Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ Công an trong phòng chống tham nhũng

Thứ Năm, 10/02/2022 13:19

|

(CAO) Những nội dung trọng tâm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác Công an được ban hành trong tháng 01 năm 2022.

Công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân

Bộ trưởng Tô Lâm lắng nghe người dân trình bày nội dung khiếu nại, phản ánh.

Với mục đích phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND; công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND; phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 117/2021/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND.

Thực hiện dân chủ trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ CAND trong quá trình thực thi công vụ; được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan Công an những vấn đề có liên quan đến hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của CAND và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của CAND.

Bên cạnh đó, công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan Công an trong phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin về phòng, chống tham nhũng mà mình cung cấp; không lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác…

Quy chuẩn về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ

Lực lượng Công an tỉnh Thái Bình tiến hành tiêu hủy pháo và các nguyên liệu làm pháo.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 125/2021/TT-BCA quy định khi pháo hoa bị hư hỏng, hết hạn sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, các cơ sở kinh doanh pháo hoa phải vận chuyển về các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất pháo hoa để tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Địa điểm tiêu hủy được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng phê duyệt địa điểm tiêu hủy, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng phương án, quy trình tiêu hủy bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường...

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, Viện KSND tối cao ban hành 02 Thông tư liên tịch

Phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo; Phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại là các nội dung quan trọng quy định tại các Thông tư liên tịch số 03/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP; số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.

Bộ Công an lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNEID.

Dự thảo Nghị định quy định cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNEID hoặc đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân đối với công dân Việt Nam và cơ quan Công an quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài để thực hiện đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử.

Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với các trường hợp đặc biệt, việc cấp và định danh điện tử do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Việc cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Công an quy định...

Bộ Công an chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND

Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND.

Dự thảo Thông tư quy định tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong CAND thông qua các hình thức như: Gửi văn bản trực tiếp đến cơ quan Công an; Trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân; Qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an hoặc Trang Thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương hoặc các hình thức cung cấp thông tin phù hợp khác.

Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Trường hợp cần làm rõ tính chính xác, khách quan của thông tin đã được thu thập, tiếp nhận, Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan; tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế (nếu thấy cần thiết).

Bình luận (0)

Lên đầu trang