Tránh làm khó cho người dân
Góp ý về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay.
Phiên thảo luận về dự luật Cư trú (sửa đổi)
Việc chuyển đổi này, theo các đại biểu, vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Đánh giá cao thời gian qua Chính phủ, Bộ Công an đã quyết tâm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021, song các đại biểu lưu ý, để bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các công việc như trong kế hoạch đã đề ra.
Liên quan đến điều khoản chuyển tiếp, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng cần có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Lý do được đại biểu Dung nêu ra là theo kế hoạch của Chính phủ thì đến hết 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành địa phương; chưa kể đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu ý kiến thảo luận
Không cản trở quyền tự do cư trú của công dân
Tiếp thu, giải trình vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu đặt ra.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, 3 mục tiêu khi sửa Luật Cư trú được Ban soạn thảo đặt ra là bảo đảm được yêu cầu không để cản trở và ngăn chặn quyền tự do cư trú của công dân. “Đây là mục tiêu rất quan trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mục tiêu thứ hai, Bộ trưởng chia sẻ, là phải xác định được vị trí pháp lý của công dân, của người dân ở trên lãnh thổ của Việt Nam.
“Dù ở đâu, người ta phải có một vị trí pháp lý để giao dịch, để xác nhận, không phải như một đại biểu nào đó nói cư trú, thường trú, tạm trú này không có ý nghĩa gì” – Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định, đối với người dân, việc xác định vị trí pháp lý trong giao dịch, trong cuộc sống rất quan trọng.
Mục tiêu cuối cùng được Bộ trưởng chỉ ra là liên quan đến việc quản lý hoạt động của người dân của cơ quan quản lý nhà nước.
“Nhưng trong những quy định này, việc đăng ký để quản lý là không được làm phiền hà, làm phức tạp cho nhân dân” – Bộ trưởng khẳng định.
Trước ý kiến cho rằng việc quản lý nêu trên có thể tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, cản trở thực hiện quyền công dân, Bộ trưởng nêu rõ, tất cả đều được quán triệt để thực hiện mục tiêu này. Người đứng đầu ngành công an tái khẳng định: “Có quản lý nhưng không để những quy định, những việc đó để làm những cái nhũng nhiễu, những phiền hà, phức tạp cho người dân”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình dự luật
Liên quan đến một số quy định chuyển tiếp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ muốn kiến nghị thực hiện phương án 2 (giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành).
“Là cơ quan chủ trì, chúng tôi đối chiếu thấy phù hợp với các năng lực hoạt động thực tiễn” - Bộ trưởng nêu lý do.
Vẫn theo ông Tô Lâm, khi luật có hiệu lực thì có những điều khoản lại tiếp tục đưa sang hoặc có những giấy tờ quy định có giá trị pháp lý, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những giá trị khác, nếu chúng ta không dứt khoát được thời điểm đó thì sẽ rất phiền phức cho người dân, kể cả cho các hoạt động quản lý của các cơ quan.
“Bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân” – Bộ trưởng dẫn lời Chủ tịch Quốc hội trong một phiên họp Thường vụ Quốc hội. Theo ông, trước đây chúng ta cũng có một số quy định sổ này, sổ kia nhưng khi bỏ những quy định này để thay đổi phương thức quản lý đã mang lại sự phấn khởi cho người dân. Tuy nhiên, thừa nhận với sổ hộ khẩu thì còn rất nhiều việc khác đi kèm, do đó Bộ trưởng cho rằng, muốn thay đổi phương thức quản lý thì đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi.
Đồng thời với việc trên là triển khai dự án về Căn cước công dân vào Luật Cư trú. “Cho đến nay khoảng 90% thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư đã thu thập được rồi, giờ chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy. 10% nữa thì sẽ cố gắng, có thể trong năm 2020 này hoàn thành” – Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Vì lẽ đó, người đứng đầu ngành công an mạnh dạn đề nghị cho thực hiện ngay theo phương án 2, là từ 1/7/2021.
Khẳng định dự Luật Cư trú (sửa đổi) mang tính cải cách rất lớn, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, nếu quản lý được cư dân tốt, quản lý được cư trú tốt thì có lẽ không phải tổng điều tra dân số, vì tất cả đã được quản lý theo hệ thống.
“Khi thực hiện quản lý cư trú bằng phương thức mới này sẽ góp phần giảm được rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các cơ chế hành chính. Chúng tôi cũng đã thấy được những vấn đề này, mong Quốc hội xem xét và sẽ sớm thông qua các dự án luật này để thực sự đi vào cuộc sống” – Bộ trưởng chốt lại.
Dự luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 10 gồm 7 chương và 38 điều. Tại bản dự thảo này, dự luật không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
(CAO) Trước khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sáng nay (21/10), Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.