Các vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế:

Ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự

Thứ Năm, 15/05/2025 09:28  | Thanh Hòa

|

(CAO) Đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra… là những chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ.

Tại Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, diễn ra chiều tối 14/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều. Trong đó, mục tiêu Nghị quyết là thể chế hóa kịp thời một số chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
Qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Phiên họp thứ 45, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh (Điều 5), dự thảo Nghị quyết quy định phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

Theo đó, đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp

Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với các vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật, phải sớm có kết luận theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, cần bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.

Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.

Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc.

Giải trình làm rõ các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lựa chọn nội dung để đưa vào Nghị quyết là vấn đề rất khó.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng giải trình các ý kiến tại Phiên họp

Đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm hình sự, dân sự, thanh tra, kiểm tra… là những chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ. Dù chưa thể cụ thể ngay, nhưng đó là thông điệp của Quốc hội, là định hướng cho việc triển khai, sửa đổi các luật tiếp theo.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Các thành viên cũng đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương của Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo trong một thời gian ngắn với khối lượng nội dung rất lớn.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 15/5.

Trước khi trình Quốc hội, các cơ quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, hoàn thiện lại dự thảo ngay trong tối 14/5, gửi đến các đại biểu Quốc hội trong đêm 14/5 qua app thông tin của Quốc hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang