Nhiều hệ quả tiêu cực
Thảo luận về dự luật Đầu tư (sửa đổi) chiều nay, đồng tình với việc cấm dịch vụ đòi nợ, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chỉ ra, đòi nợ thuê vừa qua đã biến tướng bất chấp pháp luật, trong khi đóng góp của ngành nghề này không lớn so với tác hại nó gây ra với xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tham gia thảo luận
Phân tích cụ thể, đại biểu Tuyết phản ánh, dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Trong khi đó, đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.
Chung quan điểm, các đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế), Lê Đình Nhường (Phú Thọ), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định "cấm dịch vụ đòi nợ thuê là hợp lý".
“Bản chất của đòi nợ thuê là chủ nợ yêu cầu con nợ trả tiền nhưng họ có tiền mà không trả và thường chủ nợ nghĩ đến hành vi bạo lực, đe doạ "dằn mặt" để đòi tiền” – đại biểu Hoa phân tích.
Đáng chú ý, theo bà Hoa, dù Nghị định 96 quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được sử dụng vũ lực ảnh hưởng tới trật tự công cộng nhưng thực tế đã không phải như vậy.
Dẫn lại báo cáo đánh giá tác động với loại hình kinh doanh này của Chính phủ, bà Hoa cho hay, đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 84 doanh nghiệp ở TP HCM, 62 tại Hà Nội.
Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh, dẫn tới phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội. Những vi phạm phổ biến được nêu ra là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội”...
"Như vậy, quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê như đang diễn ra trên thực tế hiện nay thực chất là quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy đinh" – đại biểu Hoa nhấn mạnh.
Nên hướng tới các thiết chế văn minh
Bày tỏ băn khoăn, thậm chí quan ngại về loại hình kinh doanh đòi nợ thuê, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phản ánh, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn các công ty đòi nợ thuê câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ.
“Loại hình này cũng không góp bao nhiêu vào ngân sách" - bà Xuân nhận định, đồng thời nhìn nhận, thay vì tìm tới dịch vụ đòi nợ biến tướng, các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nên hướng tới thiết chế đòi nợ văn minh, lành mạnh thông qua toà án.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bảo lưu quan điểm ủng hộ loại hình kinh doanh này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng không thể khó quản lý là cấm kinh doanh, bởi luật cấm mà xã hội vẫn có nhu cầu thì hoạt động đòi nợ thuê sẽ hoạt động trá hình rất khó quản lý.
Theo ông Hoà, cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật thì sẽ hạn chế thấp nhất đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Tương tự, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) kiến nghị nên quan tâm đến các nhóm giải pháp để tăng cường quản lý với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bổ sung điều kiện khoản nợ được thuê đòi đã áp dụng một số biện pháp cần thiết rồi thì mới sử dụng dịch vụ này.
Trước đó, cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến 2 phương án về đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, dự thảo luật mới nhất tại khoản h điều 6 về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh vẫn thể hiện hai phương án: Phương án 1: Quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Phương án 2: Giữ nguyên luật hiện hành, quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tại báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không nói rõ đồng ý với phương án nào.