PCCC chung cư ở TP.HCM: Quá nhiều vi phạm khiến dân không thể an tâm

Thứ Ba, 08/05/2018 19:31

|

(CAO) Bộ Công an và Bộ Xây dựng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với 3 chung cư trên địa bàn TP.HCM thì cả 3 chung cư này đều có nhiều sai phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn PCCC.

Đã nghiệm thu PCCC vẫn chưa an toàn!

Chiều 8-5, Bộ Công an tổ chức cuộc họp đánh giá tổng kết công tác kiểm tra liên ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng, các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn TP.HCM.

Thiếu tá Trần Hải Nam, Trưởng phòng Thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an cho biết trong đợt kiểm tra này, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công an làm chủ trì sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ pháp lý quản lý, theo dõi hoạt động PCCC tại cơ sở, nhận thức, kiến thức và kỹ năng PCCC của người dân cũng như của đội PCCC cơ sở; kiểm tra hạ tầng phục vụ công tác PCCC và kiểm tra việc trang bị, thử nghiệm các hệ thống, thiết bị PCCC...

Đoàn kiểm tra phát hiện công tác PCCC tại các chung cư ở TP.HCM còn nhiều bất cập

Trong hai ngày 7 và sáng ngày 8-5, đoàn kiểm tra liên ngành đã đột xuất kiểm tra 3 chung cư tại TP.HCM gồm chung cư Giai Việt nằm trên đường Tạ Quang Bửu (P.5, Q.8) do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư; chung cư Horizon Tower nằm trên đường Trần Quang Khải (Q.1) và chung cư Vạn Đô nằm trên đường Bến Vân Đồn (P.1, Q.4) do Công ty địa ốc FICO làm chủ đầu tư.

Qua kiểm tra, dù cả 3 chung này trước đó đã được cơ quan chức năng nghiệm thu an toàn PCCC nhưng thực tế vẫn còn hang loạt các vi phạm tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn PCCC. Đặc biệt, chung cư Giai Việt bị đoàn kiểm tra “điểm mặt” không đảm bảo an toàn PCCC.

Cụ thể, tại chung cư Vạn Đô dù đã được kiểm tra PCCC vào đầu tháng 4-2018 nhưng khi đoàn kiểm tra làm việc, hàng loạt vi phạm không đảm bảo an toàn PCCC tại đây vẫn tiếp tục bị phát hiện.

Cụ thể, nhiều hạng mục công trình tại tầng trệt và tầng 1 của chung cư này bị chủ đầu tư tự ý cải tạo hoặc hoán đổi công năng thành văn phòng cho thuê, nhà trẻ, nhà kho… mà chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Hành lang hai bên tòa nhà chung cư này cũng bị chủ đầu tư “hô biến” một phần thành bồn hoa, cây cảnh khiến khi xảy ra sự cố cháy nổ, xe cứu hỏa không thể đi vào để tiếp cận được hiện trường.

Chưa kể, chung cư này chưa mua bảo hiểm cháy nổ chung cư đúng theo quy định; chưa lắp đặt đầu báo cháy hoặc đầu phun Sprinler tại phòng kỹ thuật, tại hành lang các tầng; cửa phòng của căn hộ chưa có đèn báo cháy phòng, một số đầu báo cháy không hoạt động; tủ báo cháy còn tín hiệu báo lỗi và chưa kết nối tự động với hệ thống chữa cháy tự động; máy bơm chữa cháy dự phòng chưa được đặt ở chế độ khởi động tự động, van họng chữa cháy bị hư hỏng…

Nhiều thiết bị PCCC tại các chung cư chưa đảm bảo an toàn

Tương tự tại chung cư Giai Việt dù đã đi vào hoạt động được một thời gian dài nhưng đến nay chung cư nay vẫn chưa thành lập ban quản trị chung cư. Công tác PCCC tại chung cư này tồn tại hang loạt các khuyết điểm nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn PCCC.

Cụ thể, mặt tiền phía trước của chung cư bố trí hồ bơi khiến xe chữa cháy không tiếp cận được. Cùng với đó, hệ thống hút khói tại tầng hầm không hoạt động, các màn nước ngăn cháy chưa đảm bảo cường độ phun theo quy định, một số cái còn không hoạt động.

Các đầu phun Sprinler thay vì phun nước xuống lại bị lắp ngược nên phun lên trần nhà. Nhiều phương tiện giao thông sắp xếp cản trở lối thoát nạn. Khu vực phòng kỹ thuật điện nước chưa đáp ứng yêu cầu ngăn cháy lan. Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ…

Đối với tòa nhà Horizon Tower, khu vực phòng thu rác không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, tại tầng hầm và hành lang hệ thống hút khói không hoạt động. Hệ thống chiếu sang và đèn chỉ dẫn thoát nạn chưa được trang bị đầy đủ, một số bị hư hỏng không sử dụng được…

Chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm!

Từ sau vụ cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, công tác PCCC tại các chung cư cao tầng tại TP.HCM được người dân và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vẫn cố tình pớt lờ các quy định đảm bảo an toàn về PCCC.

Đại tá Nguyễn Văn Băng – Phó Giám đốc PCCC TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM hiện có 914 cơ sở chung cư với 1.351 khối nhà. Trong đó, chung cư dưới 10 tầng có 508 cơ sở, chung cư từ 10 đến 29 tầng có 382 cơ sở và chung cư từ 30 tầng trở lên có 24 cơ sở.

Sau vụ cháy chung cư Carina, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn PCCC đối với 552 lượt cơ sở chung cư. Qua kiểm tra đã phát hiện 257 lỗi vi phạm, lập biên bản xử phạt 150 vụ với số tiền trên 800 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 4 chung cư.

Nhiều chủ đầu tư chung cư chưa làm tròn trách nhiệm PCCC

Từ công tác kiểm tra thực tế, đại tá Băng cho rằng một số chủ đầu tư vẫn chưa quan tâm thực hiện nghiêm túc các quy định PCCC như đưa dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC, không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC thường xuyên, không trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC chữa cháy tại chỗ.

“Ngay cả lực lượng PCCC cơ sở cũng còn nhiều yếu kém, thực hành chưa đúng các thao tác sử dụng thiết bị PCCC. Dùng bình chữa cháy mà xịt kiểu nhấp nhấp như tại chung cư Giai Việt thì không thể nào dập tắt được đám cháy nếu có sự cố xảy ra”, đại tá Băng nói.

Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 cũng cho biết sau vụ cháy Chung cư Carina, Q.1 tiến hành kiểm tra gần 10 chung cư, tòa nhà cao tầng phát hiện nhiều tồn tại ở các chung cư, đặc biệt là chung cư cũ.

“Khi đi kiểm tra thực tế các chung cư như 12-14 Nguyễn Thị Nghĩa, chúng tôi lên tầng thượng nhưng không có một lối thoát nào. Một số nước phát triển đã bắt buộc các chung cư cần có lối thoát hiểm ngoài trời.

UBND Q.1 mong Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ quy định buộc các chung cư, tòa nhà xây mới cần có cầu thang thoát hiểm ngoài trời. Có như vậy khi cháy người dân chỉ cần chạy ra lối thoát hiểm ngoài trời là thoát nạn”, ông Hải đề xuất.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tiếp – Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an cho rằng qua nhiều lần kiểm tra các địa phương trên cả nước nhận thấy một tồn tại là các cơ quan chức năng “kiểm tra cứ kiểm tra” nhưng chủ đầu tư có khắc phục hay không lại là chuyện khác, chính vì vậy nên chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư làm theo kiểu đối phó cho có.

“Như ở chung cư Vạn Đô, bảng chỉ dẫn thoát hiểm gắn tại các vị trí khó thấy khiến cư dân không biết đường nào để chạy khi sự cố xảy ra, thậm chí một số bảng thoát hiểm chỉ thẳng ra khu vực…đậu ô tô?! Các bảng nội quy thông báo PCCC thì được mua sẵn ngoài thị trường về gắn vào cho có lệ, không đúng thực tế”, ông Tiếp nói.

Đoàn công tác đánh giá thực trạng PCCC tại chung cư tại TP.HCM

Đồng tình quan điểm trên, ông Huỳnh Cách Mạng - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết qua kiểm tra thực tế thấy năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế thiếu sót, chưa làm đầy đủ trách nhiệm phục vụ cư dân khi thiếu và yếu trong công tác PCCC cứu nạn cứu hộ.

Thời gian tới UBND TP.HCM sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan xử lý và công bố công khai những chung cư không an toàn PCCC. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền để các nhà đầu tư, người dân nâng cao ý thức PCCC.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho rằng trước thực trạng đáng báo động về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng…

Cảnh sát PCCC TP.HCM cần chủ động phối hợp với các sở ngành đề xuất những giải pháp giải quyết dứt điểm, khắc phục cho được những tồn tại về an toàn PCCC tại những chung cư vừa được phát hiện. Trong quá trình qui hoạch tổng thể cần chú trọng qui hoạch hạ tầng PCCC, thiết lập các điều kiện đảm bảo về giao thông, về phương tiện phòng cháy.

Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra kịp thời để phát hiện hệ thống PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng có vận hành đảm bảo công tác chữa cháy khi sự cố xảy ra hay không.

Bình luận (0)

Lên đầu trang