Còn bao trẻ em kêu cứu mà chưa được đáp lại?

Thứ Tư, 27/05/2020 11:41

|

(CAO) Số vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đang gia tăng đột biến với hơn 90% số vụ trẻ em bị xâm hại là từ người thân quen. Tuy nhiên, con số đó, theo nhiều đại biểu, chưa phản ánh được thực tế của tình trạng này hiện nay.

Trẻ bị xâm hại tăng đột biến

Con số này được đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, đưa ra thảo luận tại Quốc hội hôm nay (27/5).

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đoàn giám sát chỉ ra, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giám sát

Hậu quả là 337 trẻ đã bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật…

Đáng chú ý, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước”, Đoàn giám sát nhận định.

Dù vậy, Đoàn giám sát thừa nhận số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Một cách tổng quát, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng chưa bao giờ tình trạng xâm hại trẻ em được phản ánh với bức tranh toàn thể, toàn diện ở nhiều bối cảnh như thế.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Nói về hình ảnh một cậu bé 4 tuổi òa khóc khi không đạt quán quân trong game show biệt tài tí hon, đại biểu Nhân nhận xét, những giọt nước mắt khi thua cuộc, hay sự căng thẳng tột độ của các em khi chờ đến lượt thi thố, bố mẹ cũng bật khóc sau cánh gà… không phải là những thông điệp tốt đối với dư luận, xã hội.

“Việc bắt chước dáng đi của một người mẫu, không sống ở đúng lứa tuổi mình có phải là tích cực? Cảnh “nóng” của một cô bé 13 tuổi đóng phim “vợ Ba” cũng chính là một hình thức xâm hại trong lớp vỏ bọc văn hóa” – ông Nhân nhìn nhận.

Theo đại biểu của Bình Dương, ở nhiều nước đã cấm các chương trình văn hóa có trẻ em, trong khi các game show thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng.

“Ai đã đặt những viên gạch đầu tiên cho các em trên con đường thành công mà tiềm ẩn đày rủi ro, nguy cơ bị xâm hại?” – đại biểu Nhân nêu câu hỏi và cho rằng xâm hại trẻ em hiện nay có muôn hình vạn trạng. Và theo ông, việc giám sát tối cao lần này cho chúng ta một cơ hội để nhìn nhận cách thức chúng ta đang đối xử với trẻ em.

“Đến lúc phải cùng nhau hành động đề giữ môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em chúng ta” – đại biểu Nhân nêu quan điểm.

Tổn thương tâm lý không thể chữa lành

Một điểm đáng ngại nữa, được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, là đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi…

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) thảo luận tại hội trường

Qua giám sát, đoàn giám sát phát hiện thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 97,29%; tỉnh Phú Thọ 97%; tỉnh Cà Mau 95,9% …

Ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Bàng hoàng trước những thông tin trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết không ngờ được những người xâm hại trẻ em là những người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột của các em.

“Một cháu bé ở chung cư bị ông cụ 70 tuổi xâm hại, rồi 1 em bé mới 4 tháng tuổi lại bị bố mẹ đẻ bạo hành, trẻ bị xâm hại bởi các cô nuôi dạy trẻ ở trường…” - nêu những dẫn chứng đau lòng này, đại biểu Phương hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà ko được đáp lại, bao nhiêu kẻ suy đồi đạo đức, cái các mà chưa được ngăn chặn?

Điều khiến ông Phương day dứt nữa, là khi sự việc đã qua, có xử lý thì những tổn thương tâm lý với các em cũng mãi mãi không chữa lành được.

Nhìn nhận mạng xã hội là môi trường xấu với vấn đề xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thông tin, Việt Nam thuộc top các quốc gia có người dùng mạng lướn nhất thế giới, với 64 triệu người, tỷ lệ lớn tập trung nhóm người vị thành niên cho tới 24 tuổi.

“1/3 số trẻ cho biết từng bị bắt nạt trên mạng, các em hầu hết đều có trải nghiêm tồi tệ trên mạng” – bà Thuỷ cho biết.

Nêu những thủ đoạn xâm hại trẻ em qua mạng, bà Thuỷ phản ánh, các đối tượng thường tạo ra các phòng chat ảo trên mạng, đội lốt là những người có học thức, điều kiện kinh tế khá, hiểu biết tâm lý trẻ em, sau 1 thời gian là dời chủ đề học hành, chuyển sang gợi ý, lôi kéo xem phim khiêu dâm, để trẻ chụp ảnh cơ thể, rồi ép quan hệ tình dục…

“Hậu quả của việc xâm hại trên mạng lớn hơn ngoài đời thật, những hình ảnh đó theo các em cả đời” – bà Thuỷ nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang