(CAO) Ngày 21-8, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi tiếp Đoàn công tác số 1 khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư tại Đảng ủy Công an Trung ương, do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW làm Trưởng đoàn.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ: Thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp trong Công an nhân dân (CAND), Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo theo tinh thần, định hướng của Nghị quyết số 49, qua đó đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hoạt động của lực lượng CAND; đặc biệt là các cơ quan điều tra và đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp; chất lượng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được nâng cao một bước, tỉ lệ án oan, sai, thời hạn tố tụng hình sự bị kéo dài có nguyên nhân từ hoạt động điều tra giảm cơ bản.
Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, góp phần bảo đảm cho các quyết định, bản án của tòa án các cấp được thực hiện nghiêm minh, phục vụ đắc lực hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng từ hoàn thiện cơ sở pháp lý đến tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế trong phòng, chống tội phạm; góp phần bảo đảm thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta…
Qua 10 năm triển khai thực hiện chỉ thị số 33, nhận thức của cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND về vai trò, vị trí của tổ chức và hoạt động của luật sư đã được nâng cao, quyền và nghĩa vụ của luật sư được bảo đảm theo đúng pháp luật của tố tụng, hoạt động phối hợp giữa lực lượng CAND và đội ngũ luật sư trong công tác điều tra, xử lý vụ án có nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an, thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức luật sư hoạt động tham gia vào quá trình điều tra, truy tố, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33; từ đó đề xuất mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trong thời gian tới nhằm tiếp tục xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, lực lượng Công an nói chung và các cơ quan tư pháp của Bộ Công an nói riêng đã có những đóng góp rất lớn trong công tác hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, luật sư và hỗ trợ tư pháp.
Chất lượng hiệu quả, công tác điều tra tội phạm và thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp trong CAND không ngừng được nâng lên và có bước tiến lớn. Đồng thời, nhấn mạnh, Nghị quyết số 49 và Chỉ thị số 33 đã đóng góp quan trọng việc phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua và góp phần hạn chế oan, sai, khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự.
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, lực lượng Công an cần xác định đúng vai trò, vị trí, khó khăn, vất vả của cơ quan điều tra và hoạt động điều tra thi hành án; của người bào chữa và hoạt động bào chữa, của kiểm soát hoạt động tư pháp để đào tạo bồi dưỡng; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho đúng mức cả về nhân lực, kinh phí và chế độ…
Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin để chấn chỉnh, xây dựng và xử lý vi phạm của cơ quan và người tham gia tố tụng, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và người bào chữa. Chống oan, sai cần đi liền với chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường phân cấp, phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” cũng như việc ban hành chỉ thị mới về luật sư, về công tác cải cách tư pháp.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trên cơ sở buổi làm việc, Đảng ủy Công an Trung ương sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác để khẩn trương hoàn thành Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 49 trong CAND và có Báo cáo tổng kết của Đảng ủy Công an Trung ương gửi Ban Nội chính Trung ương phản ánh tổng quan kết quả triển khai công tác cải cách tư pháp trong CAND 15 năm qua, đồng thời đề xuất, kiến nghị phương hướng cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an tiếp thu và phối hợp với cơ quan Thường trực Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 của Ban Nội chính Trung ương để hoàn thiện việc tổng kết và xây dựng Báo cáo chung của Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 33, phản ánh đầy đủ về kết quả lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư thời gian qua để có chủ trương, định hướng phù hợp trong thời gian tiếp theo.