Đà Nẵng “nóng” thông tin chuyển các sở ngành ra khỏi tòa nhà Trung tâm hành chính trên 2000 tỷ đồng

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng nói gì?

Thứ Hai, 15/08/2016 12:35

|

(CAO) Những ngày qua, dư luận và nhân dân nóng sốt thông tin chuyển các sở ngành ra khỏi tòa nhà Trung tâm hành chính (TTHC) thành phố Đà Nẵng. Điều đáng nói, về những bất cập, hay môi trường “bí bức, thiếu khí” thì đã âm ỉ từ khi cán bộ, nhân dân vào làm việc, liên hệ công tác đã cảm nhận chứ không phải đến bây giờ mới “lộ” ra.

Tuy nhiên, trong kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX mới đây, được đại biểu chất vấn lãnh đạo thành phố thì kể cả cơ quan truyền thông cũng như nhân dân mới “rộng đường dư luận” bàn tán nhiều chiều. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Ủy viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng để hiểu hơn về vấn đề này.

PV: Là một nhà kiến trúc-quy hoạch kỳ cựu, ông nhìn nhận về việc tòa nhà TTHC hiện tại?

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy:

Đây là tòa nhà kính bao quanh không phù hợp ở vùng nhiệt đới như nước ta, nhất là tại miền Trung, bí do hiệu ứng nhà kính. Dù có giải pháp nào đi nữa cũng khó, tốn năng lượng. Nếu tính đến phương án bơm khí cũng không khả thi, bởi ai điều hành, và khí bơm cho tòa nhà cao 33 tầng là cả vấn đề, chưa kể đến mức độ nguy hiểm nó gây ra. Nếu muốn hoàn thiện thì phải làm từ đầu, giờ đưa ra giải pháp cũng là chắp vá, hiệu ứng sẽ không cao…

Chắc lúc đầu, bên nhận thiết kế cũng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin, tòa nhà mà “nhồi nhét” cả cơ quan công quyền sở ban ngành thì sao chịu thấu.

Theo tôi nghĩ, đơn vị thiết kế (ở Hàn Quốc) họ không nắm hết công năng sử dụng của chúng ta, họ cũng không nắm hết việc chúng ta tập trung cả khối cơ quan công quyền và các sở ban ngành vào làm việc tại đây. Hơn nữa, tại Hàn Quốc về điều kiện khí hậu không nói nhưng về điều kiện công việc cũng khác chúng ta, mỗi ngày họ làm việc khoảng 6 tiếng, tuần họ làm 5 ngày, họ không “nhồi nhét” nhiều như chúng ta nên tính toán lắp đặt các hệ thống thông hơi, điều hòa ở mức độ vừa phải.

Tòa nhà này phải chịu ít nhất 6 tháng mùa khô (chưa kể mùa nắng nay dài hơn mùa mưa), khi nắng lên thì tòa nhà hấp nhiệt khủng khiếp, dẫn đến những hệ lụy khác khi ở trong toàn nhà.

 

PV: Theo ông, để gỡ “thế bí”, cần phải làm gì?

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy:

Hiện hai tòa nhà cũ của UBND và HĐND thành phố nay HĐND sử dụng có quá lãng phí không?. Để giải tỏa sự chật chội hiện có ở tòa nhà TTHC, theo tôi kiến nghị trước mắt UBND thành phố về lại chỗ cũ. Bởi từ thời Pháp thuộc, họ đã chọn nơi đây là vị trí đắc địa, đẹp, sang trọng, điều hành tốt, giao thông thuận lợi giờ ta lại chuyển đi chỗ khác là điều bất hợp lí…

Về lâu dài cũng phải tính đến sửa chữa khối tòa nhà UBND cho khang trang, ở nơi độc lập, tại vị trí cũ để sử dụng. Ngoài ra, chọn vị trí thích hợp xây dựng vài khối liên cơ dành cho các sở ban ngành. Đất Đà Nẵng đã tiêu thụ nhiều nhưng vẫn còn vì gần chục năm rồi, thành phố đã có tầm nhìn đúng là chuyển các cơ quan công quyền lên phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn tuyến đường Bạch Đằng dành cho du lịch dịch vụ là chủ trương đúng.

Hoặc thành phố cũng phải tính đến khu 84 Hùng Vương (xưa là trung tâm văn hóa thành phố, nay đã có trung tâm mới rồi) nhưng nhà đầu tư định xây 48 tầng, nhưng đã hơn 5 năm rồi chưa xây dựng thì ta nghiên cứu chỗ này. Và cả bên đường Hùng Vương, phía đường Nguyễn Thái Học cũng có nhà đầu tư định xây tòa nhà hàng chục tầng, mặc dù là của nhà đầu tư nhưng họ không làm thì quá lãng phí, chúng ta tính toán thi hồi lại, tính phương án xây dựng các khối liên cơ cũng là một trong những phương án.

Nếu một nhà đầu tư nào đó mua lại làm khách sạn thì không được, bởi hình tròn khó cải tạo, bố trí phòng cho thích hợp, hơn nữa cấy thêm hệ thống vệ sinh, cấp thoát nước cho mỗi phòng rất tốn kém và khó khả thi, bởi xử lý thoát nước, thoát tiêu rất khó xử lý. Nếu cái đó, nhà đầu tư làm trung tâm thương mại, cho thuê thì có thể được, bởi nó cũng phù hợp với công năng sử dụng vừa phải. Nhà đầu tư dù sao họ cũng thỏa thuận kinh phí để thành phố bỏ tiền vào sửa chữa tòa nhà UBND thành phố cũ và làm tòa liên cơ cho các sở ban ngành. Có thể chia từng tòa theo từng khối: kinh thế, giao thông công nghiệp, nghiên cứu khóa học…

 

PV: Bài học rút kinh nghiệm rút ra từ công trình trên?

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy:

Đừng “lòe” bằng bản vẽ mà trước hết phải xem công năng phù hợp hay không, tiện dụng là một trong những tiêu chí hàng đầu hiện nay. Nếu như trước đây, trong thiết kế đầu tiên là đảm bảo tính kinh tế, rồi đến tính thích dụng (công năng) rồi mới đến mỹ quan thì nay khi kinh tế đã có điều kiện thì tính công năng được đưa lên hàng đầu. Tòa nhà ở vị trí hiện tại, công năng chưa đáp ứng, giao thông không thuận lợi, quan hệ tương tác giữa người dân với chính quyền chưa cao từ đó dẫn đến việc sử dụng không tốt.

Một số người cho rằng, công trình này là biểu tượng của thành phố, là đẹp, niềm tự hào của nhân dân là không ổn. Thực thụ nhiều người ví tòa nhà như “trái bắp”, như “chai thủy tinh” và còn một vài ví von khác không tiện nói ra. Đây là công trình dùng bằng kính, cao nên nhìn nhẹ nhàng, thanh thoát chứ chưa hẵn là đẹp.

 

PV: Không ít ý kiến cho rằng, việc rời khỏi tòa xây dựng tại một vị trí khác là nhà là quá lãng phí? Trách nhiệm thuộc về ai?

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy:

Giờ ta hoán đổi công năng này sang công năng khác cho phù hợp hơn, chỉ là chuyển giao từ loại hình này sang loại hình khác chứ có đập đi đầu mà nói là quá lãng phí.

Hồi đó có chủ trương tất cả các cơ quan hành chính về một khu để tạo điều kiện cho các ban ngành, người dân thuận lợi đến liên hệ, công tác. Từ chủ trương đúng này, thành phố tổ chức thi thiết kế trong ngoài nước. Cuối cùng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch tư vấn chọn phương án của một đơn vị thiết kế của một đơn vị tại Hàn Quốc. Theo đó, phương án này được giải nhất. Và đơn vị này đảm nhiệm việc lập dự án. Sở xây dựng là đơn vị tham mưu. Trách nhiệm này là của tập thể, nhưng sai sót đầu tiên thuộc về Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch. Hồi đó, chính tôi và KTS Huỳnh Tòa đã có ý kiến tham gia nên chọn hình khối khác để trải ra hình chữ nhật thì đáp ứng được công năng sử dụng hơn, bởi nhà tròn là giải pháp phức tạp, mối quan hệ phức tạp nhưng là ý kiến thiểu số nên vẫn quyết làm như hiện tại…

Giờ cũng không nên quy lỗi cho ai. Đây là bài học rút kinh nghiệm sâu sắc, giờ cần tìm giải pháp thích hợp. Nếu có cải tạo thì cũng tìm phương án hiệu quả.

 

 Xin cảm ơn ông!

TTHC thành phố nằm tại đường Trần Phú - Lý Tự Trọng - Lê Văn Duyệt, hướng ra dòng sông Hàn. Ý tưởng thiết kế theo kiến trúc tạo hình ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra khơi. Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng được xây dựng trên khu đất rộng 23.318 m2 theo phong cách hiện đại với chiều cao 166,8 mét, gồm 2 tầng hầm và 34 tầng nổi. Toàn bộ kính bao che toàn nhà có diện tích khoảng 21.011 m2.

Đặc biệt, mới đây, Kiểm toán Nhà nước công bố hàng loạt trụ sở hành chính khối cơ quan nhà nước trong diện tăng vốn “khủng”. Trong đó, tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng từ chỗ 880 tỷ đồng theo kế hoạch đã tăng lên hơn 2.100 tỷ đồng (tăng 142%).

Bình luận (0)

Lên đầu trang