Đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động

Thứ Sáu, 14/10/2022 22:52

|

(CAO) Thời gian còn lại, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chính sách thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nhanh chóng đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng.

Hỗ trợ thuê nhà cho hơn 5 triệu lao động

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hôm nay (14/10) đã ký Báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình).

Tại báo cáo này, ông Dũng cho biết, đến hết tháng 9/2022, Chương trình đã giải ngân trên 61.000 tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình. Con số này không bao gồm 46.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ đô la Mỹ) dự kiến sử dụng để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế do việc thực hiện cần căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 thực tế.

Hiệu quả triển khai chương trình phục hồi sẽ quyết định hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Cụ thể, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã thông báo bổ sung kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tới 22 địa phương với tổng kinh phí 4.149 tỷ đồng.

Đến 23/9/2022, hơn 3.544 tỷ đồng đã được chi để hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động, vượt số đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu tại thời điểm xây dựng (4 triệu người lao động).

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến ngày 30/9/2022 đạt 10.704 tỷ đồng cho tổng số gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 7.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Riêng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, ông Dũng cho biết, đến hết tháng 9/2022 mới giải ngân khoảng 29 nghìn tỷ đồng, tạm tính doanh số hỗ trợ lãi suất trên 15 nghìn tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.

Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sớm quán triệt, tổ chức triển khai việc thực hiện chính sách..., song theo ông Dũng, kết quả giải ngân thực hiện chính sách chưa đạt kỳ vọng.

Về các chính sách thuế, đến ngày 28/9/2022, Chính phủ đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác là 39.422 tỷ đồng.

Gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 97.895 tỷ đồng, trong đó gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 91.525 tỷ đồng, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước là 6.370 tỷ đồng.

Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Không tạo rào cản cho người thụ hưởng 

Đề cập đến việc phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1113/QĐ- TTg ngày 21/9/2022 trong đó giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án.

Chính phủ đã giao hơn 147 nghìn tỷ  đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án

Đối với các dự án còn lại, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn của Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi tiếp tục giao kế hoạch vốn.

Với kế hoạch năm 2022, ngày 12/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1198/QĐ-TTg về giao, điều chỉnh, bể sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo đó đã giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 4 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Việc huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, Chính phủ dự kiến nhu cầu nguồn lực của Chương trình trong năm 2022 là 82,585 nghìn tỷ đồng, trong đó đối với khoản dự kiến giảm thu 64.000 tỷ đồng đến thời điểm hiện tại dự kiến không phải tăng bội chi do khả năng thu ngân sách nhà nước của năm 2022 vượt dự toán.

Đối với khoản chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng được UBTVQH phê duyệt tại Nghị quyết số 584/NQ- UBTVQH15 ngày 31/8/2022, dự kiến cũng không cần huy động vốn để thực hiện do có thể sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022.

Chính phủ cũng đã tổng hợp nhu cầu nguồn lực thực hiện Chương trình còn lại trong năm 2023 trong quá trình xây dựng dự toán năm 2023 để báo cáo Quốc hội.

Khả năng huy động nguồn lực cụ thể trong năm này phụ thuộc vào tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, điều kiện thị trường trong và ngoài nước; trong đó sẽ tập trung huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ nội tệ và vay vốn ODA, vốn ưu đãi nước ngoài.

Nêu vướng mắc khi thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Dũng chỉ ra, việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai một số chính sách thuộc Chương trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Vẫn theo ông Dũng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, tại một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt. Còn tình trạng một số chính quyền địa phương tạo thêm các thủ tục mới bên cạnh các trình tự, thủ tục đã có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách, cụ thể như đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Liên quan đến thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của Chương trình, ông Dũng cho rằng với chỉ trong 2 năm thực hiện (2022-2023) trong khi danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9/2022 sẽ tạo sức ép về tiến độ thực hiện và giải ngân, đặc biệt đối với các dự án giao thông quy mô lớn, cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong triển khai.

Trong các tháng còn lại của năm 2022 và 2023, Bộ trưởng Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình, nhanh chóng đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh trục lợi.

Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại của Chương trình trong tháng 11/2022.

Đối với những chính sách đã ban hành, Chính phủ yêu cầu không quy định các thủ tục phát sinh so với yêu cầu hoặc trên mức cần thiết, không tạo rào cản trong việc thực hiện chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.

Chính phủ yêu cầu theo dõi sát sao tình hình thực hiện, chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, trường hợp cần thiết đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhanh chóng điều chỉnh nguồn lực giữa những chính sách không còn nhu cầu hoặc khả năng thực hiện để bổ sung cho chính sách hiệu quả, còn dư địa, bảo đảm phù họp với tình hình và điều kiện thực tế...

Bình luận (0)

Lên đầu trang