản những vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An dẫn chứng: Hiện nay ngân sách dùng cho đầu tư phát triển còn rất ít, chủ yếu đi vay. Nhưng qua nghiên cứu 65 dự án do các tập đoàn tổng công ty nhà nước, 4 dự án nhà máy, sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu Ethanon của Dung Quất, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỷ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An
Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2 gói thầu Dung Quất vốn đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ nay nâng lên là 8.104 tỷ, tăng 4.261 tỷ đồng. “Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không nợ chồng lên nợ. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết” - đại biểu Cầu nói.
Vị Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là dù lãnh đạo cấp trên từ lãnh đạo tỉnh đến các thành viên của Chính phủ đã chuyển động rất mạnh mẽ, rất quyết liệt, thế nhưng bộ máy thực thi công vụ, kể cả Trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.
Đại tá Cầu đề nghị 3 giải pháp: làm chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi công vụ; ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh; chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được và mạnh tay kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. “Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp” - đại biểu Cầu khẳng định.
Còn đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên thì phàn nàn: “Báo cáo Chính phủ nêu năng lực phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm. Hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đều có hạn chế này.
Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy? Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. đại biểu và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này”.
Đoàn Chủ tịch
Về một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm nêu trên làm cho người dân bức xúc và bất bình.
“Chúng ta có Luật đầu tư công, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao, đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân” - đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Giải quyết những vấn đề căn cốt của ngành nông nghiệp
Trong suốt phiên thảo luận, phần lớn các ý kiến đại biểu đều đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước. Giải trình trước Quốc hội và cử tri cả nước qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có vị thế cao trên trường quốc tế và đây là cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng phải thừa nhận những tồn tại, yếu kém như các vị đại biểu quốc hội đã chỉ ra. Chính vì thế, Chính phủ đã đưa ra Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Bộ trưởng Cường cho biết: “Qua 3 năm thực hiện, tất cả các địa phương đều vào cuộc và nhiều địa phương bước đầu đã thành công như: Hà Giang, Bình Thuận. Nhiều ngành đã có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới như chăn nuôi lợn, hay sản xuất thức ăn chăn nuôi, cá tra,…
Chúng ta đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đến 40 nước trên thế giới, một số ngành đã tiệm cận được với nông nghiệp công nghệ cao thế giới. Những tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã bắt đầu hướng đến đầu tư sản xuất nông nghiệp, cho thấy thành công của Đề án.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra những yếu kém, số tồn tại như: sản xuất nông nghiệp hiện vẫn dàn trải, chưa tập trung, công nghệ thấp dẫn đến an toàn thực phẩm kém; thị trường còn nhiều rủi ro; nhân tố hạt nhân là doanh nghiệp và hợp tác xã, trang trại trong tổ chức sản xuất lớn thì vẫn ít,…
Ông Cường cũng chỉ nguyên nhân là do nhận thức tái cơ cấu thấp, tuy được triển khai ở 63 tỉnh thành nhưng chưa nhận thức sâu sắc; còn một số chính sách còn bất cập, chưa phù hợp; nguồn nhân lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, làm cho mục tiêu chưa đạt như mong muốn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội
Bộ trưởng Cường cho biết, định hướng phát triển thời gian tới là phải xác định nhóm sản phẩm cấp quốc gia (khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên như cá tra, hạt tiêu, hạt điều,…), hay các sản phẩm lợi thế địa phương như quả vải Bắc Giang.
Ông Cường cho biết 63 tỉnh thành đều có lợi thế riêng với 185 sản phẩm. Ông Cường tin tưởng rằng, với 3 trục sản phẩm này chúng ta sẽ dồn lực vào để phát triển. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ những nút thắt lớn về chính sách như đất đai, qua thực tế, ở đâu nông dân tích tụ được đất đai thì sẽ phát triển được nông nghiệp chất lượng cao, xuất khẩu tốt.
Nhân đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị Quốc hội sửa một số quy định pháp luật hiện nay còn chưa phù hợp để phát triển nông nghiệp quy mô, chất lượng cao.
“Phải đầu tư nguồn lực với mục tiêu cần kiên trì, lâu dài, nên có nguồn lực tái cơ cấu riêng và rót thẳng xuống địa phương mới giải quyết được những vấn đề căn cốt của ngành nông nghiệp hiện nay” - người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định.