(CAO) Kỉ vật để lại của Dũng là cuốn học bạ các năm học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi; có cả cuốn nhật ký em còn ghi dòng chữ “Học để thay đổi cuộc đời, để có được tương lai…”.
Cha mẹ bỏ nhau khi Dũng còn bé tí. Hình ảnh người cha, người mẹ cũng chỉ mờ nhạt trong trí nhớ. Mặc dù thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ nhưng cậu bé Nguyễn Trung Dũng đã vượt qua sự mất mát về tinh thần để vươn lên trong học tập.
Ước mơ được vào ngành Công an
Trên bàn thờ nhỏ đặt ở góc nhà chỉ vỏn vẹn có có chồng tập còn thơm mùi giấy mới và tấm giấy khen danh hiệu học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014-2015 mang tên Nguyễn Trung Dũng. Đó là thành tích vượt khó học tập của một cậu học sinh nghèo, mồ côi khiến thầy cô, học sinh trường THSC Tân Mỹ Chánh và cả xóm giềng nể phục.
Tấm giấy khen danh hiệu học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014-2015
Kế bên là bình hoa cúc vàng, trái dừa và gói bánh ngọt nho nhỏ mà bà Tư vừa được hàng xóm cho để cúng cho em. Bàn thờ ấy vẫn chưa có di ảnh của em, chỉ có chiếc đèn dầu le lói ánh sáng. Cặm cụi sờ từng món đồ của đứa cháu, bà Tư nức nở: “Di ảnh của cháu còn gửi ở chùa, đủ 49 ngày sẽ rước về nhà”.
Bàn thờ vẫn chưa có di ảnh của em
Bà Tư (bà nội Dũng) cho biết, thằng Dũng nó ước mơ sau này trở thành công an, nên nó luôn cố gắng học thật giỏi. “Bây giờ nhớ lại, tui càng thấy thương nó. Nhà quá nghèo, nó muốn học bài khuya cũng không dám vì sợ tốn điện, tui không có tiền đóng. Nhà có cái ti vi của người Việt kiều trong xóm cho, nó cũng không dám coi. Suốt ngày phủ vải kín”, bà Tư kể trong ánh mắt mờ đục vì nước mắt.
Bà Tư khóc ngất kể cho chúng tôi nghe về đứa cháu bất hạnh
Lật từng trang sổ học bạ của Dũng để xem, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi với lời phê “hiền, chăm ngoan”. “Ngày nó được kết nạp Đoàn tôi dặn dò phải noi gương Bác Hồ mà học tập, đừng có ỷ lại mà phải biết cầu tiến. Giờ nó đâu còn bên tôi nữa”, người bà già tóc hai màu phiền não.
Cuốn học bạ các năm học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi
Dũng và cô giáo trong buổi lễ tổng kết 2008 - 2009 (ảnh chụp từ album)
Cuốn nhật kí của em cũng ghi đầy những câu động viên tinh thần để vượt khó: “Nếu ta lười biếng ta sẽ là kẻ đầu tiên bị xã hội này đào thải”; “Học để thay đổi cuộc sống, để có tương lai”,…
Cuốn nhật ký em còn ghi dòng chữ “Học để thay đổi cuộc đời, để có được tương lai…”.
Cô Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 cho biết, Dũng ước mơ được vào ngành Công an vì thế em luôn cố gắng học tốt tất cả các môn học và được thầy cô định hướng thi vào trường chuyên của tỉnh.
Một đứa trẻ có tâm hồn lương thiện
Cô Bảy, tổ 24, ấp Tân Tỉnh A, hàng xóm của bà Tư cho biết: “Thằng Dũng nó không chỉ học giỏi mà nó ngoan và lễ phép lắm. Đi học xong là về nhà quanh quẩn với bà, ai nhờ vả cái gì thì đi làm. Ra đường gặp người lớn thì thưa chào, gặp cháu nhỏ thì vui cười. Vậy mà…”.
Bà Tư gạt nước mắt khoe: “Bàn thờ Bồ Tát ở nhà là Dũng nó thỉnh ở chùa Thanh Quang đem về cho tui”.
Trong sổ nhật kí, em Dũng cũng ghi nhiều câu để nhắc nhở, rèn luyện bản thân: “Vàng là thứ đáng giá, nhưng tâm lại là cái quý giá hơn”, “Chữ tham gắn với chữ tiền, một khi tiền lớn thì lòng càng tham”,…
Trong sổ nhật kí, em Dũng cũng ghi nhiều câu để nhắc nhở, rèn luyện bản thân
Đó là những ước mơ nhỏ nhoi khiến không ít người đọc phải rơi nước mắt. Tuy nhiên, tất cả những ước mơ nhỏ nhoi của Dũng đã dừng lại. Đó âu cũng là một khoảng lặng để người ta cảm nhận được rõ hơn sự hữu hạn của đời người, những lẽ được mất trong cuộc sống, dù đó là những khoảng lặng buồn không ai muốn…
Cậu học sinh hiền lành, học giỏi đã vĩnh viễn ra đi, để lại niềm tiếc thương cho thầy cô, bạn bè và cả xóm giềng, đặc biệt là người bà đã phải cạn khô nước mắt vì nhớ thương thằng cháu bất hạnh.
(còn tiếp)
Tiến Mạnh – Ngô Đồng (ghi)