(CAO) Trưa 28-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến viếng tang lễ GS Trần Văn Khê. GS Trần Quang Hải - con trai trưởng của GS Trần Văn Khê và tang gia đã bày tỏ niềm xúc động trước sự quan tâm của chủ tịch nước và các cơ quan cấp cao nhà nước, cùng với tình cảm của nhân dân, của văn nghệ sĩ dành cho GS Trần Văn Khê.
Xúc động trước sự ra đi của GS Trần Văn Khê, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết vào sổ lưu niệm lời tiễn biệt vô cùng thắm thiết dành cho một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, người góp phần làm rạng danh âm nhạc và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng tang lễ GS Trần Văn Khê. Ảnh: Sang Nguyễn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng tang lễ GS Trần Văn Khê. Ảnh: Minh Tâm
Chủ tịch gửi lời chia buồn đến gia đình GS. Ảnh: Sang Nguyễn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết vào sổ lưu niệm lời tiễn biệt. Ảnh: Ảnh: Sang Nguyễn
Trước đó, ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã đến viếng GS Trần Văn Khê, ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TP.HCM và nhiều quan chức cấp cao của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM, Bộ Ngoại giao Việt Nam… đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS Trần Văn Khê.
Ông Trương Hoà Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã đến viếng GS Trần Văn Khê- Ảnh: Minh Tâm.
Các văn nghệ sĩ nổi tiếng của nhiều lãnh vực đã có mặt trong hai ngày qua, thắp hương tưởng nhớ GS Trần Văn Khê.
NSND Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Kim Cương, NSƯT Út Bạch Lan… đã đến chia buồn với gia đình.
Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết: “HTV đã kịp thời thực hiện chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn, phát sóng tối 25-6, trong đó GSTS Trần Văn Khê và NSND Viễn Châu đã trò chuyện cùng tôi, nói lên tâm huyết giữ gìn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, bộ môn nghệ thuật vừa được Tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khán giả xem và xúc động vô cùng trước những tâm huyết đáng quý mà GS Trần Văn Khê đã truyền lại cho thế hệ mai sau”.
Các nghệ sĩ đến viếng tang GS Trần Văn Khê. Ảnh: Minh Tâm
GS TS Trần Quang Hải xúc động cho biết, ông nhận tin báo GS Trần Văn Khê, cha của ông qua đời khi đang tham gia một hội thảo về âm nhạc quốc tế tại Ý. Ông đã phải thu xếp bay từ Ý về Pháp, sau đó lấy vé máy bay từ Pháp về Việt Nam. Khi nghe tin GS Trần Văn Khê mất, trong một ngày ông đã nhận được hơn 300 thư chia buồn từ các đồng nghiệp, học trò cũ của GSTS Trần Văn Khê.
Tối 27-6, tại tang lễ Giáo sư Trần Văn Khê, đông đảo quan khách đến thắp hương đã xúc động chứng kiến nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thắp hương tiễn biệt người bạn tri âm, đồng điệu trong suốt nhiều thập niên.
Nhạc sư Vĩnh Bảo đã hòa đàn cùng với nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nghệ nhân Nhứt Dũng (Ban nhạc lễ) bài Lý Con sáo trong niềm xúc động của nhiều người.
Cháu ngoại của GS Trần Văn Khê là chị Diễm Tiên đã ca bài Lý Con sáo trong niềm thương tiếc ông của mình. Nhiều nghệ sĩ có mặt tại tang lễ như: nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, Chí Tâm, Xuân Lan… đã cùng với ban nhạc biểu diễn những bài ca cổ, những bài bản trong các vở tuồng nổi tiếng, để cùng nhớ về người thầy đáng kính của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đã gắn bó với bộ môn Đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương.
Các nghệ sĩ đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Ảnh: Minh Tâm
Gia đình GS Trần Quang Hải có bốn anh em: Trần Quang Hải, Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên, Trần Thị Thủy Ngọc, hiếm khi được gặp mặt đầy đủ. Cả gia đình đều bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm của nhân dân, văn nghệ sĩ và cơ quan các cấp đã dành cho GS Trần Văn Khê.
Lễ truy điệu GS Trần Văn Khê sẽ được tổ chức 6 giờ ngày 29-6 tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, p25, Bình Thạnh, TP.HCM. Sau đó hỏa tang tại Nghĩa Trang Bình Dương.