Nhân “Tháng hành động vì trẻ em” (6-2015), được sự tài trợ của Công ty TNHH Amway Việt Nam, Báo điện tử Công an TPHCM tổ chức giao lưu trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trước cạm bẫy game online, web “đen”, bạo lực học đường”.
Tham gia giao lưu có các khách mời:
- Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
- Luật sư NGUYỄN THẠCH THẢO (chuyên bào chữa các vụ án liên quan trẻ vị thành niên)
- Bà MAI THỊ HOA (nguyên Phó chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM).
Mời bạn đọc đặt câu hỏi để được chuyên gia giải đáp các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em để các em phát triển tốt nhất, tránh tác hại của những cạm bẫy nêu trên.
Thời gian giao lưu: Từ 9 giờ đến 11 giờ ngày Chủ nhật (28-6-2015).
Độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên Báo điện tử Công an TPHCM: http://congan.com.vn/giao-luu-truc-tuyen/Bao-ve-tre-em-truoc-cam-bay-game-online-web-den-bao-luc_1.html
Hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ e-mail: cao@congan.com.vn.
--------------------------
Tôi nghĩ chúng ta nên bảo vệ trẻ em trước web "đen" và bạo lực học đường là điều hoàn toàn đúng, nhưng bảo vệ chúng trước cạm bẫy game online thì có phải là chúng ta đang lo xa quá? Bởi game online ở một góc độ nào đó nếu hợp lý nó sẽ giúp cho trẻ tăng trí thông minh và tư duy. Bản thân tôi cảm thấy rất vui khi thấy con trai mình vọc máy tính và mê game vì biết đâu nó sẽ trở thành một game thủ, một nhân tài trong lĩnh vực game và công nghệ trong tương lai. Vậy tôi nên dạy con và giám sát thế nào cho hợp lý? Ở đây, tôi không đồng ý việc chúng ta bài bác game online. (Hồ Văn Út)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Xin chào anh, rất vui khi có một ông bố có cái nhìn khách quan và toàn diện về game. Ngày nay, hễ nhắc đến game, người lớn thường nghĩ đến cái gì đó rất xấu xa. Một phần cũng do có quá nhiều trường hợp nghiện game nên phụ huynh cảnh giác nhiều hơn là khuyến khích.
Thực ra, game sẽ có tác dụng lợi và hại trong các trường hợp sau:
+ Về thời gian:
Việc chơi game là bình thường và thậm chí là tốt nếu chỉ chơi vài mươi phút một ngày, trong khi những hoạt động sống quan trọng khác vẫn đảm bảo như học tập vẫn tốt, vẫn giữ mối quan hệ giao tiếp với người xung quanh, vẫn vận động cơ thể và đảm bảo sức khỏe...
Tuy nhiên, nếu thời gian chơi game quá lâu, làm người chơi bị ảo tưởng, suy kiệt thể chất lẫn tinh thần, không thể dứt ra khỏi trò chơi... thì lúc đó game lại trở thành tác nhân gây nguy hại.
+ Về nội dung:
* Các game giải trí sẽ giúp người chơi thư giãn sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi.
* Các game giáo dục sẽ giúp trẻ học tiếng Anh, học vẽ, học đàn, đố vui kiến thức... giúp trẻ phát huy năng khiếu và gia tăng hiểu biết.
* Các game xử lý tình huống sẽ giúp trẻ tăng khả năng phản xạ, nhanh nhạy khi gặp sự cố, biết phối hợp đồng đội.
* Các game trí tuệ còn giúp trẻ phát triển tư duy, khả năng sáng tạo.
Tuy nhiên:
* Các game có nhiều yếu tố bạo lực sẽ khiến trẻ chuyển di hành vi trong game ra đời thực, khiến trẻ có nguy cơ ứng xử theo thói quen như trong game.
* Các gamenhập vai có yếu tố kích thích người chơi phải đăng nhập thường xuyên, phải "luyện" liên tục trong thời gian dài... trong khi trẻ nhỏ chưa có khả năng kiểm soát bản thân, từ đó game dễ trở thành một "kẻ cướp thời gian và tâm trí" của trẻ. Vì vậy, nhà phát hành game lẫn phụ huynh và nhà quản lý xã hội phải phối hợp để hạn chế đúng độ tuổi người chơi.
Tóm lại, game xấu hay tốt phụ thuộc đầu tiên vào nội dung của game đó có phát triển con người hay không. Thứ hai là khả năng tự kiểm soát của người chơi cũng như cái tâm của nhà lập trình và phát hành đặt để trong game ấy.
----------------------------------
Kính thưa quý vị. Đứng trước tình hình bạo lực học đường ngày càng nhiều và phức tạp như hiện nay, liệu rằng hành lang pháp luật hiện nay cũng như nhà trường đã có những biện pháp và hướng dẫn như thế nào để sinh viên, học sinh có thể đối mặt và tự bảo vệ mình? Nhà trường, pháp luật nên chăng nên thiết lập những kênh và lực lượng ứng phó kịp thời nhằm tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Nếu có xin công bố rộng rãi những kênh này. Nên chăng cần có sự tuyên truyền rộng rãi cho từng học sinh, sinh viên cùng gia đình rằng bạo lực học đường là một việc xấu xa, đáng hổ thẹn, chúng ta cần lánh xa nó. Các vị nghĩ sao về việc này? Lộ trình để đẩy lùi bạo lực học đường của chúng ta hiện nay có gì và sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào, mong quý vị nói rõ. Cám ơn quý vị. (Thoai Huynh)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Mời bạn xem câu trả lời của tôi ở phần giải đáp trước.
---------------------------------
Kính thưa TS Hiếu! Con gái tôi năm nay học lớp 6. Cháu kể kể là nghe nói hai anh chị lớp 8 đã làm chuyện người lớn. Tôi thật sự lặng người khi nghe con gái thủ thỉ: “Có nên quan hệ tình dục với bạn trai?”. Tôi phải giải thích với con thế nào? (Quỳnh Mai, ngụ Q.10)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Chị có thể lấy các hình ảnh ví von để vừa dễ nói (đỡ ngại) mà vừa giúp cháu dễ hình dung. Ví dụ:
"Bây giờ trước mặt con có một quả chuối xanh và một quả đã chín vàng, con nghĩ quả nào ăn sẽ ngon hơn? À, quả còn xanh thì vị sẽ chát, đắng, lại dễ bị sình bụng nữa. Con tuổi còn đang lớn, cũng như quả còn xanh, nếu mình làm chuyện đó khi cơ thể con chưa sẵn sàng, con sẽ dễ bị đau rát, chẳng ngon lành gì, mà lại dễ bị "sình bụng" nữa.
Con tưởng tượng xem, nếu làm chuyện đó con lỡ có em bé trong bụng rồi sao? Con sẽ phải nghỉ học nè, bạn bè thầy cô sẽ nói con là một cô bé hư hỏng nè, vì con chưa đủ tuổi làm mẹ mà!
Với lại, con chỉ mới lớp 6, là 12 tuổi thôi, nếu con chưa đủ 16 tuổi, bạn trai của con có thể sẽ phạm tội làm chuyện đó với trẻ em đấy, bạn trai con có thể phải bị nhốt vào tù, rồi phải bỏ học, rồi bị tòa án lên án nữa.
Con thấy hậu quả ghê gớm chưa? Cho nên khi nào con lớn, ít nhất là qua 16 tuổi, mẹ sẽ cùng với con tiếp tục bàn bạc xem có nên làm chuyện đó hay chưa nhé!
Còn bây giờ, nếu có bạn trai nào đó đề nghị làm chuyện đó với con, con nên từ chối bằng cách nào? À, con không thích nè, hoặc con chưa đủ tuổi nè, con bị đau bụng nè... rồi về kể lại cho mẹ nghe nghen!".
Sau đó, chị cần tìm hiểu xem trẻ đã nghe câu chuyện hai anh chị lớp tám đã quan hệ từ đâu, từ đó liên hệ với giáo viên chủ nhiệm (nếu thật sự tin tưởng giáo viên và nhà trường sẽ ứng xử khéo léo trong trường hợp này) để nhà trường có biện pháp giáo dục giới tính cho toàn thể học sinh, tạo môi trường lành mạnh cho con cái yên tâm học tập.
----------------------------
Con trai tôi mới 13 tuổi, bình thường cháu vẫn rất ngoan nhưng vừa rồi tôi kiểm tra điện thoại di động của cháu phát hiện khi cháu nhắn tin với một số bạn bè, bạn bè của cháu dùng nhiều từ rất "sốc": bậy bạ, chửi thề... Làm sao để ngăn chặn những tác hại từ các cuộc giao tiếp bạn bè như thế. (Nguyễn Trường Sơn,quận Gò Vấp, TPHCM)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Chào anh,
Ngôn ngữ của giới trẻ có thể phân thành hai hướng:
* Một là những ngôn ngữ xì-tin, trẻ trung, ví dụ như: bá đạo, củ chuối, chém gió... Những từ này không gây hậu quả gì nếu trẻ chỉ dùng để giao tiếp với nhau. Chúng ta chỉ nhắc nhở trẻ khi dùng những từ đó khi giao tiếp với người lớn (cha mẹ, thầy cô, khách...) hay dùng trong văn bản viết (bài làm, đơn từ...).
* Hai là những ngôn ngữ phản cảm như: vl, đm... Lúc đó chúng ta nên ứng xử khéo léo để giáo dục con. Bố mẹ nên hỏi trẻ ý nghĩa của các từ đó như: "Mẹ hay thấy trên mạng người ta hay nói vl... vl là gì vậy con?" để trẻ thấy bố mẹ cũng quan tâm đến ngôn ngữ xì-tin trong thế giới của mình.
Sau đó, bố mẹ có thể kể một câu chuyện dở khóc dở cười vì dùng những từ chưởi thề, phản cảm trong giao tiếp. Ngoài ra, bố mẹ có thể dùng các hình ảnh ví von như: "Chưởi thề giống như mình cầm một cái nắm bùn quăng ra khắp nơi, khi đó tay mình chắc chắn sẽ bị bẩn. Chưởi thề cũng thế, mỗi thốt ra lời nói đó, miệng mình đã dính một chút bùn rồi...".
Thời hiện đại, trẻ giao tiếp với bạn bè nên dễ học hỏi, bắt chước các ngôn từ "đen". Do đó nếu được phụ huynh hãy tâm sự với cả thầy cô, đưa ý kiến với nhà trường khi họp phụ huynh để nhà trường đưa nội dung giáo dục trong buổi sinh hoạt dưới cờ chẳng hạn, để giúp tạo thêm một môi trường ngôn từ lành mạnh cho con mình và các bạn bè của con.
-----------------------------
Làm thế nào để xác định con mình có xu hướng bạo lực hay không? Vì tôi thấy cháu cũng hay đánh nhau với bạn ở lớp. (Nguyễn Thành An, tỉnh Tiền Giang)
Bà Mai Thị Hoa: Trước hết phụ huynh phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em đánh nhau. Từ đó chúng ta mới xác định được lý do các em đánh nhau, đánh nhau ở mức độ, cường độ như thế nào.
Phụ huynh cũng cần tìm hiểu các em có xem phim bạo lực, văn hóa phẩm bạo lực hay không. Bạn bè của các em là những ai.
Xác định được các điều này, chúng ta sẽ quan tâm đến các em hơn: không để các em tiếp xúc với văn hóa phẩm bạo lực, không để các em giao du với những người bạn không tốt. Hướng các em vào các hoạt động tập thể, tham gia các công việc phụ giúp gia đình.
Nếu các em đang trong giai đoạn dậy thì thì bạn cần quan tâm hơn nữa đến những biến đổi tâm lý, hạn chế những nguyên nhân trên để chấm dứt hành động bạo lực của trẻ.
-----------------------------
Tôi ở quận 3, là viên chức nhà nước. Con trai tôi năm nay lớp 7, từ nhỏ vốn là cậu bé thông minh, ngoan ngoãn. Hôm trước, cô giáo có gọi tôi đến nói cháu có biểu hiện hay nói lảm nhảm một mình trong lớp. Gia đình phát hoảng đưa con đi khám mới vỡ lẽ ra là con bị game làm mê muội. Gia đình cũng tìm đủ cách như trò chuyện, đưa con đi picnic... nhưng chẳng ăn thua gì. Càng ngày con tôi càng trở nên lặng lẽ, không muốn nói chuyện với bất cứ ai, kể cả cha mẹ, chỉ nói lảm nhảm một mình. Sức khỏe của con tôi giảm sút trầm trọng. Xin tiến sĩ cho tôi lời khuyên. (Dương Bá Cường, ngụ Q8, TP.HCM)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Bệnh vì nguyên nhân nào phải chữa đúng nguyên nhân đó. Nếu gia đình xác định chắc chắn là do trẻ quá nhập tâm game mà nên thì phải cắt đứt việc chơi game của trẻ để giúp đưa trẻ về đời thực.
- Gia đình nên cắt mạng internet, cách ly các thiết bị mà trẻ có thể chơi game.
- Không để sơ hở khiến trẻ có thể trộm tiền đi chơi game bên ngoài.
- Đưa trẻ tiếp xúc với đời sống thực càng nhiều càng tốt. Ví dụ:
+ Cho trẻ chơi các trò chơi vận động có tính thử thách như leo núi mô hình, bơi lội, bóng đá, học võ...
+ Dạy trẻ lao động: lau nhà, rửa chén, phụ giúp bố mẹ...
+ Cho trẻ đến các lớp kỹ năng sống, nơi trẻ có thể hoạt động đồng đội thật thay vì bang hội ảo.
+ Dẫn trẻ đi xem phim (hoặc tự xem tại nhà) những bộ phim hoạt hình hấp dẫn nhưng có tính giáo dục để những hình ảnh giáo dục đó lấp vào thay thế dần dần cho hình ảnh ảo tưởng vô nghĩa trong game.
Hãy kiên trì. Chúc anh chị giúp cháu cai game thành công.
--------------------------------
Chào Báo CATP và các vị tư vấn, Tôi muốn đặt câu hỏi về tình trạng trẻ em nghèo đánh nhau, phạm tội. Các cháu bán vé số, đánh giày... Ai có thể giáo dục, hướng dẫn các cháu, khi cha mẹ các cháu bé này ít học, thậm chí có cháu mồ côi... Cảm ơn. (Phạm Thùy Trang, quận Thủ Đức, TP.HCM)
Bà Mai Thị Hoa: Hiện nay, ở TP.HCM có rất nhiều đơn vị cơ sở chuyên về chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ trẻ em. Khi gặp trường hợp các em đánh nhau, trước hết chúng ta nên can ngăn các em. Ngoài ra, các bạn có thể liên hệ cán bộ chuyên trách chăm sóc trẻ em tại nơi gần nhất.
Các địa chỉ cần thiết để liên hệ:
- Phòng Bảo vệ - chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (159 Pasteur, Q.3, TP.HCM), điện thoại: 38202965 hoặc 38225842.
- Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TPHCM (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh), điện thoại: 1900 545559.
- Đường dây nóng: 1900 545559 hoặc 18001567.
----------------------------------
Học đường vốn là nơi dạy học làm người tốt cả về trí và đức. Thế nhưng hiện nay bạo hành và bạo lực học đường lại liên tục xảy ra. Tại sao lại có sự ngang trái này? (Lê Thị Thúy Hòa, 55 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, Q.12)
Bà Mai Thị Hoa trả lời:
Bạo lực học đường đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội, cần phải xử lý kịp thời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: nguyên nhân từ gia đình, nhà trường và xã hội . Bản thân các em còn nhỏ, chưa ý thức được hành động của mình, bắt chước chúng bạn muốn thể hiện mình. Bản thân các em cũng bị bạo hành từ gia đình nên ảnh hưởng đến tâm lý. Sau khi xảy ra vụ việc các em thường hối hận.
Để tránh tình trạng ngang trái này, đã có rất nhiều biện pháp giải quyết như: tăng cường tập huấn cho trẻ, giáo dục tâm lý cho trẻ vị thành niên ở học đường, các trường đều có phòng tư vấn tâm lý...
Khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, các em nên báo thầy cô hoặc phụ huynh hay các cán bộ chuyên trách.
---------------------------
Con tôi sắp lên lớp 8 và đi học thường bị một nhóm bạn trong trường chặn đường hăm dọa bắt hàng tuần phải nộp cho chúng 200 ngàn, nếu không sẽ bị đánh. Vì quá sợ nên cháu răm rắp làm theo. Cuối năm học vừa rồi gia đình chúng tôi mới phát hiện ra sự việc. Tôi định báo với nhà trường nhưng con tôi nói nếu làm vậy thì cháu sẽ nghỉ học vì sợ bị đánh. Gia đình tôi chưa biết phải làm sao? Tôi cũng đã tính xin chuyển trường cho cháu nhưng nghĩ đến trường mới sợ các học sinh khác cũng bắt nạt con mình nên rất muốn nhờ pháp luật can thiệp. Vậy tôi phải làm gì thưa luật sư? (Hồng Đăng, ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Trước tiên tôi xin chia sẻ nỗi lo của chị và gia đình. Hiện nay, tình trạng này đang diễn ra tương đối nhiều. Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp này để bảo vệ con mình trước những hành động bắt nạt của đối tượng trên, trước tiên cha mẹ chỉ cần trao đổi thẳng với con về vấn nạn này cũng như tiếp thêm cho cháu động lực đủ sức can đảm chống chọi lại những hành vi của đối tượng trên.
Chị cũng nên báo cáo cho nhà trường về việc con anh/chị thường xuyên bị đối tượng kia đe dọa, bắt nạt và cống nạp tiền. Hơn nữa, anh/chị cũng nên tìm gặp phụ huynh của các cháu trên, trao đổi về vụ việc này. Có thể là phụ huynh trên không hề biết con mình có hành vi đó tại nhà trường. Từ đó, họ sẽ khuyên dạy con mình không được có những hành động như thế nữa.
Hy vọng mọi việc sẽ diễn biến một các thuận lợi hơn.
----------------------------
Kính thưa luật sư Nguyễn Thạch Thảo, con tôi năm nay học lớp 12, sắp tới cháu đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Nhưng cháu lại không tập trung học hành mà chỉ lo đàn đúm bạn bè. Tôi đã ngăn việc này bằng cách tịch thu điện thoại cũng như quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt của cháu. Liệu cách này có thể giúp cháu chuyên tâm học hành hơn không? Việc cấm đoán và quản lý cháu như vậy liệu có vi phạm gì không? (Vũ Thùy Linh,quận 7)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Theo tôi nghĩ việc chị cấm đoán trong những sinh hoạt nhằm giúp cho cháu tránh được những cạm bẫy của xã hội cũng như sự rủ rê của những bạn bè xấu. Đây là một việc làm hoàn toàn bình thường, nó xuất phát từ tình thương của người mẹ. Điều này không vi phạm quy định của pháp luật.
Do vậy chị cứ yên tâm thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con mình. Quan trọng là mình phải có cách theo dõi, nhắc nhở tế nhị. Có như thế thì sẽ có kết quả tốt để giúp cháu tránh được những thói hư tật xấu, tập trung vào chuyện học nhiều hơn. Chúc chị thành công!
----------------------------
Tôi thấy hiện nay có rất nhiều bà mẹ dạy con nhưng lại đánh con rất tàn nhẫn. Như vậy có phải là bạo hành không? (Võ Thị Minh Hằng, quận 6, TPHCM)
Bà Mai Thị Hoa trả lời: Ông bà ta thường dạy "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", nhưng trong trường hợp đánh con tàn nhẫn như vậy là vi phạm quyền trẻ em, vì trẻ em có quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia. Do đó, đánh đập trẻ em là vi phạm quyền bảo vệ. Hành động này cần phải được ngăn chặn và chấm dứt.
----------------------------
Kính thưa TS Hiếu, cháu của tôi bị nghiện web "đen", gần như ngày nào cũng truy cập vào các trang web này. Cháu còn dấm dúi in sách truyện từ các trang này chuyền tay nhau. Tôi không biết phải xử sự thế nào cho hợp lý. (Vinh Nguyễn, TP Cần Thơ)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Nội dung này chuyên gia đã trả lời ở các câu hỏi có nội dung tương tự. Mời bạn xem các nội dung trả lời ở trên.
Thân mến.
-----------------------------
Kính gửi LS Nguyễn Thạch Thảo, Đa số các em có hành vi bạo lực đều ở tuổi dưới 17-18. Luật pháp chưa có hình phạt nặng và răn đe. Như vậy thì làm sao các em sợ và ý thức được? Nhà trường chỉ cho thôi học. Còn luật và hình thức phạt nào mạnh để các em mới tỉnh ngộ? (Nguyễn Thị Mỹ Hà, quận Ba Đình, Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Tình trạng bạo lực học đường trong thời quan qua đã gây nên sự hoang mang cho học sinh và phụ huynh. Các em nhỏ bắt chước nhau thực hiện những hành vi gây thương tích cho bạn học.
Để xử lý trường hợp này, pháp luật đã có hành lang pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, tùy theo mức độ đến đâu thì sẽ bị xử lý đến đó. Đối với trường hợp đánh bạn chưa gây thương tích từ 11% trở lên thì việc xử lý, kỷ luật của nhà trường là cần thiết, biện pháp xử lý nặng nhất là buộc thôi học bởi vì hành vi này chưa cấu thành tội phạm. Nhưng nếu mức độ thương tích của nạn nhân trên 11% hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm thì các đối tượng trên sẽ bị xử lý theo tội cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù,nếu người đánh từ đủ 16 tuổi trở lên)...
Như vậy, có thể thấy việc xử phạt các em học sinh có những hành vi bạo lực cũng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm pháp mà nhà trường hoặc các cơ quan chức năng xử lý thích đáng. Việc răn đe, cảm hóa, giáo dục các em là mục đích chính khi ra quyết định xử phạt nhằm giúp các em trở thành công dân tốt cho xã hội sau này.
----------------------------
Thời gian gần đây có nhiều vụ bạo hành trẻ em bị báo chí phanh phui gây bức xúc lớn trong dư luận. Phải chăng quy định pháp luật của Việt Nam về chống bạo hành đang còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe? (Văn Quốc Bảo, ngụ tỉnh Tiền Giang)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Trong thời gian qua, xảy ra liên tiếp nhiều vụ bạo hành trẻ em một các dã man. Những hành vi đó làm cho xã hội vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Có thể điểm qua một số vụ như: vụ các cháu bé nhiễm HIV bị các bảo mẫu hành hạ tại Trung tâm bảo trợ Linh Xuân, vụ cháu bé Nguyễn Kim Ngân tại Bình Dương bị cha mẹ hành hạ dã man...
Hành động đánh đập, hành hạ trẻ em là phạm pháp và sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, việc bị xử lý nặng hay nhẹ phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Hiện nay, với những hành vi này của các đối tượng, nếu quá trình điều tra chưa đủ yếu tố cấu hành tội phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 144/2013/NĐ-CP với mức từ 5-10 triệu đồng. Còn nếu quá trình điều tra chứng minh các hành vi của bảo mẫu hoặc của cha mẹ đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự thì sẽ bị truy tố về tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 1-3 năm tù.
Ngoài ra, nếu hành vi đó gây thương tích cho các bé từ 11% trở lên hoặc dùng hung khí nguy hiểm đánh đập các bé thì có thể chuyển sang truy tố hành vi "cố ý gây thương tích" theo Điều 114 Bộ luật Hình sự.
------------------------
Nhà hàng xóm tôi hay cãi vả, thậm chí đánh nhau do ông bố bị nghiện rượu về nhà chửi bới, đập phá đồ đạc. Mỗi lần vợ chồng họ cãi vả là con bé con của họ mới 4 tuổi chạy ra sân khóc thét lên. Xin hỏi trường hợp này có phải là bạo hành tâm lý trẻ em không? Những đứa trẻ này lớn lên thì có ảnh hưởng gì về mặt tâm lý? (Hoàng Xuân Phước, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Bà Mai Thị Hoa trả lời:
Qua thông tin bạn cho biết thì đây cũng là một dạng bạo hành tâm lý của trẻ, đặc biệt nghiêm trọng với trẻ còn nhỏ. Hiện tại cũng như khi lớn lên trẻ sẽ luôn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh cha mẹ cãi vả, đánh nhau.
Trẻ bị lơ là không được quan tâm, thiếu tình cảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó cần phải ngăn chặn tình trạng cãi vả, đánh nhau của cha mẹ bằng cách báo với chính quyền địa phương nhờ can thiệp, xử lý kịp thời.
------------------------------
Kính thưa luật sư Nguyễn Thạch Thảo, tôi cho rằng việc kinh doanh game online ở nước ta hiện nay cũng giống như hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Những quán game đang ngày càng mọc lên nhan nhản, ngoài phố, trong ngõ, đâu đâu cũng thấy game. Đây là một trong những điểm hút học sinh, sinh viên. Bản thân các em không kiềm chế được sự tò mò, kích thích của trò chơi mà sa vào. Phải chăng các nhà quản lý quá thụ động trước sự tấn công của game online để cho nó phát triển vượt khả năng kiểm soát? (Trương Thanh Hiền)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Có thể thấy việc game online đã thu hút sự quan tâm từ những nhà quản lý trong thời gian qua. Từ đầu năm cho đến nay đã có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan. Ngoài ra, Nghị định số 72 đã quy định rõ nhiều thể loại game có đủ điều kiện để lưu hành trên thị trường.
Do đó, thông tư phải đưa ra được các quy định, điều kiện để doanh nghiệp xin cấp phép. Như vậy có thể thấy sự quan tâm sâu sắc của cơ quan quản lý đến tình hình game online trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, do việc quản lý tại địa phương chưa được sát sao nên việc phát triển những điểm chơi game mở ra không xin phép tương đối nhiều.
Hiện nay, Thông tư 24 năm 2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Thông tư này được đánh giá là cần thiết để quản lý, xử lý hiệu quả hoạt động game online có vi phạm pháp luật đồng thời tạo môi trường cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp thanh toán trong nước phát triển. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quản lý của thông tư này thì các điểm game online được xử lý triệt để và kiểm soát chặt chẽ hơn.
--------------------------------
Trong một lần mở internet để tìm kiếm thông tin, tôi giật mình khi thấy sẵn đường link dẫn vào một website truyện sex. Ban đầu tôi cứ nghĩ là chồng mình mở nhưng sau này theo dõi tôi phát hiện thì ra con trai đã vào đó xem. Làm thế nào kiểm soát con truy cập web "đen"? (Một bà nội trợ ở quận 2, TPHCM)
Bà Mai Thị Hoa: Hiện nay, internet phát triển tạo nhiều kênh thông tin kết nối nhiều trang web không lành mạnh nhưng việc kiểm soát những trang web này còn hạn chế nên phát sinh ra những vấn đề như chị đã phát hiện.
Phụ huynh phải tăng cường quản lý giờ giấc sinh hoạt của trẻ, nhất là quản lý thời gian sử dụng vi tính. Có thể sử dụng các phần mềm ngăn chặn web "đen" để kiểm soát việc truy cập của trẻ.
Phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với cháu về giới tính cũng như các tác hại khi xem web "đen". Tăng cường cho trẻ tham gia các sinh hoạt tập thể, thể thao, văn nghệ để trẻ không còn thời gian nghĩ đến việc xem web "sex".
------------------------------------
Xin hỏi hiện nay hình ảnh khiêu dâm nhan nhản trên mạng, ngay cả người lớn cũng dễ bị cám dỗ. Vậy làm cách nào để con tôi không rơi vào cạm bẫy này khi vào web? Xin cảm ơn các chuyên gia. (Phú Văn, tỉnh Long An)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Chào bạn,
Website "đen" đánh thẳng vào bản năng sinh vật của con người nên có sức hút cực kỳ mạnh mẽ. Do đó, để giúp cháu có sức "đề kháng" với các web "đen", chúng ta cần giúp cháu thỏa mãn trí tò mò giới tính của mình bằng các kênh lành mạnh khác. Bạn nên tham khảo các biện pháp sau:
* Mở các video clip giáo dục giới tính lành mạnh trên Youtube cho cháu xem, chẳng hạn như: các clip giáo dục giải thích về cấu tạo của cơ quan sinh sản nam và nữ, cơ chế thụ thai, quá trình hình thành em bé, tình yêu của nam và nữ... để cháu am hiểu cơ thể mình, có hiểu biết khoa học về giới tính. Từ đó thỏa mãn được nhu cầu tò mò hiểu biết tất yếu của cháu về giới tính trong giai đoạn đang lớn.
* Trong lúc cháu xem các video clip khoa học đó, bạn hãy trao đổi với cháu để lồng vào đó nội dung giáo dục. Ví dụ như: "Phim này là phim khoa học, còn các phim khác do người thật đóng, hoặc không có mặc quần áo... là phim xấu, bị pháp luật cấm, sẽ làm con bị ám ảnh đấy!", "Không chỉ vậy, nhiều người xem các phim xấu đó nhiều quá đã trở thành kẻ ác đi xâm hại người khác, cuối cùng phải chịu cảnh tù tội đốt cháy cuộc đời mình. Còn con thấy sao? Con có muốn trở thành một kẻ ác bị mọi người lên án như thế không?", "Vậy mỗi lần con thấy những hình ảnh đó, những đoạn phim đó con sẽ làm gì?"...
* Hạn chế cho cháu tiếp xúc với các nội dung đồi trụy ấy. Trong mỗi con người có một con cừu và một con sói, ta cho con nào "ăn" nhiều thì con đó sẽ lớn mạnh và làm chủ tâm trí của chúng ta. Vì thế, hạn chế thức ăn của con sói đến mức ít nhất có thể. Ví dụ: lịch treo trong nhà không nên treo ảnh các người mẫu mặc đồ quá mát mẻ; không mở cho con xem các phim người lớn có nhiều cảnh "nóng"; tải các phần mềm chặn những website "đen"; bố mẹ cũng nên làm gương trong việc sinh hoạt vợ chồng riêng tư tránh để con nhận thấy.
Song song đó, cha mẹ hãy cùng cháu online, chỉ cho cháu thấy các bài viết về "lộ hàng", hình ngực trần, hình mát mẻ mà các báo lá cải đăng đầy trên mạng và hỏi suy nghĩ của cháu, hỏi cách ứng xử của cháu khi nhìn thấy những bài viết này và hướng cháu theo hướng nên tắt đi, nên chọn lựa tờ báo lành mạnh để đọc.
* Thường xuyên vào lịch sử duyệt web (history) để kịp thời phát hiện nếu cháu vào các website "đen", xem thời lượng online của cháu trên các trang đó. Sau đó, tâm sự với cháu về chuyện giới tính rồi hỏi quan điểm của cháu về các website "đen" ấy... tức giáo dục thông qua việc chuyện trò nhẹ nhàng. Tuyệt đối không nên quát nạt, mắng chưởi xúc phạm cháu, khiến cháu cảm thấy tội lỗi và nhục nhã vì sẽ làm cho cháu có tâm lý tự vệ, không nghe lời bố mẹ khuyên can.
----------------------------
Tôi và chồng cũ không đăng ký kết hôn nhưng có hai con chung. Sau đó chồng cũ ra tòa xin ly hôn và đòi giành quyền nuôi con. Do điều kiện kinh tế của chồng khá hơn nên tòa giao cả hai con cho chồng nuôi dưỡng. Từ khi được tòa tuyên cho nuôi con, chồng cũ không cho tôi thăm con dù chỉ là một lần. Mới đây, tôi còn được biết chồng cũ thường đưa bồ bịch về nhà rồi bạo hành với con cái. Tôi rất buồn nhưng không biết phải làm sao để giành quyền nuôi con về phía mình. Hiện tôi có căn nhà cho thuê 15 triệu đồng/tháng nên có đủ điều kiện tài chính để chăm sóc tốt cho con. Xin được nhờ luật sư tư vấn. Trương Bích Ngọc, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời: Theo quy định khoảng 2, điều 81 thì chồng bạn không được phép hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc của bạn với con. Do vậy, nếu bạn có đầy đủ bằng chứng, chứng mình việc hạn chế đó như là sự chứng kiến của bà con trong khu phố, tổ trưởng, công an khu vực,... thì bạn có quyền tòa án được thay đổi quyền nuôi con. Ngoài ra, nếu bạn có chứng cứ chứng minh hành vi bạo hành của chồng mình vi phạm các hành vi của điều 7, luật bảo vệ trẻ em 2004, nên bạn cũng có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền làm cha. T
heo quy định của điều 85 luật hôn nhân gia đình cụ thể như sau: Xâm phạm tính mạng, danh dự sức khỏe của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồ trụy; xúi dục con làm việc sai pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức ra quyết định không cho cha mẹ chăm nom, chăm sóc giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1-5 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
-------------------------
Tôi có hai ý sau cần trao đổi trong buổi giao lưu: 1. Con tôi chuẩn bị vào lớp 2, tôi thấy bé rất thích chơi các trò chơi (game) trên máy tính, điện thoại. Tôi có hạn chế bé chơi nhưng không cấm hoàn toàn được. Tôi phải làm sao? 2. Tôi ở quận 9, TPHCM, muốn tìm những địa điểm vui chơi lành mạnh cho bé thì không phải dễ dàng. Trong quận hình nhưng không có một công viên công cộng nào. (Một độc giả, ngụ quận 9, TPHCM)
Bà Mai Thị Hoa trả lời:
1. Các nhà sản xuất game trên vi tính hay thiết bị di động đều coi trọng về doanh thu. Quan trọng là ta định hướng cho các em chơi game thế nào (chọn game phù hợp, quy định thời gian chơi mỗi ngày).
Không nên cấm hoàn toàn nhưng nên hạn chế bằng cách chọn các chương trình game cho phù hợp với từng lứa tuổi và hướng các em vào các game bổ ích. Ngoài ra, phụ huynh nên hướng các em vào các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời để các em giảm bớt thời gian ngồi chơi game trên máy.
2. Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều khu vui chơi, giải trí giành cho thiếu nhi. Thành phố đã bố trí nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng 11 công trình trọng điểm phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Ngoài ra, các quận, huyện đang tích cực đầu tư xây dựng thêm 67 khu vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn.
Những ý kiến đóng góp khác của bạn về phát triển không gian vui chơi cho thiếu nhi, chúng tôi sẽ chuyển đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
-------------------------------
Tôi có hai cháu nhỏ, chị gái tôi mất sớm nên hai cháu phải sống với anh rể tôi. Nhiều lần anh rể tôi uống rượu vào về nhà lôi con cái ra đánh đập rất dã man. Tôi thương cháu đứt ruột nhưng hễ ra can là anh lại bảo “Dì để tôi dạy cháu, thương cho roi cho vọt, nếu không chúng sẽ hư". Nhưng tôi thấy đó chỉ là lời ngụy biện cho những hành vi bạo lực của anh rể. Tôi phải làm gì để bảo vệ hai đứa cháu của tôi? (Lê Tuấn Anh, quận 1, TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời:
Nội dung câu hỏi tương tự đã được luật sư trả lời phần trên, Anh Tuấn Anh vui lòng xem câu trả lời bên trên.
-----------------------------
Tôi ở Tây Ninh, nhà tôi buôn bán. Con trai tôi năm nay học lớp 11. Vì hai vợ chồng suốt ngày lo buôn bán nên cũng ít thời gian dành cho con. Đi học về là thấy cháu vào phòng đóng cửa, hỏi thì cháu nói học bài. Một lần vô tình, tôi vào phòng cháu để dọn dep bất ngờ mà không gõ cửa, tôi phát hiện cháu đang xem phim sex. Lúc đó không kềm chế được nên có nổi nóng với con. Tôi phải nói chuyện với con trai mình như thế nào để cháu không cảm thấy xấu hổ và từ bỏ thói coi phim sex? (Lâm Mỹ Huyền, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Do bị bắt quả tang và bị la mắng nên cháu xấu hổ với cha mẹ, từ đó sống lặng lẽ hơn, khép kín hơn. Đây là cách ứng xử sai lầm rất phổ biến của bố mẹ khi phát hiện con xem phim sex, vừa không giáo dục được trẻ vừa đánh mất sự liên kết hòa thuận với con.
Chị hãy chủ động xin lỗi con vì đã hơi nổi nóng vào hôm trước. Trẻ biết lỗi chủ yếu là ở chính mình, nếu mẹ mở lời xin lỗi trước sẽ khiến trẻ rất xúc động và vô cùng biết ơn cha mẹ đã thấu hiểu mình.
Chị hãy giúp trẻ cởi mở tâm lý trước khi giáo dục, chẳng hạn như thừa nhận là ai cũng có ít nhất vài lần xem các trang web "đen" trong đời hoặc thậm chí bố mẹ cũng đã từng như thế. Hãy công nhận nhu cầu tò mò tìm hiểu của cháu như một nhu cầu tất yếu của lứa tuổi, chỉ là tìm hiểu sai chỗ mà thôi. Chúng ta chỉ ra điểm sai trong hành vi của con, chứ không lên án nhân cách của con.
Hãy chỉ trẻ chỗ đúng để tìm hiểu về giới tính. Hãy tìm trước và tập hợp khoảng 10 website về giáo dục giới tính một cách lành mạnh, lưu sẵn link khoảng 5 đoạn video clip khoa học trên mạng có nội dung giáo dục để cùng xem với con, giúp con biết tìm đến những nơi có thể giải đáp những thắc mắc của mình.
Phân tích cho trẻ thấy tác hại của việc vào các website "đen". Hãy giúp cháu giải tỏa năng lượng của tuổi mới lớn bằng các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa... Khi đó cháu sẽ ít có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ linh tinh và năng lượng giải tỏa cũng giúp cháu sảng khoái tinh thần.
-------------------------------
Kính thưa bà Mai Thị Hoa, con tôi đi nhà trẻ về méc rằng là bị cô giáo tát, tôi xót con quá. Nếu con tôi không nói ra thì tôi cũng không biết cháu bị cô giáo đánh. Làm thế nào để biết con mình bị bạo hành ở trường? Tôi nên xử trí như thế nào khi biết con mình bị cô giáo đánh mà không có bằng chứng, chỉ nghe từ lời của trẻ? (Trần Thị Mỹ Nhung, quận 1, TP.HCM)
Bà Mai Thị Hoa: Trước hết, phụ huynh cần kiểm tra chỗ bị tát trên cơ thể bé (theo lời bé nói). Nếu có dấu hiệu bé bị đánh, phụ huynh nên bình tĩnh liên hệ với cô giáo để xem có đúng như bé nói không. Nếu cần thiết thì báo ban giám hiệu nhà trường can thiệp.
Đồng thời phụ huynh cần theo dõi tình trạng của bé trong một thời gian xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe hay tâm lý của bé để có biện pháp hỗ trợ kịp thời như: đưa bé đi khám bệnh, dành thời gian quan tâm đến bé hơn...
------------------------
Thưa luật sư Nguyễn Thạch Thảo, xung quanh chỗ tôi ở có rất nhiều tiệm chơi game bắn cá với mức độ thắng thua lên tới tiền triệu. Người chơi có thể quy đổi điểm ảo thành tiền mặt nên thu hút rất đông người chơi. Có cả trẻ em lẫn người lớn. Vậy người những người chơi đó liệu có vi phạm pháp luật hay không và mức độ xử lý thế nào? Phan Văn Lộc, ngụ Q.12, TP.HCM
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời: Có thể thấy hành vi chơi trò bắn cá là trò cờ bạc. Hiện nay trên thành phố có rất nhiều điểm chơi trò bắn cá với hình thức trá hình. Chúng ta đều biết rằng đây là hành vi đánh bạc đã bị công an triệt phá nhiều tụ điểm trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều tụ điểm đang hoạt động một cách trá hình như vậy.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật đối với hành vi này đã vi phạm điều 249 "tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" của bộ luật hình sự và điều 248 "tội đánh bạc dành cho người đánh bạc". Đối với hành vi đánh bạc hoặc gá bạc nhằm xử lý các đối tượng là chủ của các cơ sở này.
Theo đó mức xử phạt: bị phạt tiền từ 10-300 triệu đồng cho khoảng 1 hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Nếu số tiền thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn thì khung hình phạt sẽ từ 3-10 năm tù. Theo điều 7, phần 1, nghị quyết 02-2003 NQ-HĐTP, tổ chức đánh bạc, gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là "quy mô lớn"
A. Tổ chức đánh bạc, gá bạc cho từ 10 người trở lên hoặc từ 2 chiếu bạc trở lên
B. Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người đánh bạc, có lắp đặt trang thiết bị cho việc đánh bạc, khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có lắp đặt lối thoát khi được vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại,... để trợ giúp cho việc đánh bạc
C. Tổng số tiền hoặc hiện vật để đánh bạc trong cùng một lúc có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên
Người vi phạm còn bị phạt tiền 5-100 triệu đồng, tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với người chơi thì có thể bị xử lý theo điều 248 về tội đánh bạc của bộ luật hình sự, theo đó mức phạt thấp nhất là từ 3 tháng đến 3 năm tù và mức phạt cao nhất đối với tội danh này là từ 2-7 năm tù. Ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 3-30 triệu
----------------
Con tôi được nghỉ hè, mà ở TPHCM thì không biết dẫn nó đi đâu chơi. Các chuyên gia có thể cung cấp cho tôi một số địa chỉ để trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh trong dịp hè tại TP.HCM? (Nguyễn Thị Tình, ngụ Q.3, TPHCM)
Bà Mai Thị Hoa: Tại TP.HCM có rất nhiều địa chỉ vui chơi như sinh hoạt tại các nhà văn hóa thiếu nhi trên địa bàn các quận, huyện, Nhà thiếu nhi Thành phố (169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3), Thảo Cầm Viên...
Hiện nay, ở Q.7 có Trung tâm Thể thao tổng hợp và giáo dục hướng nghiệp Vietopia (đường số 9, 02-04, khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, Q.7).
-----------------
Tôi đang rất phân vân về việc có nên cho con đi học võ để tự vệ không vì tình trạng đánh nhau trong trường đang trở nên rất phổ biến. Rất mong cô Mai Thị Hoa cho lời khuyên. (Bảo Anh, tỉnh Bình Dương)
Bà Mai Thị Hoa: Theo tôi, việc cho cháu đi học võ cũng rất tốt. Thứ nhất đó là hoạt động thể thao giúp tăng cường sức khỏe cho bé. Thứ hai là học võ giúp bé có khả năng tự vệ khi cần thiết.
Khi học võ, các thầy cũng đã giáo dục cho các em tinh thần thượng võ. Các em khi học võ sẽ được trang bị được cho mình tính kiềm chế khi gặp những trường hợp không cần thiết phải dùng đến vũ lực.
Hiện nay, mặc dù tình trạng bạo lực học đường có gia tăng nhưng chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp giải quyết, hỗ trợ các em như tăng cường giáo dục công dân, có phòng tư vấn tâm lý trong các trường học.
Phụ huynh cần dặn các em khi bị bạo lực học đường cần báo cho thầy cô để có biện pháp can thiệp kịp thời.
-------------------
Kính thưa Tiến sĩ Khắc Hiếu, tôi phát hiện con bị nghiện game online cách đây 3 tháng khi cháu lén lấy cắp tiền của tôi để đi chơi game. Tính tình của cháu dạo này cũng trở nên hung hăng và cáu gắt. Xin tiến sĩ cho biết ảnh hưởng của game online đến sức khỏe nói chung của người chơi như thế nào? Liệu con tôi có mắc bệnh về thần kinh không? Tôi đọc báo thấy khi chơi trò chơi trực tuyến quá lâu, người chơi sẽ mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo, suy nhược cơ thể và mắc một số bệnh về xương khớp. Trên thế giới cũng đã có một số trường hợp đột tử do ngồi chơi trò chơi trực tuyến quá lâu. Tôi lo lắng quá! (Lê Văn Thịnh, huyện Hóc Môn, TPHCM)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trả lời:
Chào anh/chị!
Đầu tiên, anh/chị hãy xác định mức độ nghiêm trọng của thói quen chơi game của cháu qua các tiêu chí sau:
* Một là về thời gian:
Nếu cháu chơi game trung bình 30 phút mỗi ngày hoặc chỉ tập trung chơi 1-2 giờ vào cuối tuần thì đó là hoạt động giải trí thông thường, giúp trẻ thoải mái tâm trí sau những ngày học tập căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu cháu chơi hàng giờ mỗi ngày, thậm chí trốn học đi chơi hoặc lơ là việc học, giảm bớt giao tiếp với gia đình và bạn bè, không hoạt động thể dục thể thao... tức hoạt động chơi game đã lấn át các hoạt động sống khác và trẻ dây dưa khó dừng việc chơi trên máy tính thì đây là dấu hiệu của "nghiện" game.
Nếu cháu "nghiện" các trò chơi điện tử này, về lâu dài có thể khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi, xương khớp không vận động nên của kém linh hoạt đi, mắt sử dụng quá nhiều cũng dễ dẫn đến các tật về mắt. Nhất là nếu "nghiện" nặng, trẻ chơi liên tục nhiều ngày liền không ngủ thì nhiều trường hợp đã dẫn đến đột tử như chúng ta đều biết.
* Hai là nội dung game:
Nếu game mang tính giải trí, trí tuệ thì không đáng lo ngại về mặt nội dung. Tuy nhiên, nếu game mang tính chất bạo lực hoặc nội dung không phù hợp lứa tuổi thì trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng như nhập tâm hành vi hung hăng, ứng xử bạo lực như các nhân vật mà mình đã hóa thân trong game đó.
Trường hợp này, anh/chị cần tìm hiểu game của cháu chơi là gì, bằng cách tìm hiểu tên gọi một vài game phổ biến và hỏi cháu về các game đó, xem cháu tỏ ra hiểu biết về game nào, thậm chí hỏi cháu chơi game nào giỏi nhất với tư cách một người cũng quan tâm về game chứ không phải với tư cách quan tòa đang hỏi xét.
Nếu cháu chơi game không lành mạnh, hãy phân tích cho cháu thấy tác hại của game đó thông qua các bài viết của chuyên gia, thậm chí dẫn cháu đến gặp chuyên viên tâm lý hoặc tư vấn qua tổng đài/radio để cháu nhận thức được tác hại của game.
Về lâu dài, cha mẹ nên suy nghĩ cách để quản lý việc chơi game của cháu, ví dụ thay vì để cháu trốn ra ngoài chơi, hãy cho cháu chơi tại nhà dưới sự giám sát của cha mẹ. Hạn chế để sơ hở về tiền bạc khiến cháu có thể vì túng quẫn mà dẫn đến hành vi ăn cắp. Hơn nữa hãy quan tâm cháu nhiều hơn bằng cách chuyện trò, dẫn cháu đi chơi thể thao... để bù đắp hoạt động "cai game" của cháu.
Những hoạt động chung này còn giúp cha mẹ và con cái gần gũi với nhau hơn, cháu sẽ mở lòng với cha mẹ khi cha mẹ quan tâm như một người bạn của cháu, từ đó cha mẹ dễ "rót" những lời khuyên nhủ tâm sự đến với con mình.
Chúc anh/chị sẽ ngày càng gần gũi, gắn kết với cháu để có thể giúp cháu tránh việc nghiện game và có sức đề kháng với nhiều thói quen xấu khác.
Thân mến!
---------------------
Xin hỏi cô Mai Thị Hoa, Khi hàng xóm có một gia đình mà người bố nát rượu, đánh đập đứa trẻ 4-5 tuổi thậm tệ, đã can ngăn, nhắc nhở nhiều lần nhưng không được. Vậy giờ tôi và mọi người phải làm sao?
Bà Mai Thị Hoa: Đối với trường hợp này, người cha đã vi phạm quyền trẻ em, xâm phạm thân thể các em. Giải pháp là chúng ta cần liên hệ với chính quyền địa phương (cán bộ chuyên trách trẻ em của phường, xã), hoặc công an khu vực để yêu cầu can thiệp hỗ trợ các em.
Tùy theo mức độ vi phạm của người cha mà ông ấy sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự. Đứa trẻ tùy theo mức độ thương tật cần đưa đi điều trị hoặc cách ly khỏi người cha.
--------------------
Xin hỏi luật sư Thảo, Tôi thấy tình trạng phạm tội tuổi vị thành niên ngày càng tăng và mức độ càng lúc càng nguy hiểm, vậy có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này không? (An An, Quận 10)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trả lời: Việc phạm tội của các trẻ trong thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất và mức độ cả đối tượng này nguy hiểm và khó lường trước được hậu quả xảy ra. Hiện nay, nguyên tắc xử lý hình sự được dành 1 chương riêng trong bộ luật hình sự. việc xử lý người phạm tội nhằm ren đe,phát triển lành mạnh để trở thành người có ít cho xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều vụ án xảy ra đối với cố ý gây thương tích, giết người do những trẻ vị thành niên gây ra. Đây là một vấn đề mà toàn xã hội đang rất quan tâm, chúng ta cần sự chung tay, giúp sức từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Hiện nay, pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên thực tế việc trẻ vị thành niên phạm tội còn nhiều. Do môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, thêm nữa là tình trạng game online, mạng xã hội. tình trạng game và trang mạng xã hội đã mang chiều hướng tích cực nhưng ngược lại vẫn có xu hướng tiêu cực. Sự việc diễn ra và được các em đưa lên mạng. các em thường sẽ học theo điều đó. Nhưng trò chơi bạo lực sẽ hình thành tính cách trong cuộc sống thực. Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc này
-----------------
----------------------------
Xin hỏi cô Mai Thị Hoa, Khi hàng xóm có một gia đình mà người bố nát rượu, đánh đập đứa trẻ 4-5 tuổi thậm tệ, đã can ngăn, nhắc nhở nhiều lần nhưng không được. Vậy giờ tôi và mọi người phải làm sao?
Bà Mai Thị Hoa: Đối với trường hợp này, người cha đã vi phạm quyền trẻ em, xâm phạm thân thể các em. Giải pháp là chúng ta cần liên hệ với chính quyền địa phương (cán bộ chuyên trách trẻ em của phường, xã), hoặc công an khu vực để yêu cầu can thiệp hỗ trợ các em.
Tùy theo mức độ vi phạm của người cha mà ông ấy sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự. Đứa trẻ tùy theo mức độ thương tật cần đưa đi điều trị hoặc cách ly khỏi người cha.
----------------------------