(CATP) Chỉ một thời gian ngắn sau khi rút tàu khảo sát và thăm dò địa chất cùng với các tàu hộ tống có vũ trang ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc lại đưa các tàu ấy vào thực hiện các hoạt động khảo sát và thăm dò. Lần này, việc tác nghiệp được thực hiện ở các địa điểm còn nằm sâu hơn về phía bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Hành động của Trung Quốc cho thấy họ ngày càng tỏ ra ngang ngược, trắng trợn chà đạp lên luật pháp quốc tế và coi thường dư luận thế giới.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng chính thức khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và đạo lý để tuyên bố có chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn giải quyết các bất đồng với các nước liên quan đến các quyền lợi trên Biển Đông, đặc biệt là với Trung Quốc, bằng các phương thức hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục có những hành vi thể hiện sự thiếu thiện chí đáp ứng yêu cầu chính đáng và hợp lý của chúng ta. Thậm chí, nhiều hành vi của họ cho thấy ý đồ xâm lấn, chiếm đoạt bằng mọi cách, kể cả dùng vũ lực.
Riêng các động thái đưa tàu khảo sát và thăm dò địa chất vào tác nghiệp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thật sự là việc xâm hại các quyền và lợi ích hoàn toàn hợp pháp, được thừa nhận rộng rãi của quốc gia Việt Nam. Hành vi đó là sự vi phạm hiển nhiên đối với các quy định rành rành tại Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên.
Với kiểu ứng xử đó, Trung Quốc khiến người ta nghĩ rằng họ đang muốn đẩy thế giới vào tình trạng vô trật tự, không luật pháp, đúng hơn là trở lại thời kỳ hoang sơ đặc trưng bởi sự thống trị của thứ trật tự nguyên thủy dựa vào sức mạnh cơ bắp.
Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng và mạnh mẽ lên tiếng phản đối các hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Phía Mỹ đã công khai phê phán hành vi của Trung Quốc, được cho là có tính chất hăm dọa đối với những quốc gia tuyên bố có quyền khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Thủ tướng Australia, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, cũng đã chính thức khẳng định rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, trong đó gồm các nguyên tắc cơ bản liên quan đến tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo cho các quốc gia được khai thác tài nguyên trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, người Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình để góp phần xây dựng một thế giới không có xung đột vũ trang, không có hiềm khích, thù hận giữa các dân tộc; kiến tạo một không gian mà trong đó cộng đồng nhân loại cùng nhau chung hưởng phúc lợi.
Chúng ta luôn mong muốn thiết lập và duy trì quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia trên căn bản cùng có lợi. Đặc biệt trong quan hệ với các quốc gia láng giềng, sự hữu hảo luôn phải gắn chặt với điều kiện tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Hành động vừa qua của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đi ngược với xu thế tiến bộ, đồng thời mang tính khiêu khích, xâm lấn bá quyền hết sức nguy hiểm. Chúng ta nghiêm khắc lên án và đòi hỏi phia Trung Quốc phải chấm dứt ngay hành động đó.
(CAO) Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
TS.NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Trường Đại học Kinh tế - Luật ĐHQG TPHCM)