Kỷ niệm nghề báo:

Tiếc thương Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, nhớ về cuộc cứu hộ ở Đạ Dâng

Thứ Tư, 21/10/2020 21:53

|

(CAO) Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng 12 CBCS vào ngày 13-10 vừa qua, để lại niềm tiếc thương với nhiều người.

Ngày 17-10-2020, Chủ tịch nước có Quyết định số 1819/QĐ-CTN về việc truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) kiêm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự Quốc gia.

Ông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng 12 cán bộ, chiến sĩ vào ngày 13-10 vừa qua, để lại niềm tiếc thương với nhiều người.

"Người hùng" thầm lặng

6 năm trước, ông có mặt tại thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương - Lâm Đồng) tham gia chỉ huy lực lượng công binh cứu hộ cứu nạn (CHCN), giải cứu thành công 12 công nhân bị kẹt trong đường hầm dẫn nước của công trình thủy điện này do sập hầm.

 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng. Ảnh: QĐND

Thời điểm này, tôi được Ban Biên tập Báo Công an TP.Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đến hiện trường cập nhật những tin tức, diễn biến về công tác CHCN gửi về toà soạn, chuyển đến bạn đọc cả nước đang trông ngóng từng chút thông tin, hi vọng.

Suốt 4 ngày diễn ra cuộc giải cứu với đầy những tình huống căng thẳng đến nghẹt thở của các lực lượng CHCN, sự chỉ đạo, chỉ huy sát sao, quyết liệt không kể ngày đêm của lãnh đạo, chỉ huy các ngành, các cấp (từ ngày 16 đến 19-12-2014), lúc 16h50 phút ngày 19-12, tay tôi run lên khi gõ những dòng chữ đầu tiên về cuộc giải cứu thành công, an toàn 12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm (11 nam, 1 nữ).

Họ được các lực lượng bế, cõng đưa ra khỏi hầm; sợ hãi, run rẩy, vui mừng, oà khóc vì được cứu sống, được nhìn thấy bầu trời sau 4 ngày đêm trong bóng tối. Những cảm xúc vỡ oà, đan xen lẫn lộn ập đến với cả ngàn người có mặt tại hiện trường. Tim tôi đập mạnh, đôi bàn tay luống cuống gõ trên máy tính những dòng thông tin và điện báo về Tòa soạn.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn và tiếp tục cả đêm đó, chúng tôi phải kịp có nhiều tin, bài, nhiều thông tin để Ban Biên tập duyệt đăng trên báo điện tử và báo in với đầy ắp các hình ảnh sống động, chân thực nhất về cuộc giải cứu 12 nạn nhân đầy xúc động, kịch tính này.

Áp lực với đôi tay, con chữ nặng nề nhưng niềm vui, hạnh phúc lấn át đi tất cả. Ban Biên tập động viên những phóng viên, cộng tác viên của báo đang tích cực tác nghiệp từ hiện trường, định hướng những nội dung truyền tải.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng được các nhà báo và nhiều người dân vây quanh chia sẻ niềm vui khi ông tham gia chỉ huy lực lượng công binh đào hầm, góp phần quan trọng vào việc giải cứu thành công 12 công nhân ở thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng) năm 2014. Ảnh: Viết Hảo

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, năm 2014, từng được giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng quân đội tham gia CHCN vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã hy sinh tại khu vực Trạm kiểm lâm 67 cùng 12 CBCS khi trên đường đi cứu hộ các nạn nhân bị sạt lở vùi lấp tại thủy điện Rào Trăng 3. Các anh không trở về, để lại nỗi mất mát lớn lao không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân, đồng bào, đồng chí! Thông tin Đại tá Nguyễn Hữu Hùng thiệt mạng thực sự là tin sốc, tiếc nuối - với cả những người từng chỉ một lần gặp gỡ, tiếp xúc với ông.

Còn nhớ, lần giải cứu 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, những ngày đó, trời cũng đổ mưa, đường hầm tối (sau được thiết kế ống dẫn lưu thông không khí). Suốt 82 giờ, tính mạng của các nạn nhân "ngàn cân treo sợi tóc".

Lực lượng công binh có mặt sau 2 ngày xảy ra sự cố, trong khi các lực lượng CHCN khác của Bộ Công an, Công an Lâm Đồng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (KTV)... có mặt từ những ngày đầu, thực hiện các công tác cấp bách như: thông ống dẫn không khí, tiếp tế lương thực cứu đói cho các nạn nhân; đào, khoan hầm... theo sự chỉ đạo, chỉ huy của lãnh đạo địa phương và các Bộ, ngành Trung ương.

Do đường hầm hẹp; sụt lún vì địa chất lẫn đá, cát; không thể đưa các máy móc hiện đại vào; ban đầu, các lực lượng CHCN đào một đường thẳng xuyên hầm. Họ đào miệt mài suốt ngày, đêm 16, 17 và dự kiến tiến độ phải 3 ngày nữa (tức ngày 20-12-2014) mới có thể tiếp cận các nạn nhân; nhưng đó là khi "thiên thời địa lợi", trời không mưa, hầm không bị mưa gây sụt lún, nước trong hầm không dâng lên cao vượt hơn 1m nữa và các nạn nhân còn đủ sức chờ đợi.

Hình ảnh ngày cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng (ngoài cùng, bên trái) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 (hàng đầu, bên trái) khi cùng đoàn công tác vào thuỷ điện Rào Trăng 3 để tìm cách cứu 17 công nhân mắc nạn. Ảnh cắt từ clip

Rạng ngời những chiến công!

Rạng sáng 18-12, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khi đó mang quân hàm Đại tá, cùng 60 cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 249 và Tiểu đoàn 93, Lữ đoàn 293 (sau tăng cường thành 110 người), là những đơn vị chủ lực đào hầm vào đến hiện trường; niềm hi vọng với các lực lượng CHCN, với hầu hết những ai có mặt tại hiện trường như được tăng thêm niềm tin, sức mạnh.

Lực lượng hùng hậu, chuyên nghiệp khiến không khí ở hiện trường bớt căng thẳng. Lãnh đạo địa phương, chỉ huy các lực lượng CHCN khác lại nghĩ ra nhiều phương án để sớm tiếp cận các nạn nhân, đưa thêm không khí vào hầm tối, như khoan hầm (khoan ngang và từ đỉnh), nhưng đều gặp thất bại do gặp phải đá tảng, đá xanh làm nhiều mũi khoan bị gãy. Các lực lượng vừa đào hầm, vừa gia cố, chống đỡ, vừa di chuyển đất, cát, đá ra khỏi hầm. Lực lượng đông, nhưng không có chỗ đứng, di chuyển ở cửa hầm nên các anh thay ca... Những người bên ngoài chỉ biết chờ đợi, động viên, hi vọng.

Chúng tôi khi đó cùng nhiều đồng nghiệp các báo "bám trụ" suốt 4 ngày tại hiện trường, những ngày sau đó chứng kiến Đại tá Nguyễn Hữu Hùng và các vị chỉ huy, chỉ đạo công tác CHCN ở hiện trường đều căng thẳng, hạn chế phát ngôn. Họ đang căng não tìm giải pháp, chịu áp lực lớn trước tính mạng của 12 công nhân; dư luận, đồng bào cả nước đang dõi theo từng giờ, từng phút.

10h ngày 18-12, ông Hoàng Trung Hải - khi đó là Phó Thủ tướng thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo, nói rằng: "Các đồng chí ở Trung ương và cả tôi, các anh nữa, ai cũng sốt ruột quá rồi, còn phương án nào nhanh hơn không? Tiến độ, tiến độ hơn nữa...". Đại tá Nguyễn Hữu Hùng khi đó nêu ý kiến, chia lực lượng, đào theo hai hướng, công binh hướng trái, đội thợ mỏ - KTV hướng phải, quyết tâm rút ngắn nhất thời gian dự kiến. Phương án này được Phó Thủ tướng đồng ý.

Tôi khi đó có mặt tại buổi họp khẩn cấp, đầy căng thẳng này, nghe những chỉ đạo của lãnh đạo các cấp chỉ huy, sau đó đã cùng đồng nghiệp thông tin về phương án sẽ đào hầm theo 2 hướng (trái, phải) thay vì đào thẳng như 2 ngày qua, mà vẫn không hiểu hết sự dám nghĩ, dám làm của vị thủ lĩnh lực lượng công binh ở hiện trường.

Sau đó, một lãnh đạo ngành Công an đã chia sẻ với tôi rằng: "Chính việc chia lực lượng đào 2 ngách hầm (trái, phải) như thế mới tận dụng tối đa nhân lực, có sự cạnh tranh giữa các lực lượng, nhưng vẫn hỗ trợ được nhau; dễ xảy ra rủi ro và đòi hỏi những kinh nghiệm để tránh, "vá" được rủi ro (nếu có). Áp lực lớn lắm, trách nhiệm của người chỉ huy rất nặng nề. Nhưng vào thời điểm đó, đó là một ý kiến táo bạo, nhanh nhất để móc đất thông hầm, tiếp cận các nạn nhân được sớm nhất".

Lễ viếng, truy điệu 13 CBCS hy sinh

Quả nhiên sau đó, các lực lượng tích cực xuyên đêm đào hầm, lúc 17h40 ngày 19-12, lực lượng công binh đào hầm ngách trái đã "gặp may" khi đang đào thì một tảng đất khổng lồ phía trên và trước mặt đổ ụp xuống. Các anh hét lên, không phải bị đất đè đau mà vì "trong cái rủi có cái may", tảng đất đổ sụp, lộ ra khoảng trống lớn, khiến các anh tiếp cận được với 12 công nhân mắc nạn sớm hơn so với dự kiến thông hầm (kế hoạch trong đêm hoặc sáng 20-12).

Họ vứt hết cuốc xẻng, lao vào giải cứu các nạn nhân trong tiếng hò reo vỡ oà niềm hạnh phúc! "Chiến dịch giải cứu" của lực lượng công binh đã làm nức lòng đồng bào cả nước.

Đại tá Hùng khi đó được rất đông cánh báo chí tìm gặp, phỏng vấn. Ông bắt tay siết chặt từng người và cười thật tươi thân thiện. Nụ cười rạng rỡ vì ông đã thành công với tính toán của mình. Ông nói rằng, đó là biện pháp tốt nhất để đưa các nạn nhân thoát ra ngoài sớm nhất. Ông cũng cho biết, kể từ khi có mặt, nhận thấy kích thước cửa hầm quá chật hẹp, khó đưa máy móc vào; cùng đó điều kiện tự nhiên khó khăn, mực nước ngầm dâng cao sau mỗi trận mưa, đất đá phong hóa nặng, đất lẫn cát... nên đã chỉ đạo lực lượng công binh áp dụng phương pháp “hầm trong cát”. Đây là phương pháp thủ công là chính, nhưng phải khoa học, nhằm tránh những địa chấn có thể làm sập hầm.

“Chúng tôi đề xuất phương án đi mở theo đường ngắn nhất, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn có thể ập đến và đã thành công. Đây cũng là kết quả của sự chuẩn bị tốt, sự huấn luyện, rèn quân, nuôi quân tốt của bộ đội để xây dựng ý chí quyết tâm, bản lĩnh của người lính. Ở trong căn hầm có nguy cơ sụt lún, lại ngập nước, đất đá phong hoá... nếu không có ý chí quyết tâm, không dũng cảm thì thông thể đảm nhiệm công việc...", Đại tá Hùng khi đó chia sẻ. Ông để lại ấn tượng với chung tôi bởi phong thái điềm đạm, chừng mực, thân thiện.

Thật đáng tiếc, một cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, là tấm gương sáng đã hy sinh! Ông và các đồng đội của mình mãi trở thành niềm tự hào của lực lượng vũ trang Việt Nam!

Ngày 16-10-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ đối với 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3. Truy tặng Huân chương Dũng cảm cho 2 cán bộ hy sinh là ông Nguyễn Văn Bình - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và ông Phạm Văn Hướng - Trưởng phòng Phòng Thông tin Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký quyết định về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 22 chiến sĩ Đoàn kinh tế Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ giúp dân tại huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, ngày 17-10 vừa qua.

Trạm Kiểm lâm Sông Bồ, Tiểu khu 67 trước khi xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp khiến 13 CBCS hy sinh
Hiện trường vụ sạt lở khiến 13 CBCS hy sinh, trong đó có tướng Hùng, tướng Man. Ảnh: QĐND

Bình luận (0)

Lên đầu trang