Đấu tranh giữ vững chủ quyền bằng nhiều biện pháp phù hợp

Thứ Hai, 21/10/2019 10:43

|

(CAO) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (21-10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội

Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Người đứng đầu Chính phủ nói và khẳng định: Tốc độ tăng tổng sản, theo đó, tổng sản phẩm quốc hội (GDP) cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

Đáng chú ý, trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD; Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).

Người đứng đầu Chính phủ thông tin, Việt Nam đã tập trung tháo gỡ khó khăn nhiều mặt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với nhiều dự án lớn được triển khai mạnh mẽ.

“Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018” - Thủ tướng cho biết.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Về kế hoạch năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm 2020, dự kiến GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Cùng với nhiệm vụ phát triển KTXH, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

“Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao” – Thủ tướng phản ánh và khẳng định: Đảng, Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

“Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước” – Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang