Hầu hết các ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng GGHB của LHQ và cho rằng lực lượng này trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ; đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc....

Các ĐBQH Tổ 2 thảo luận tại tổ chiều 15-5
Theo ĐB Phan Văn Xựng (Đoàn TPHCM), trải qua gần 11 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; khẳng định vị thế, vai trò và khả năng của Việt Nam trong xử lý các vấn đề lớn, phức tạp của thế giới như giải quyết xung đột, gìn giữ môi trường hòa bình; khẳng định vị thế, đóng góp sâu rộng, chủ động, tích cực có hiệu quả của lực lượng Quân đội và Công an Việt Nam trên trường quốc tế…
Cũng theo ĐB, các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Lãnh đạo LHQ, Chỉ huy phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đã phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam…

ĐBQH Phan Văn Xựng phát biểu ý kiến
ĐB Phan Văn Xựng nhất trí cao với sự cần thiết cũng như nội dung dự án Luật. ĐB cho rằng Dự án Luật không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế cho hoạt động tham gia lực lượng GGHB của LHQ mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện vị thế, vai trò và tinh thần trách nhiệm rất lớn của Việt Nam khi tham gia hoạt động GGHB LHQ bằng việc có chế định pháp lý riêng cho hoạt động này và được quy định bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là Luật.
Về vấn đề bình đẳng giới, ĐB nhất trí cao với dự thảo Luật đã có quy định thể hiện chính sách Nhà nước về giới và bình đẳng giới trong tham gia lực lượng GGHB của LHQ, điều này thể hiện trong dự thảo Luật quy định về khuyến khích nữ giới đã được thể hiện tại khoản 3 Điều 4 và khoản 2 điều 7; đồng thời đã được cụ thể hóa chính sách ưu tiên nữ giới tại Nghị định số 162/2016/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 162 tại Nghị định số 07/2025/NĐ-CP ngày 25/3/2025. ĐB cho rằng, phụ nữ có nhiều điểm mạnh trong các hoạt động dân sự, nhân đạo, tiếp xúc cộng đồng, hòa giải - đặc biệt ở những nơi hậu xung đột, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân. Do đó, họ thường được người dân tin tưởng hơn, dễ tiếp cận các nhóm yếu thế và đóng vai trò cầu nối mềm mại trong xây dựng hòa bình lâu dài…
ĐB Phan Văn Xựng cũng đánh giá cao dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ và đề nghị QH xem xét thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp nào là phù hợp.
Đồng với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, đồng thời khẳng định vai trò của lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ trong những năm qua.
Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân, ra đời năm 1948, đây là một trong những lĩnh vực quan trọng và là một cơ chế đặc biệt được LHQ giao cho Hội đồng Bảo an, dưới hình thức các phái bộ tại các khu vực đã tạm ngừng xung đột, có thoả thuận ngừng bắn hoặc thoả thuận hoà bình, nhằm chấm dứt các xung đột và xây dựng hoà bình thông qua việc triển khai lực lượng do các nước thành viên LHQ đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ.
Nữ ĐB cho biết, Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ từ ngày 23/11/2012 đến nay, khi được Bộ Chính trị thông qua đề án tổng thể. Tháng 9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án CAND Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cử lực lượng vũ trang tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ. Trong đó, Bộ Quốc phòng chính thức tham gia từ năm 2014, đến nay đã cử 137 lượt quân nhân đi thực hiện nhiệm vụ. Đối với Bộ Công an, đã cử 5 tổ công tác tham gia gìn giữ hoà bình của LHQ từ năm 2022 đến nay. Đến năm 2025, Bộ tiếp tục báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương cử Tổ công tác số 6 gồm 6 đồng chí đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi, đây là phái bộ thứ 3 được mở rộng quy mô tham gia của Bộ Công an, lần đầu tiên Bộ Công an triển khai lực lượng tại phái bộ này.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân thảo luận tại Tổ 13
Bộ Công an cũng cử sĩ quan tham gia các vị trí ứng tuyển tại Cục Hoạt động hoà bình của LHQ (New York - Hoa Kỳ) từ năm 2022 cho đến nay…
ĐB Nguyễn Thị Xuân chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các sĩ quan Quân đội, Công an Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, hằng ngày phải đối mặt với hiểm nguy súng đạn. Nhiều đồng chí mất 3-5 tháng mới thích nghi được môi trường, rồi điều kiện y tế thiếu thốn, dịch bệnh khó kiểm soát... Dù là hoạt động nhân đạo nhưng có rất nhiều rào cản cả trên thực địa và tính pháp lý".
Tuy nhiên, nữ ĐB cho rằng, các sĩ quan đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ...; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ đánh giá rất cao, được Chính phủ và hai Bộ ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý...
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Xuân, đây là lực lượng có tính cọ xát rất cao, làm việc trong môi trường quốc tế khắc nghiệt, chế độ, chính sách đã có nhưng chưa thoả đáng, chưa đáp ứng những hy sinh mất mát, khó khăn, vất vả. Bà hy vọng, thời gian tới, khi QH thông qua luật này, vừa đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc, đồng thời có chế độ chính sách tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ thực sự yên tâm công tác, có đóng góp tích cực, những cống hiến được bù đắp thoả đáng…
"Đề xuất chính sách ưu việt, ưu tiên hơn đối với những đồng chí nữ tham gia để khích lệ, động viên, khuyến khích; dự thảo cần thể hiện rõ nét. Bởi trong số lực lượng của chúng ta tham gia gìn giữ hoà bình LHQ những năm qua đều có cán bộ nữ, thể hiện hình ảnh đẹp, phần lớn các cán bộ đã có gia đình, để lại chồng con ở nhà để tình nguyện xung phong tham gia", bà bổ sung.