(CAO) Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Công an TP.Hồ Chí Minh (CATP) đã và đang triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức làm việc và cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ tốt hơn cho người dân và góp phần xây dựng một thành phố an toàn, hiện đại và văn minh.
Chuyển đổi số trong điều tra và giám sát an ninh trật tự
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, từ năm 2020, Công an TPHCM đã bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác, từ quản lý hành chính đến công tác điều tra, phòng chống tội phạm. CATP xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác có hiệu quả các ứng dụng như Hệ thống bản đồ số, hệ thống camera thông minh, Trung tâm cơ sở dữ liệu tích hợp… Các ứng dụng, phần mềm đã được khai thác hiệu quả, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành lực lượng tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự (lực lượng 363, Cảnh sát giao thông…); thông tin từ cơ sở dữ liệu phục vụ truy tìm phương tiện, đối tượng giúp phá nhanh nhiều vụ việc, vụ án phức tạp xảy ra trên địa bàn TPHCM.
Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 CATP
Ngoài ra, CATP đang tập trung hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống cảnh báo khẩn cấp về an ninh, trật tự trên địa bàn để tiếp nhận thông tin nhanh chóng, kịp thời và trực tuyến từ người dân về các vụ việc an ninh, trật tự, cháy nổ, tai nạn giao thông,…. Khi hệ thống được vận hành sẽ giúp lực lượng công an tăng tốc độ thực hiện các chức năng xử lý tin báo khẩn cấp; có thêm kênh liên lạc để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy cho người dân.
Công an TPHCM làm thủ tục cấp CCCD cho người dân
Cải cách hành chính và phục vụ người dân thông qua dịch vụ công trực tuyến
Công an Thành phố Hồ Chí Minh là Công an địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai Cổng thông tin dịch vụ hành chính công của ngành Công an. Tính đến hết năm 2024, 100% Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước đều đã triển khai, thống nhất sử dụng một website duy nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, đó là cổng dịch vụ công Bộ Công an. Cổng dịch vụ công là công cụ giao tiếp hai chiều đắc lực giữa Công an Thành phố với các cá nhân, tổ chức, là một bước đi điển hình trong cải cách hành chính ở lực lượng Công an nói chung và của TPHCM nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng Chính quyền điện tử của Thành phố. Các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, đổi giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện giao thông… đều được áp dụng qua hình thức trực tuyến (thông qua ứng dụng VNeID), giúp tiếp nhận, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an. Người dân có thể thực hiện các thủ tục này mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan công an, giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc, cải thiện chất lượng phục vụ, tạo sự thuận tiện tối đa cho công dân trong trong bối cảnh nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân trên địa bàn Thành phố ngày càng cao.
Xây dựng môi trường an ninh mạng vững mạnh
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp. Nhận thức được điều này, Công an TPHCM đã và đang triển khai các biện pháp nâng cao năng lực đấu tranh với tội phạm mạng thông qua việc xây dựng các hệ thống giám sát, phân tích và phát hiện các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ trong việc phát hiện và xử lý tội phạm mạng, CATP cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo mật thông tin và phòng chống tội phạm mạng tới cộng đồng, giúp người dân nâng cao nhận thức và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân.
Số hóa hồ sơ, tài liệu, chuyển trạng thái làm việc từ thủ công sang hiện đại
Trong năm 2024, Công an TPHCM đã triển khai thí điểm, đánh giá, hiệu chỉnh và hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp do Bộ Công an nghiên cứu và phát triển. Sau khi đưa vào sử dụng, phần mềm đã phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời. Việc xử lý, giao nhận thông tin trong CATP được vận hành thông qua mạng nội bộ. Hồ sơ, tài liệu được lưu trữ dưới dạng văn bản điện tử, dữ liệu được kết nối, chia sẻ và khai thác trong phạm vi cho phép giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực.
Với quyết tâm và sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để lực lượng Công an nâng cao hiệu quả công tác, cải cách hành chính và xây dựng môi trường an ninh trật tự an toàn cho người dân. Trong tương lai, Công an TPHCM sẽ tiếp tục ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, đồng thời tăng cường kết nối giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành công an tạo thành một hệ thống an ninh thông minh và toàn diện, phục vụ hiệu quả các mặt công tác công an trong tình hình mới.