(CAO) Theo đại biểu Ma Thị Thúy, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Vấn đề bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Các đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang), Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)… đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì việc tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, việc áp dụng biện pháp này sẽ dẫn đến vi phạm quyền con người và các nguyên tắc xử phạt, không phân hóa rõ ràng được trách nhiệm hành chính. Đồng thời, việc cung cấp dịch vụ điện nước thực hiện theo hợp đồng dân sự, được ký kết giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này không thể hiện tính nhân văn và chưa thuyết phục, tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm quy định trong Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc: việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.
Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) chỉ rõ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Hiện nay, đã có một số biện pháp cưỡng chế nhưng căn cứ vào thực tế tại một số lĩnh vực nhất định thì các biện pháp này là chưa đủ. Vì vậy, việc bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước là cần thiết, nhưng phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực.
Theo đó, chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường và có điều kiện, hình thức đi kèm. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn về tính khả thi vì việc ngừng cung cấp điện, nước chắc chắn có liên quan đến những người xung quanh. “Phương án này cần gắn với trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ điện, nước thì mới đảm bảo tính khả thi”, đại biểu phân tích...