Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD

Thứ Ba, 06/12/2022 20:30

|

(CAO) Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD…

Chiều 6/12, truyền đạt chuyên đề về Kết luận của Trung ương về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xem xét kế thừa các quy hoạch đang còn hiệu lực, quy hoạch mới được phê duyệt và các quy hoạch cấp quốc gia đang được lập nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, đồng bộ và thống nhất của hệ thống quy hoạch quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đạt Kết luận của Trung ương về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Nội dung của định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, theo ông Đam, có 2 nhóm: nhóm quan điểm về phát triển quốc gia và nhóm quan điểm về tổ chức không gian phát triển quốc gia với nhiều nội dung cụ thể.

Các mục tiêu phát triển cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 - 8,5%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD…

Cũng đến năm 2030, quy mô dân số đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.

Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%...

Theo ông Đam, đây là những mục tiêu "rất khó", vì vậy cần có những giải pháp thực sự quyết liệt, khơi dậy được khát vọng.

Ông phân tích, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, dư địa còn rất nhiều. Khi đó cả nước mới có 10.000 doanh nghiệp, còn hiện nay là 1 triệu; 76% lao động là nông dân thì hiện chỉ 29% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính - Nhà Quốc hội

Hay về tăng trưởng kinh tế, theo ông Đam, đang giảm dần theo từng nhiệm kỳ. Từ năm 1986 - 1991 là 8,2%, tới nhiệm kỳ gần nhất chỉ còn 6,2%.

“Vậy mà bây giờ chúng ta muốn là 10 năm tới tăng trưởng 7%. Trong khi 2 năm vừa rồi đại dịch dù chúng ta rất nỗ lực nhưng cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 4,4% thì thấy khó như thế nào” - ông Đam nói.

Nêu cái khó về chỉ tiêu dân số, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra, hiện nay, tại TPHCM có nhiều gia đình trẻ, có điều kiện nhưng lại ngại sinh con hoặc sinh con một, trong khi nhiều vùng nông thôn, miền núi điều kiện khó khăn lại sinh nhiều. Đây là vấn đề cần phải giải quyết.

Còn về vấn đề tuổi thọ, ông Đam cho biết, người Việt Nam sống dài nhưng sống khỏe không được lâu. Những năm cuối đời sống rất yếu, sức khỏe kém.

Nhìn nhận về chỉ tiêu phát triển nền giáo dục, ông Đam cho rằng, tỷ lệ 260 sinh viên đại học trên 1 vạn dân là thấp so với thế giới.

“Chúng ta không phải thừa thầy thiếu thợ mà thiếu cả thầy giỏi, thiếu cả thợ” - ông Đam lo ngại và nhấn mạnh kinh nghiệm các nước là tạo môi trường để người dân có thể học tập suốt đời.

“Ở nhiều nước, người dân đi học mà không cần lấy bằng đại học. Ở Úc có những người lái xe đường dài vẫn có thể học đại học, thậm chí học tiến sĩ” – Phó thủ tướng phản ánh.

Với chỉ tiêu y tế, theo ông Đam, quan trọng là tỷ lệ bác sĩ chứ không phải là tỷ lệ giường bệnh. Tỷ lệ về điều dưỡng cũng rất quan trọng.

“Thế giới có 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng, còn ở Việt Nam chỉ có 1,5 thành ra người nhà phải vào chăm, dẫn đến lây nhiễm chéo”- ông Đam nói.

Phó Thủ tướng Chí phủ phân tích: “Ta không có nhiều biên chế. Muốn tỷ lệ điều dưỡng tăng lên thì phải tăng biên chế lên gấp đôi. Ở Nhật, một bác sĩ có tới 9 điều dưỡng. Bác sĩ có thể chưa chắc giỏi nhưng sự chăm sóc của họ rất tốt”.

Về nguyên nhân căn bản nhất, theo Phó Thủ tướng là do chúng ta còn nhiều khó khăn. "Mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 các nước phát triển và 1/10 các nước đang phát triển và trung bình cao như Việt Nam” – ông Đam nêu.

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; và phát triển các hành lang kinh tế.

Theo đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hoá, xã hội, hạ tầng thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng tại địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi, có hạ tầng phát triển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn, khu kinh tế ven biển, tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia…

Bình luận (0)

Lên đầu trang