Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019):

Công tác an ninh, bảo vệ tại trại Davis trong lòng địch

Thứ Hai, 29/04/2019 10:11

|

(CAO) Trại Davis (lấy tên trung úy James T.Davis, sĩ quan quân báo đơn vị “chiến dịch đặc biệt ASA” của Mỹ chết trong lúc đi càn quét khu vực phía Tây Tân Sơn Nhất tháng 12-1961) là một doanh trại của quân đội Mỹ, nằm trong khu sân bay quân sự Tân Sơn Nhất gần sát góc Tây Nam, có diện tích 33.000 m2 với hơn 65 nhà làm việc và nhà ở lớn nhỏ.

Bảo vệ an toàn tuyệt đối

Đây là doanh trại thuộc loại đơn vị cơ sở (sĩ quan cấp thấp và binh lính) nên các tiện nghi sinh hoạt đều ở mức thấp và có tính chất tập thể: nhà bếp và nhà ăn tập thể, nhà vệ sinh và nhà tắm chung, nhà giặt tập trung.

Nhà làm việc được thiết kế kiểu nhà sàn (rộng 5m, dài 15m), bệ đỡ nhà được xây thành hai bức tường gạch cao khoảng nửa mét đỡ nhà theo chiều dài; sàn, thân và tường nhà ghép bằng gỗ, mái lợp fibro xi măng. Chỉ khoảng 10% số nhà ở được lắp máy điều hòa không khí, nội thất chỉ có giường ngủ cá nhân bằng sắt, bàn ghế làm việc đơn sơ, tủ bằng tôn, ngoài ra chẳng có thứ gì khác.

Các nhà chuyên dụng khác (nhà sinh hoạt chung, nhà ăn, nhà vệ sinh) được xây trệt bằng gạch, nền lát xi măng. Bao quanh Trại Davis là nhiều hàng dây kẽm gai khép kín, loại bùng nhùng cuộn tròn. Bên ngoài dây kẽm gai là một vòng các chòi gác và lô cốt cao (20 cái) xen kẽ nhau.

Các lô cốt và chòi gác đều súng máy gắn chĩa nòng vào trại, lính canh nhìn rõ vào bên trong và thay phiên nhau gác suốt ngày đêm. Trước cổng chính của Trại ở phía Nam, phía ngoài hàng rào kẽm gai là doanh trại một tiểu đoàn huấn luyện dù quân đội Sài Gòn.

Quân giải phóng tiến chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trong sáng 30-4-1975. Ảnh: Đinh Quang Thành

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Hiệp định quy định thành lập Ban Liên hợp quân sự bốn bên trong vòng 60 ngày, sau đó là Ban Liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam để bảo đảm phối hợp hành động thực hiện các điều khoản quân sự và việc trao trả người bị bắt cùng vấn đề mồ mả và người mất tích.

Trụ sở hai đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (còn gọi là Đoàn A, do Thiếu tướng Lê Quang Hòa, làm Trưởng đoàn, Đại tá Lưu Văn Lợi và Đại tá Hồ Quang Hóa làm Phó Trưởng đoàn); và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (còn gọi là Đoàn B, do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn, Đại tá Đoàn Huyên, Đại tá Võ Đông Giang và Đại tá Trần Văn Danh làm Phó Trưởng đoàn) trong các Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên trung ương thi hành Hiệp định Paris được đặt tại Trại Davis.

Thành viên các đoàn đại biểu quân sự của ta trong các ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên (của cả Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) gồm các cán bộ, chiến sĩ được chọn từ nhiều đơn vị, nhiều chiến trường khác nhau trong cả nước.

Riêng lực lượng bảo vệ an ninh cho hai đoàn được chọn lựa từ hai nguồn, từ miền Bắc: Bộ Công an và Cục Bảo vệ an ninh Quân đội; từ miền Nam: lực lượng an ninh Trung ương Cục và Phòng bảo vệ Quân giải phóng miền Nam (B2). Hầu hết trong số họ đều là những người biết tiếng Anh, thuộc các cơ quan bảo vệ chính trị, tình báo, kỹ thuật… hành quân từ miền Bắc vào, từ các chiến trường miền Nam, và từ cuộc hội đàm ở Paris trở về.

Trong thời hạn 60 ngày của Ban Quân sự liên hợp bốn bên, tại Trại Davis, hai phái đoàn của ta kiên quyết đấu tranh yêu cầu chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đình chỉ các hoạt động vi phạm nội dung điều khoản của Hiệp định. Ngày 28-3-1973, quân đội Mỹ rút đơn vị viễn chinh cuối cùng khỏi miền Nam Việt Nam, việc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự nước ngoài thực hiện hoàn tất, Ban Quân sự liên hợp bốn bên chấm dứt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, do hành động phá hoại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và quân đội Sài Gòn, dựa vào thế pháp lý của Hiệp định, trên thực tế, Đoàn A tiếp tục cùng với Đoàn B trụ lại đấu tranh dư luận hỗ trợ hoạt động quân sự của Quân giải phóng trên các chiến trường cho đến ngày 30-4-1975.

Ở cương vị được giao, cán bộ chiến sỹ bảo vệ đã luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết, khôn khéo, dũng cảm triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đề bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động đấu tranh ngoại giao cũng như sinh hoạt thường ngày của hai Đoàn quân sự A và B trong Trại Davis.

Đó là giữ bí mật lý lịch các thành viên tham gia Ban Liên hợp quân sự; phát hiện, vô hiệu hóa thiết bị cài cắm quan sát, nghe lén của địch; bảo mật và đấu tranh chống hoạt động phá hoại trên các tần số liên lạc vô tuyến; phá hoạt động tình báo dưới mọi hình thức của CIA và Phòng 2 - Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Lãnh đạo Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với một số cán bộ, chiến sĩ tại Trại Davis ngày 1-5-1975. Ảnh tư liệu

Cắm cờ giải phóng đầu tiên trong sân bay Tân Sơn Nhất

Từ giữa tháng 3-1975, sau khi Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk được giải phóng, tiếp đến là cuộc rút chạy của địch khỏi Tây Nguyên, trên cơ sở phán đoán đoán xu thế tất yếu của Quân giải phóng sẽ tiến vào Sài Gòn, hai Đoàn đại biểu hạ quyết tâm bám trụ chiến đấu tại chỗ, tìm cách trang bị vũ khí, chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men, xây dựng kế hoạch tác chiến.

Lực lượng vệ binh và an ninh vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên, vừa tích cực tham gia đào công sự. Sau khi được Bộ Tư lệnh Miền bí mật cung cấp vũ khí, cả thủ pháo chống tăng (qua chuyến máy bay lên thẳng đặc biệt của Ủy ban quốc tế đến Lộc Ninh đón hai sĩ quan Indonesia và Iran), ngày 18-4, công việc đào công sự và chuẩn bị chiến đấu được triển khai.

Không có cuốc xẻng, hiện trường trống trải, bị các chòi gác của địch vây quanh quan sát, các chiến sĩ phải dùng lưỡi lê, dao găm và những thanh sắt cũ để đào, và đào nhẹ nhàng về đêm, đất đào lên đút dưới gầm các nhà sàn. Tất cả đều đều được bảo vệ bí mật tuyệt đối, lính canh của địch trên hệ thống lô cốt và vọng gác không hề hay biết.

Chưa đầy 10 ngày, toàn bộ công sự đã làm xong. Các giao thông hào đều được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo, lương thực thực phẩm đủ cho 7 ngày. Toàn Trại được bố trí thành 7 khu chiến đấu liên hoàn, có sở chỉ huy, hệ thống hầm, hào giao thông khép kín, ụ chiến đấu và mạng điện thoại thông suốt.

17 giờ chiều 28-4-1975, tốp máy bay A37 từ Phan Rang vào do Phi công nội tuyến Nguyễn Thành Trung dẫn đầu ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, mảnh bom bay sàn sạt qua trại Davis. Khoảng từ 3 giờ sáng ngày 29-4-1975, đạn pháo liên tục dội xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Có đến 25 quả đạn pháo 130 ly và hỏa tiễn rơi vào Trại Davis.

Cũng trong ngày 29-4, từ 11 giờ đến 17 giờ 30, liên tiếp có 3 đoàn đại biểu “lực lượng thứ ba” đến Trại Davis xin gặp đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lực lượng an ninh và vệ binh đã làm thủ tục tiếp dẫn, bảo vệ trong quá trình các đoàn nói trên đến, ở lại và ra về an toàn.

6 giờ sáng 30-4-1975, lực lượng an ninh phát hiện tiểu đoàn dù quân đội Sài Gòn trong doanh trại đối diện trại Davis tháo chạy, các tháp canh và lô cốt đều trống hết lính gác và họng súng. Thực hiện mệnh lệnh của Trường đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Hoàng Anh Tuấn, đơn vị vệ binh bảo vệ và cử người tham gia treo là cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng (được ghép lại bằng 4 khổ vải 80cm) lên tháp nước, vị trí cao nhất trong Trại Davis.

Đúng 9 giờ 30 phút ngày 30-4, lá cờ nửa đỏ nửa xanh tung bay trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ sáng cùng ngày, đơn vị đầu tiên của Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 9, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) vào chào lãnh đạo hai đoàn A và B trong Trại Davis trên đường tiến chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Trại Davis hoàn toàn giải phóng.

Cán bộ bảo vệ an ninh Nguyễn Văn Cẩn và chiến sĩ đội chiếu phim Phạm Văn Lãi của Trại Davis cắm cờ giải phóng đầu tiên lên đỉnh tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Ngày 3-5-1975, Trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Trường đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào thăm và tuyên bố: “Quân uỷ - Bộ Tư lệnh Miền công nhận đơn vị Trại Davis là một tiền tiêu của chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Trại Davis, lực lượng an ninh và bảo vệ tại Trại được điều đến các đơn vị bảo vệ cơ quan Trung ương Cục miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định tại Dinh Đôc lập, và các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước từ Hà Nội vào thành phố Sài Gòn.

Ngày 4-5-1975, một bộ phận an ninh và bảo vệ tại Trại Davis hành quân vào Dinh Độc lập. Tại Dinh Đôc lập, đơn vị an ninh vũ trang bảo vệ các căn nhà tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa, đơn vị bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà nguyên là trụ sở Đảng Dân chủ phía cổng 106 đường Nguyễn Du. Nhiệm vụ của họ bước sang một trang mới, nhưng ký ức trong suốt 823 ngày đêm (từ 28-1-1973 đến 30-4-1975) hoạt động tại Trại Davis thì luôn còn mãi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang