Các ý kiến ghi nhận được thông qua các cuộc tiếp xúc cử trước kỳ họp của các đoàn đại biểu Quốc hội và qua nắm bắt tình hình nhân dân của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch ký báo cáo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, bên cạnh sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước những biến động kinh tế - xã hội, như áp lực gia tăng lạm phát; giải ngân vốn đầu tư công chậm...
Cử tri và nhân dân băn khoăn, quan tâm, lo lắng về các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản; tình trạng người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm thu nhập gia tăng... Lưu ý "kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc", cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, triển khai hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản...
Đề cập đến các vấn đề xã hội, cử tri rất lo lắng về tìng trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp; lo lắng việc tuyển sinh đầu cấp, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10... Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan liên quan xem xét lại việc quy hoạch trường lớp, tăng tỷ lệ học sinh vào trường THPT công lập.
Bản tổng hợp kiến nghị còn cho thấy cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư.
Nhiều người dân đầu tư vào trái phiếu, bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ... nay có thể gặp rủi ro, nhất là các hợp đồng mua nhà của các chủ đầu tư ở các khu đô thị; hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng các thẻ kỳ nghỉ... vì những hợp đồng này đều được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, nhưng sau đó lại thêm điều khoản có lợi cho bên bán, cho chủ đầu tư.
Trong khi đó, còn xuất hiện tình trạng nhiều chủ đầu tư, lấy danh nghĩa tri ân cho người mua khi bán hàng, sau bán hàng, khi tổ chức vận hành cắt giảm, khai thác không đúng, thay đổi thiết kế, công năng, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người đầu tư nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng chưa thực sự yên tâm.
Từ thực tế trên, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ..., có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bị thu hồi dự án do chậm tiến độ đã kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (mà gần đây nhất là các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh...).
Cử tri còn kiến nghị cần công khai các dự án sử dụng đất để quá hạn chưa thực hiện đầu tư, đầu tư kéo dài, hiện tượng làm giả đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm ảnh hưởng lũng loạn thị trường nhất là thị trường bất động sản.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, theo cử tri, còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Có hiện tượng cấp vượt hạn mức, một mảnh đất cấp nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi sai mục đích; hiện tượng một số địa phương đang tranh thủ trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thực hiện quy hoạch các dự án, có dự án được quy hoạch với diện tích đất nông nghiệp chuyển quy hoạch thành khu công nghiệp rất lớn, cần có giải pháp căn cơ để quản lý chặt chẽ, hạn chế các tiêu cực xảy ra trong công tác này.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cử tri và nhân dân mong muốn tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt kiên trì, đồng bộ các giải pháp, có cơ chế thưởng phạt phân minh. Có cơ chế để không thể, không cần, không muốn, không dám tham nhũng, tiêu cực...
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3 Nghị quyết cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua là Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Ngoài ra, Quốc hội còn cho ý kiến về 9 dự án luật khác và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Như xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021...
Xin ý kiến Quốc hội chọn thành viên Chính phủ trả lời chất vấn
Tổng Thư ký Quốc hội vừa gửi phiếu xin ý kiến đại biểu, lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Đề xuất này được dựa trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn các vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn.
Theo đề xuất được đưa ra, nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ với phần trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nội dung được quan tâm gồm: chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập... cũng được đặt ra.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông.
Nhóm vấn đề 2 thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, gồm: việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tụ ccác dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH...
Cùng tham gia trả lời, giải trình các vấn đề liên quan với Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao.
Nhóm vấn đề tiếp theo là lĩnh vực dân tộc, với người trả lời chính là Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc.
Nội dung gồm trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025)...
Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... cũng được đề cập đến.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Xây dựng, LĐ-TB&XH, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam là các thành viên Chính phủ tham gia hỗ trợ trả lời.
Ở nhóm vấn đề 4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sẽ trả về giải pháp phát triển nguồn nhân lực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ...) cũng chờ Bộ trưởng ngành LĐ-TB&XH.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cùng tham gia giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề 5 là lĩnh vực giao thông vận tải với các vấn đề đặt ra, gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Trách nhiệm trả lời thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Hoạt động chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, từ 6/6 đến sáng 8/6 tới đây.