Thanh niên Công an nhân dân thấm nhuần Di chúc của Bác

Thứ Tư, 21/08/2019 16:41

|

(CATP) Nhận thức sâu sắc “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ - những con người mang sức sống tràn đầy, khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giáo dục thanh niên bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của mình, kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ thanh niên tham gia cách mạng, mà còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để lớp người trẻ được học tập, lao động, cống hiến...

Tuổi trẻ CAND làm cầu tạm giúp dân vượt qua mưa lũ mới xảy ra ở Thanh Hóa

Theo Người, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp phát triển và xây dựng đất nước. Đồng thời, Người đánh giá cao thanh niên Việt Nam: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.

Từ đó, Người khẳng định trọng trách của Đảng đối với giáo dục, đào tạo thanh niên: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ là công việc ngày một ngày hai, không phải là công việc của một cá nhân, tổ chức nào mà là một nhiệm vụ chung của toàn dân tộc, ảnh hưởng đến vận mệnh tương lai của nước nhà. Giá trị của Di chúc là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân. Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, chăm lo nhiều hơn đối với thế hệ trẻ.

Hòa chung vào tinh thần phấn đấu thi đua sôi nổi của thanh niên cả nước, tuổi trẻ Công an nhân dân đã khẳng định những đóng góp to lớn: gần 15 nghìn cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh, hơn 5 nghìn đồng chí đã hiến dâng một phần xương máu, hàng trăm đồng chí bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man, trong đó có nhiều tấm gương bất diệt đã để lại sự khâm phục, tự hào trong nhân dân, như: Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu; Anh hùng, Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi (Công an Hà Nội); Anh hùng, liệt sĩ Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên); Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Hoàng (Ban bảo vệ Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh)...

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của thanh niên Công an nhân dân, trong giai đoạn hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc quán triệt thực hiện và vận dụng Di chúc của Người ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Thanh niên Công an nhân dân đã tích cực nêu cao tinh thần xung kích, mưu trí, sáng tạo, tình nguyện trong công tác, chiến đấu, học tập và rèn luyện, lập được nhiều chiến công, góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong quá trình học tập, rèn luyện đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu như: Thiếu tá Hoàng Ngọc Anh (SN 1982, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Đội 3), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hà Nội). Đại úy Phạm Văn Dân (SN 1983, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng PC45, Công an tỉnh Hải Dương). Đại úy Hoàng Quang Trung (SN 1983, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, K20). Học viên Bùi Duy Trung (sinh năm 1996, Học viên lớp B13 - D40, Học viện Cảnh sát nhân dân)...

Để thực hiện lời căn dặn của Bác, ngoài nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi thanh niên cần tự giác học tập và rèn luyện theo Di chúc gắn liền với Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, theo đó, hình thành quan điểm sống tích cực, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, nhân dân, phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” nhằm phấn đấu vượt qua thử thách, khó khăn để trưởng thành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang