Chuyển chức năng đào tạo, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an là phù hợp, đúng đắn

Thứ Sáu, 11/02/2022 06:39

|

(CAO) Chiều 10/2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành chức năng và các địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí, hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, làm mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn; văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém; số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn cao, đang là vấn đề bức xúc của xã hội cần giải quyết...

Ảnh minh họa

Thực trạng trên cho thấy, việc tăng cường công tác quản lý người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao kiến thức pháp luật giao thông đường bộ, kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người tham gia giao thông là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe là một khâu của công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông và có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau với quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tuy nhiên, việc này lại không được giao trách nhiệm chính cho Bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ trật tự, an toàn xã hội đảm nhiệm mà đang do Cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện dẫn đến hiệu quả quản lý sau khi cấp Giấy phép lái xe rất hạn chế, không quy được trách nhiệm chính cho cơ quan nào, việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư, Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.

Ngày 31/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020 đã thống nhất nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Trên cơ sở đó, ngày 4/9/2020, Chính phủ có Tờ trình số 399/TTr-CP kèm theo hồ sơ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ báo cáo Quốc hội.

Ngày 2/12/2020, Tổng thư ký Quốc hội có Công văn số 4152/TTKQH QPAN gửi Chính phủ thông báo kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, tập trung vào 5 nhóm vấn đề trong đó có vấn đề: Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.

Thực hiện đề nghị của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Đối với 2 vấn đề là sự cần thiết ban hành Luật và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, các bộ, cơ quan có liên quan về phương án tiếp thu, giải trình.

Để bổ sung, làm rõ thêm luận cứ khoa học của đề xuất chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an”.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn thống kê cho thấy từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người (chiếm 97% số vụ, số người chết, số người bị thương trong tổng số vụ tai nạn giao thông nói chung), gây thiệt hại lớn về tài sản.

Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Cũng trong thời gian trên, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 65.200.379 lượt trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; xảy ra 596 vụ chồng lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hi sinh, 186 cán bộ bị thương.

Thực trạng trên cho thấy việc tăng cường công tác quản lý người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông trong đó chú ý đến việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao kiến thức pháp luật giao thông đường bộ, kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người tham gia giao thông.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một khâu của công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông và có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau với quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

"Quản lý người điều khiển phương tiện giao thông thực chất là nhằm bảo vệ các quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong môi trường giao thông. Nhưng hiện nay việc này lại không được giao trách nhiệm chính cho bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ trật tự an toàn xã hội đảm nhiệm mà đang do cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện dẫn đến hiệu quả quản lý sau khi cấp giấy phép lái xe rất hạn chế, không quy được trách nhiệm chính cho cơ quan nào, việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông gặp nhiều khó khăn", Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường nhấn mạnh và cho rằng cần có sự đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM cũng nêu một số luận điểm cho rằng việc giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe là phù hợp, đúng đắn như: tập trung quản lý về một đầu mối, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo xử lý triệt để vi phạm...

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM cho rằng, để có cơ sở đảm bảo thực hiện việc chuyển giao một cách hiệu quả, Chính phủ cần đưa ra những quy định cụ thể nhằm tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, hạn chế tiêu cực trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước giao cho lực lượng cảnh sát quản lý cả việc đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe. Việc chuyển giao cũng đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước: Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Kết luận hội thảo, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, Ban Tổ chức hội thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện và báo của kết quả với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải nhằm kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng trong việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an…

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang