Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chủ trương hễ đánh đổ chính quyền địch tới đâu, phải thành lập ngay chính quyền cách mạng tới đó. Căn cứ theo tình hình cụ thể của từng vùng, các địa phương quyết định tiến hành bầu cử hoặc chỉ định ra cơ quan chính quyền cách mạng chính thức hay lâm thời. Tiêu chuẩn được chọn vào các cơ quan chính quyền là phải có thành tích chiến đấu được quần chúng tín nhiệm và hết lòng phục vụ nhân dân. Đây là sự phát triển rất mới, in đậm dấu ấn năng động và sáng tạo trên chiến trường miền Nam nước ta, đã tạo ra hai hệ thống chính quyền song song tồn tại giữa ta và địch trong cuộc đấu tranh quyết liệt về các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...
Mùa hè năm 1968, Ban Chỉ đạo chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban này là: Nghiên cứu, đề xuất những chủ trương và biện pháp lớn về chỉ đạo, lãnh đạo công tác chính quyền; nghiên cứu và ban hành hướng dẫn những vấn đề cụ thể về thể chế, nguyên tắc quy định về ngành hành chính, xây dựng bộ máy chuyên môn của chính quyền.
Năm 1969, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chủ trương gấp rút mở rộng việc thành lập hệ thống chính quyền cách mạng ở các xã, huyện, tỉnh và thu hẹp phạm vi hoạt động của chính quyền địch; ra sức phát huy tốt chức năng của chính quyền cách mạng, làm cho chính quyền ta hơn hẳn chính quyền địch; tích cực thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng huyện, tỉnh.
Bước sang xuân hè năm 1972, các cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Nhiều vùng giải phóng rộng lớn liên ấp, liên xã, liên huyện, thậm chí cả tỉnh đã được hình thành. Do vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chủ trương phải gấp rút phát huy vai trò của chính quyền cách mạng ở các liên xã, quận lỵ được giải phóng và từng bước nối thông sự gắn kết chính quyền cách mạng từ cơ sở đến Trung ương.
Ở những nơi đã giành được quyền làm chủ mạnh và những vùng vừa được giải phóng, chúng ta chủ trương phải kịp thời thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng. Ở những nơi đã có Ủy ban nhân dân cách mạng thì ra công khai; ở những nơi còn đang tranh chấp hoặc dễ bị địch lấn chiếm trở lại thì chỉ nên đưa một số thành viên chủ chốt như chủ tịch, thư ký, xã đội ra công khai. Ở những nơi chưa có Ủy ban nhân dân cách mạng thì tổ chức đại hội đại biểu nhân dân để bầu ra Ủy ban nhân dân cách mạng.
Về thành phần của Ủy ban nhân dân cách mạng phải bao gồm những người chiến đấu trung kiên, có tinh thần phục vụ nhân dân và có tín nhiệm trong quần chúng. Đối với các thị xã, thị trấn cần có một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Nhiệm vụ của chính quyền ở thôn sẽ là: động viên nhân dân đoàn kết chiến đấu bảo vệ xóm làng, phòng gian, bảo mật, chống chiến tranh tâm lý của địch; giúp đỡ đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống và đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến và quan tâm chăm lo đến hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục và xã hội.
Đến cuối mùa khô 1973 - 1974, trước sự phát triển của thời cơ mới, Thường vụ Trung ương Cục đã ra chỉ thị gấp rút đẩy mạnh về việc xây dựng chính quyền cách mạng và vùng giải phóng để tiến lên giành thắng lợi mới.
Những xã vừa được giải phóng, ta chủ trương phải tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách sau đây:
- Xây dựng chính quyền cách mạng và cơ sở Đảng, các đoàn thể quần chúng.
- Xây dựng dân quân du kích và lực lượng an ninh để cùng với lực lượng chính trị quét sạch các lực lượng phản động còn lại và chống âm mưu phản kích tái chiếm của địch.
- Ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với cách mạng.
- Tổ chức cơ sở y tế, văn hóa và giáo dục, phục vụ đời sống nhân dân.
- Chỉ tổ chức chính quyền lâm thời một thời gian, sau đó bầu cử xây dựng chính quyền chính thức của nhân dân.
Đến cuối năm 1968 chúng ta đã xây dựng chính quyền tại 516 xã trong tổng số 1.800 xã của Nam Bộ, ở các tỉnh T6 được 300 xã trên 1.200 xã, T5 được 225 xã trên 600 xã. Xây dựng chính quyền huyện đạt 21 huyện trên 170 huyện, trong đó Nam Bộ và T6: 7 huyện trên 121 huyện, T5: 14 huyện trên 50 huyện. 3 tỉnh Cà Mau, Gia Lai, Mỹ Tho đã xây dựng chính quyền (trên tổng số 44 tỉnh).
Nhất trí thông qua Bản điều lệ của mặt trận tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai (1964). Ảnh TTXVN
Chính quyền cách mạng đã công bố quyền dân sinh, dân chủ, bình đẳng trong đồng bào, trong đó quan trọng nhất là mang lại quyền lợi về ruộng đất cho nông dân.
Ở miền Tây Nam Bộ sau ngày Đồng khởi, vùng nông thôn giải phóng đã được mở rộng nhiều. Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Cà Mau đã vận động các đoàn thể và nhân dân xây dựng một số công trình, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa: đắp 649 đập ngăn mặn, đào mới 59.963 mét kênh, nạo vét hàng chục ngàn mét kênh dẫn nước. Chính quyền cách mạng đã cấp hơn 1.000 ha đất cho 360 hộ nông dân, trợ cấp hàng ngàn giạ lúa cho gia đình chiến sĩ, cán bộ và nhân dân nghèo. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trường học ở các ấp, trạm y tế, nhà bảo sinh vẫn được mọc lên. Phong trào vệ sinh phòng bệnh tổ chức cứu thương tại chỗ, lập tủ thuốc gia đình được phát động rộng rãi trong nhân dân. Y tế huyện, xã đã sản xuất được một số thuốc bằng dược liệu tại chỗ như: Philatốp, viên trị cảm, rượu thời khí hà thủ ô, ngũ gia bì... hướng dẫn nhân dân sử dụng toa thuốc nam căn bản, điều trị có kết quả các bệnh thông thường.
Hiệu lực và sức mạnh của cơ quan chính quyền cách mạng ở xã, ấp trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên chiến trường. Chúng ta đã thấy chỉ riêng trên địa bàn xã Tân Duyệt (thuộc quận Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã quyên góp ủng hộ cách mạng hơn 60.000 giạ lúa, hơn 60 triệu đồng (tiền ngụy Sài Gòn), gần 2 tấn kim loại để sản xuất vũ khí, giúp cho các đơn vị 210 chiếc xuồng và 150 bộ ván để chôn cất liệt sĩ.
Cũng tại xã này, phong trào xây dựng ấp, xã chiến đấu đạt kết quả đáng ghi nhận: đào 100.000 hầm chông, 10.000 mét chiến hào, 5.000 mét kênh "chống Mỹ”, 1.000 mét công sự chiến đấu, vót 2 triệu mũi chông bằng tre và đước, làm hàng chục ngàn chông bàn, cắm hàng chục triệu cọc chống trực thăng, chằm 300.000 cà vun, đốn 18.000 cây các loại và huy động 15.000 lượt người tham gia hàn 12 cảng lớn, nhỏ trên sông.
Công trường xã sản xuất 4.620 đạp lôi, 2.137 lựu đạn gài, 760 đầu mìn gạt, 15 súng ngựa trời, 60 súng trường, 16.000 chông sắt. Có 950 thanh niên trong xã tòng quân, hơn 100.000 lượt dân công tham gia phục vụ chiến trường. Xã có 310 liệt sĩ, 460 thương binh, 14 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.000 người dân chết và bị thương do bom đạn và quân địch tàn sát.
Chúng ta xem đó, rõ ràng trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã xây dựng được một hệ thống chính quyền cách mạng tương đối hoàn chỉnh đại diện cho nhân dân và ngay từ đầu đã có một vị trí rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta.
---------------------------------
T5, T6: các tỉnh miền Trung, cực Nam Trung Bộ
(CATP) Tư tưởng năng động và bản lĩnh sáng tạo của cách mạng miền Nam, trước hết, đã được quán triệt thể hiện và vận dụng trong lĩnh vực hoạt động về quân sự. Nhờ nắm vững quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và tư tưởng "lấy dân làm gốc", nhờ sự cố công học tập cách đánh giặc vô cùng phong phú của tổ tiên ta, nhờ biết tiếp thu và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động quân sự và khởi nghĩa vũ trang, nên chúng ta đã phát triển nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên tới đỉnh cao.
TRẦN HỮU PHƯỚC - (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam - cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)