(CAO) Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Ðào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD-ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 - 2023.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách mời chụp ảnh lưu niệm
Lễ khai mạc sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD-ĐT Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như sau: việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự đăng cai. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành giáo dục, phải chống chọi với đại dịch Covid-19 và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng khẳng định, giáo dục luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, luật định dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Con người là trung tâm của quá trình phát triển, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Có thể nói, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, có vai trò có tính quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, mà trực tiếp nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động và nguồn lực cạnh tranh của cả quốc gia và khu vực.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển. Ở các nước ASEAN, trong hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua. Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh.
Sau những hệ quả nói trên, chúng ta phải đặt mục tiêu tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi, thách thức khó lường trong tương lai. Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này.
Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả. Trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập; về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn. Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD-ĐT Việt Nam chủ trì cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025. Từ đó, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc.
Phó Tổng Thư ký ASEAN, ông Ekkaphab Phanthavong phát biểu tại hội nghị cũng nhấn mạnh, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, đây là lúc các nước ASEAN cùng nhau tái khởi động các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chương trình về hợp tác giáo dục, ông Ekkaphab Phanthavong bày tỏ mong muốn trong thời gian sắp tới, các nước sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, cùng nhau thảo luận vì các mục tiêu phát triển bền vững của khu vực hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.