Sáng 5/5, UBND TPHCM đã khai mạc Hội thảo Khoa học "Định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các Bộ ngành, các nhà khoa học.
Đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người tại TPHCM khoảng 37.000 USD
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là hội thảo quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương về những giải pháp lớn phát triển TPHCM, là cơ sở để đặt ra những yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh hội thảo
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Tỷ trọng các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại; ngày càng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, giảm dần ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được nâng lên, giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của TP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước.
Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, TP vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và vẫn đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TP đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020, điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế TPHCM.
Với những điểm sáng nêu trên, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: TP đã chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và đề ra mục tiêu trung và dài hạn như: đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030 sẽ là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Về tầm nhìn đến năm 2045, TP sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Để triển khai hiệu quả những định hướng đó, TP nhận thức cần phải phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của TP. Tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển TP trong bối cảnh mới và cụ thể các mô hình, giải pháp này như là một đầu bài trong nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, việc tổ chức Hội thảo hôm nay là một trong số nhiều giải pháp để TP lắng nghe các ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học,… nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TPHCM, đưa TP hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: TP trân trọng mọi ý kiến và xem những ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học,… là động lực quan trọng để TP tiếp tục hoàn thiện mình hơn, sớm trở thành đô thị thông minh, TP sáng tạo, TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Gần 90 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết: Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, các sở ngành, quận huyện, Bộ Tư lệnh Quân Khu 7, các doanh nghiệp gửi về. Đây là nguồn tài liệu quý giá bước đầu để TP làm dữ liệu đầu vào, phục vụ cho nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung các bài tham luận được phân chia thành 10 lĩnh vực chính, trong đó có một số nội dung chính là: Đề cập đến khát vọng, triển vọng phát triển kinh tế TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, nội dung các bài viết thể hiện sự phát triển của TP cần theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Định hướng cơ cấu kinh tế TP trên quan điểm kinh tế vùng, thể hiện vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đưa ra triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và mô phỏng kinh tế - tài chính bằng việc phát triển điện toán lượng tử hay ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh, xã hội số.
Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận một số định hướng chiến lược về phát triển TP Thủ Đức, xứng tầm là cực tăng trưởng mới của một TP trong lòng TP và trong mới liên kết các đô thị Vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời cũng ghi nhận một số bài tham luận đề cập đến kinh tế tuần hoàn, trong đó gợi ý một số chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực TPHCM, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, một số giải pháp để thu hút các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới trên cơ sở kiến tạo cơ chế huy động những nguồn lực quan trọng như thu hút vốn FDI bền vững, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội. Ngoài ra, hội thảo ghi nhận các nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững, an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội TP, mô hình bệnh viện thông minh, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, định hướng phát triển ngành cấp nước TP…
Lãnh đạo TPHCM chủ trì hội thảo
Phát triển TPHCM phải gắn với phát triển Vùng
Nêu một số ý kiến xoay quanh vấn đề: Làm gì để TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước? Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng: thách thức đối với sự phát triển của TPHCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cảng về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế; phải làm thế nào TP trở thành “một điểm đến” thu hút các doanh nghiệp toàn cầu; là điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TP.
Theo TS Trần Du Lịch, giải quyết các vấn đề phát triển đô thị sẽ tạo động lực phát triển kinh tế. Trong vài thập niên tới một siêu đô thị của “Vùng TPHCM” sẽ hình thành. Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là phải triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng đô thị TPHCM. TP là hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do vậy, các quy họach, định hướng phát triển của TP phải gắn kết chặt chẽ với toàn Vùng. Đồng thời, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “Phát triển kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong đó, khi lập quy hoạch Vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, đối với một Vùng kinh tế trọng điểm cần liên kết phát triển 4 nội dung là: Quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; Liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; Liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung.
Thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực khi định hướng phát triển kinh tế TP trong 10 năm tới phải phát triển trên nền tảng công nghệ số. “Trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Đó là sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối Vùng và cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP.” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo
Chú trọng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực
Từ thực trạng, dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực của TPHCM, GS.TS Nguyễn Thị Cành nêu một số giải pháp phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho TPHCM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kinh tế số. Đó là, TPHCM cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do TP quản lý.
Theo đó, cần phân loại sắp xếp tầm quan trọng các cơ sở đào tạo theo ngành đào tạo mà nhà nước phải đầu tư, ngành học do thị trường quyết định qua các cơ sở đào tạo tư nhân. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa cung và cầu của nguồn nhân lực hiện nay, TP có thể đưa ra cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động (phối hợp ba nhà: nhà trường - nhà doanh nghiệp hay đơn vị sử dụng lao động và nhà nước). Liên kết này được gọi là các chiến lược và chính sách phát triển và đào tạo nguồn nhân lực dựa trên sự hợp tác với doanh nghiệp.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép trao đổi dữ liệu chất lượng cao và hạ tầng chất lượng cao thông qua các cảm biến, máy chủ lớn, trung tâm dữ liệu và hệ thống bảo mật đáng tin cậy, TP có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng khả năng nền tảng kỹ thuật số. Áp dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đòi hỏi phải có tài năng kỹ thuật và trình độ của lực lượng lao động liên quan đến phát triển phần mềm, hệ thống thông tin và phân tích dữ liệu…
TS Nguyễn Thị Cành cũng cho rằng, TP cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề có sự thay đổi mạnh về mô hình kinh doanh, xuất hiện các ngành nghề mới. Các chính sách có thể bao gồm hỗ trợ những người có khả năng đào tạo lại, đào tạo mới, để thích nghi với mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới và chính sách an sinh xã hội cho những người lao động không có khả năng chuyển đổi.
Đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn TPHCM cần nâng cao vai trò chủ động của mình thông qua nắm bắt các thay đổi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng, về các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của những thay đổi trong thực tế.
Công tác quy hoạch để chuyển thể những khát vọng phát triển
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những ý kiến rất hữu ích và ghi nhận tất cả các ý kiến, góp ý, hiến kế để nghiên cứu, chuyển hoá thành những giải pháp cụ thể, đưa vào công tác lập nhiệm vụ quy hoạch của TP.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận hội thảo
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng thông tin là hiện nay, TP đã lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án, Hội đồng thẩm định dự toán nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời, giao Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện và TP Thủ Đức hoàn chỉnh Đề cương và xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, dự toán kinh phí lập quy hoạch.
Qua buổi hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Viện Nghiên cứu Phát triển, hệ thống lại các ý kiến góp ý, hiến kế của các đại biểu, phân nhóm theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề và chuyển thể thành đầu bài đặt ra cho công tác lập quy hoạch TP. Đồng thời, mời gọi các đơn vị tư vấn, uy tín trong và ngoài nước tham gia lập quy hoạch TP. Kinh phí có thể một phần ngân sách và một phần xã hội hóa để công tác quy hoạch phải đạt chất lượng cao nhất, chuyển tải được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TPHCM.
Đối với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần cung cấp thông tin quy hoạch và hỗ trợ Viện Nghiên cứu Phát triển trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch TPHCM, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã triển khai đối với lập nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương rà soát và đánh giá việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2631 ngày 31 tháng 12 năm 2013. Đồng thời, đề xuất các lĩnh vực, ngành nghề theo thứ tự ưu tiên để đưa vào đầu bài lập nhiệm vụ quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Hiện nay, TP đang chuyển mình trở thành đô thị sáng tạo, TP thông minh và TP mong muốn thông qua công tác quy hoạch để chuyển thể những khát vọng phát triển của mình. Trong đó, những ý kiến góp ý, hiến kế tại Hội thảo hôm nay là rất quan trọng, là những tư liệu hết sức quý giá để TPHCM áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của TP, là đầu bài để lập quy hoạch TP thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.