(CATP) Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua việc triển khai công nghệ xác thực sinh trắc (XTST) trên CCCD gắn chíp trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều đối tượng trục lợi bảo hiểm (BH) với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Không chỉ tạo văn minh xã hội, những ứng dụng từ CCCD, VNeID trong Đề án 06 còn góp phần phòng, chống hiệu quả tham nhũng vặt.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, qua việc XTST người làm hồ sơ rút BH một lần, đơn vị đã phát hiện 3 trường hợp dùng CCCD giả để trục lợi. Từ tháng 11/2022, thực hiện Đề án 06, tỉnh Bình Dương thí điểm công nghệ XTST vân tay trên CCCD gắn chíp trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC và đặt lịch làm việc trực tuyến. Sau 8 tháng triển khai, có khoảng 20.000 người nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được XTST với bình quân mỗi ngày từ 200-220 người.
Đề cập đến việc triển khai ứng dụng công nghệ XTST trong lĩnh vực BHXH, BHYT trên CCCD gắn chíp, đại diện BHXH Việt Nam đánh giá: BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tăng tiện ích, độ chính xác cho người dân, hạn chế và ngăn chặn tiêu cực khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH nhân thọ.
Lợi ích của việc triển khai XTST trên CCCD gắn chíp trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cũng rất to lớn. Trước đây cán bộ tại bộ phận "một cửa" phải tự kiểm tra xem CCCD thật hay giả và không có cơ sở gì để xác định chính xác; tự kiểm tra người xuất trình CCCD và thông tin trên CCCD có phải là một hay không, thì nay tại những đơn vị triển khai thí điểm đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc khi người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp (hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, điều chỉnh sổ, gộp sổ...). Trong quá trình thí điểm, các cơ quan BHXH đã thực hiện XTST cho trên 16.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó phát hiện 3 trường hợp sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần tại Bình Dương.
Cán bộ Công an cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân
Báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền lên tới hơn 6.056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022) và hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với việc tích hợp và triển khai những dịch vụ công này, hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước số tiền lên tới 2.505 tỷ đồng. Đặc biệt, còn góp phần tái sử dụng dữ liệu số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Cùng với đó, những dịch vụ công trực tuyến này góp phần cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm thời gian người dân phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ để làm TTHC, qua đó loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt", tạo văn minh xã hội.