Xây dựng quốc gia hùng cường trên cơ sở các địa phương vững mạnh
Việc giảm bớt số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34 là bước đi rất táo bạo, nhưng có căn cứ khoa học và hợp lý, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một quốc gia hùng mạnh bền vững trên cơ sở những địa phương vững mạnh.
Theo cách cấu tạo mới, các địa phương đều đạt quy mô diện tích đất và dân số, cũng như được trao quyền quản lý các nguồn tài nguyên đa dạng, cho phép xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có đủ cả chiều rộng và chiều sâu. Dự kiến với các tiềm năng và thế mạnh riêng, mỗi địa phương sẽ có điều kiện tự chăm lo cho cuộc sống của người dân, tự đi lên trên đôi chân của mình, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển đi lên của cả đất nước.

Cảng nước sâu Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ)
Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh mới, được thành lập từ việc nhập lại từ 3 tỉnh, thành là: TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), trở thành địa phương lớn nhất cả nước về nhiều phương diện. TP.Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ trở thành một siêu đô thị giàu có và đầy sức hút, lọt vào top đầu trong những thành phố đáng sống nhất thế giới.
Việc xóa bỏ chính quyền địa phương cấp huyện được cho là biện pháp cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước mang tính đột phá theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả. Đã nhiều năm người dân quen giao tiếp với hệ thống chính quyền ba cấp: tỉnh, huyện và xã. Cấp xã, còn gọi là cấp cơ sở, được trao thẩm quyền xử lý những yêu cầu cung ứng dịch vụ công được cho là thông thường và gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân, như đăng ký khai sinh, khai tử, chứng thực giao dịch, bản sao văn bản... Cấp huyện cũng giải quyết các yêu cầu cung ứng dịch vụ công, nhưng có thẩm quyền đối với những việc quan trọng hơn, như việc yêu cầu có yếu tố nước ngoài, việc đăng ký hộ kinh doanh. Cấp tỉnh được trao thẩm quyền giải quyết những việc đặc biệt quan trọng như cấp giấy phép đầu tư, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thật ra, nếu coi chính quyền địa phương như là hệ thống cung ứng dịch vụ công, thì việc tổ chức chính quyền cấp huyện chưa bao giờ có thể được lý giải dựa vào bất kỳ một luận cứ nào thuyết phục: trong điều kiện dịch vụ công được phân thành hai loại - quan trọng và không quan trọng, thì hai cấp cơ quan cung ứng dịch vụ công là đủ.
Còn nếu coi chính quyền địa phương là mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước, được hiểu là bộ máy cai trị, thì cấp huyện hình thành từ thời phong kiến như là một phần giải pháp của bài toán quản trị đất nước mang tính ứng phó, thích nghi với hoàn cảnh. Cụ thể, trong điều kiện đi lại và liên lạc khó khăn, thông tin từ chính quyền Trung ương, tức là từ triều đình, được chuyển giao và tiếp nhận theo từng cấp, được xây dựng tương ứng với khả năng di chuyển liên tục tối đa của con người trong một ngày: từ châu về huyện, rồi từ huyện về xã.

Một góc TPHCM được chụp bằng flycam
Ngày nay, giao thông liên lạc thuận tiện, đặc biệt với hệ thống quản lý dựa trên nền tảng số, việc duy trì chính quyền cấp huyện như là cấp trung gian giữa cơ quan quản lý cấp cao và cơ quan quản lý cấp cơ sở là kiểu làm không còn hợp thời. Kinh nghiệm các nước tiên tiến cũng cho thấy hệ thống chính quyền địa phương hai cấp là mô hình quản trị quốc gia hiệu quả.
Điều cần thiết là đẩy mạnh phân quyền cho cơ sở. Phải làm cho người dân thấy chính quyền cơ sở là nơi đáp ứng những yêu cầu cơ bản của mình về cung ứng dịch vụ công, liên quan đến sinh hoạt hàng ngày và cả đến hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng. Chính quyền cơ sở cũng phải được trao thẩm quyền quyết định những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bao gồm các biện pháp chế tài hành chính. Chính quyền cấp tỉnh chỉ quản lý những công việc triển khai trên quy mô liên xã, phường và những việc đặc biệt quan trọng.
Mặt khác, cần đẩy mạnh số hóa, tạo điều kiện cho người dân thực hiện giao dịch một cách thuận tiện trên môi trường số, không phải đi lại nhiều, tốn thời gian, tiền bạc. Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thực hiện các quyền công dân, quyền con người đã được hiến định. Nêu cao chủ trương người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Hạn chế đến mức tối thiểu cơ chế xin - cho; đẩy mạnh hậu kiểm theo hướng vừa bảo đảm tháo gỡ vướng mắc đối với việc thực hiện quyền của người dân, vừa bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh luật pháp.
Cải tổ các lực lượng vũ trang ngang tầm với nhiệm vụ mới
Là bộ phận của hệ thống công quyền, Công an và Quân đội cũng đã và đang tích cực tham gia vào cuộc cải cách hệ thống chính trị, hệ thống quản lý.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, quan hệ giữa các nước rất phức tạp và thay đổi khó lường do các quốc gia, dân tộc theo đuổi các lợi ích không tương đồng, thậm chí trái ngược, việc xây dựng các lực lượng vũ trang tinh nhuệ, thiện chiến để bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh trên lãnh thổ và bảo đảm trật tự xã hội là hết sức cần thiết. Quốc gia cần duy trì đội ngũ quân nhân và nhân viên an ninh chuyên nghiệp và tinh nhuệ sẵn sàng ứng phó, tác chiến ở bất kỳ quy mô nào trong khuôn khổ phòng thủ chống ngoại xâm và bạo loạn, lật đổ.
Trong dài hạn, cần có sự đầu tư vật chất thỏa đáng cho việc xây dựng, duy trì và củng cố các lực lượng vũ trang. Phải bảo đảm những con người được biên chế vào đây thuộc thành phần ưu tú của xã hội: có kiến thức tổng quát và chuyên môn tốt, có lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Phải bảo đảm trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện làm việc hiện đại cho các vị trí của các lực lượng. Đó là những người đạt độ tuổi chín theo yêu cầu nghề nghiệp, có lòng trung thành tuyệt đối, có trình độ học vấn cao, có thể lực tốt, được huấn luyện chu đáo về kỹ năng chuyên môn, được trang bị vũ khí và công cụ làm việc hiện đại.

Khi Bình Dương sáp nhập vào TPHCM sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất, tiêu dùng hạ tầng và đô thị xanh
Về tổ chức lực lượng, cần quán triệt yêu cầu bảo đảm quốc phòng và an ninh cả trên phạm vi quốc gia và trên địa bàn cơ sở. Trong điều kiện triển khai bộ máy chính quyền hai cấp, cần chú trọng tăng cường lực lượng an ninh ở cơ sở thông qua việc đầu tư phương tiện làm việc; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của con người.
Ngoài ra, cần quan tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để kết nối sức mạnh của các lực lượng quốc phòng, an ninh chuyên nghiệp với mạng lưới phòng thủ và an ninh dựa vào Nhân dân. Cụ thể, cần tổ chức việc huấn luyện người dân về kỹ năng tham gia phòng thủ bên cạnh các đơn vị Quân đội; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tính mạng, tài sản; có chính sách khen thưởng để động viên, khuyến khích người dân tích cực, chủ động trong việc phát hiện, tố giác tội phạm; có biện pháp thích hợp và hiệu quả bảo vệ người có công trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, đóng góp vào sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thật sự thổi một luồng gió mới vào bầu không khí sinh hoạt, lao động của mọi tầng lớp Nhân dân. Mỗi người, ở mỗi vị trí trong cấu trúc xã hội, đều có trách nhiệm chung tay để cùng nhau đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc.
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện