Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Lê Khánh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc CATP; đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các cục nghiệp vụ Bộ Công an; các sở, ban, ngành TPHCM; Ban Giám đốc CATP; lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và Ban chỉ huy Công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức thuộc CATP...
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự buổi lễ
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng đông đảo của toàn dân, nòng cốt của lực lượng này là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có quá trình hình thành và phát triển trải dài qua các thời kỳ cách mạng, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở, tham gia bảo vệ ANTT an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự ở cơ sở; làm nòng cốt trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở.
Trước khi được kiện toàn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, 3 lực lượng trên đã có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH; đồng thời thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận. Mỗi lực lượng đều có quá trình hình thành, phát triển và có nhiều đóng góp đáng kể cho phong trào giữ gìn ANTT tại địa bàn cơ sở.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cùng đại biểu dự buổi lễ
Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc CATP
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân với những chiến công xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, được Chính phủ, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.
Tại lễ ra mắt, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM đã thông qua nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Theo đó, đây là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở khu phố, ấp, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trung tướng Lê Hồng Nam tại buổi lễ
Trung tướng Lê Hồng Nam cho biết, trên địa bàn TPHCM sẽ thành lập 4.861 Tổ bảo vệ ANTT với 8.334 thanh viên kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng. Sau khi hoàn thành Đề án của Hội đồng nhân dân Thành phố về xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trên địa bàn TPHCM sẽ có 4.861 Tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng, phấn khởi đến dự Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại TPHCM. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Tô Lâm hoan nghênh TPHCM đã rất khẩn trương, tích cực để buổi lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được diễn ra long trọng, chu đáo. Cùng với các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, TPHCM đã triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và hôm nay chính thức ra mắt lực lượng này.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng đây sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, từng bước xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, từ sớm, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT, không để mâu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để chỉ đạo lực lượng Công an với vai trò nòng cốt phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu triển khai một cách đầy đủ, thống nhất, bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở. Quan tâm xây dựng, bố trí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo hoạt động và thực hiện chế độ chính sách đầy đủ cho lực lượng này. Huy động cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền tạo sự ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở góp phần đảm bảo tốt tình hình ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương.
Ngoài ra, cần tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ANTT và tệ nạn xã hội. Gắn với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Đồng thời, tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là lực lượng Công an cấp xã kiểu mẫu về ANTT, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Xây dựng, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, các điển hình trong quá trình triển khai lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở; kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT tại địa phương.
(Cập nhật...)
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu lễ diễu hành
Đồng loạt tổ chức lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại 63 tỉnh, thành phố
Sáng nay, ngày 1/7, Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại mỗi tỉnh, thành phố cũng chọn 01 địa bàn cấp huyện để tổ chức Lễ ra mắt điểm.
Bộ Công an lựa chọn 12 địa phương làm điểm tổ chức Lễ ra mắt, gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau. Ngoài 12 địa phương chọn làm điểm, tất cả Công an các địa phương còn lại trên toàn quốc cũng đã hoàn thành xây dựng và trình UBND tỉnh, thành kế hoạch tổ chức lễ ra mắt vào cùng ngày 1/7.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, có 05 chương, 33 điều, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.
Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, khu phố... làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Để tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở: Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã);
Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;
Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật...
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại TPHCM
TPHCM sẽ thành lập mỗi khu phố một tổ bảo vệ an ninh, trật tự
Để triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, UBND TPHCM đề xuất mỗi khu phố, ấp thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm 3 thành viên, gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 1 Tổ viên. Trường hợp khu phố, ấp có trên 2.700 nhân khẩu được bố trí thêm 1 Tổ viên và cứ 900 nhân khẩu tăng thêm được bố trí thêm 1 Tổ viên.
TP đề xuất sau khi bố trí Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo Luật nhưng chưa đảm bảo số lượng hoặc những trường hợp đang giữ chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng không đảm bảo sức khỏe, năng lực, trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó thì Công an cấp xã đề xuất Chủ tịch UBND cùng cấp ưu tiên xem xét, quyết định công nhận Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là những đồng chí từng là Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố hoặc Công an xã bán chuyên trách có nhiều kinh nghiệm, có uy tín, đảm bảo sức khỏe, nhiệt tình công tác, đã được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ.
UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định. Trang bị công cụ hỗ trợ; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài danh mục phương tiện, thiết bị nêu trên, căn cứ đặc điểm địa bàn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, có thể trang bị thêm phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở các quy định của Luật và Nghị định số 40/2024/NĐ-CP, UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm Hỗ trợ phụ cấp hằng tháng theo trình độ đối với từng chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Chế độ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; Hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Nguyễn Vinh - Mai Anh - Đức Nam