Để xảy ra ùn ứ ở các chốt kiểm soát khiến khả năng lây lan dịch rất lớn

Thứ Tư, 02/06/2021 05:35  | A. Quân

|

(CAO) Chiều 1/6, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cùng đại diện các sở ban ngành của TP đã có buổi làm việc với quận Gò Vấp và quận 12 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội.

Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhận định, trong đợt giãn cách xã hội lần này, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cũng là nơi đầu tiên của TP áp dụng chỉ thị này ở cấp độ khu vực. Do đó trong những ngày đầu, việc áp dụng sẽ ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của người dân và hoạt động của các cơ quan, xí nghiệp. Chính quyền địa phương cũng gặp nhiều lúng túng khi thực hiện giãn cách.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc vớ quận Gò Vấp. Ảnh: Khang Minh

Ông Dương Anh Đức cho rằng, quận Gò Vấp là một trong những quận đông dân, đồng thời người từ nơi khác đến làm việc rất đông, dễ xảy ra những mâu thuẫn phát sinh khi triển khai Chỉ thị 16. Do đó, sẽ có khó khăn trong cân đối giữa việc vẫn tiếp tục phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích người dân nhưng vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch.

Quận Gò Vấp cần phối hợp các quận giáp ranh để lập chốt

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết, đến nay quận có 54 ca nhiễm, 4 ca nghi ngờ, F1 có 84 trường hợp cách ly tại quận và 75 cách ly ở Hóc Môn, F2 có 319 trường hợp; xét nghiệm qua 3 ngày với 95.557 mẫu và có 10/16 phường của quận có điểm phong tỏa.

Đại diện quận Gò Vấp báo cáo tình hình những ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Ảnh: Khang Minh

Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng, khó khăn lớn nhất là việc kiểm soát người ra và vào quận. Việc lập chốt kiểm soát đã phát sinh những hạn chế như mấy ngày  qua và quận vừa làm vừa tháo gỡ.

Sở GTVT đã có hướng dẫn đối với 2 địa bàn khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, để làm đúng theo Chỉ thị 16 thì khó kiểm soát người và phương tiện ra vào quận. Qua gần 2 ngày thực hiện, lực lượng chức năng đã phải linh động trong ngày, tạm gỡ chốt để người dân lưu thông qua địa bàn khác do có hàng nghìn phương tiện ùn ứ.

Theo lãnh đạo quận Gò Vấp, nguyên nhân của việc này là do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trong khi đó quận có nhiều khu vực tiếp giáp các quận khác như quận 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, Tân Phú với nhiều tuyến giao thông, ngõ hẻm chằng chịt. Việc cùng một lúc bố trí được hết các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào quận là hết sức khó khăn.

Liên quan đến vướng mắc về giao thông của quận Gò Vấp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định việc lập chốt chặn là đúng đắn. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng ùn ứ ở các chốt khiến khả năng gây lây lan dịch bệnh rất lớn, quận cần cân nhắc các giải pháp phù hợp.

Ùn ứ tại các chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp trong ngày đầu (ngày 31/5) thực hiện giãn cách xẽ hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Tiến Nguyễn

Theo Phó chủ tịch UBND TP, muốn có giải pháp hợp lý cần phải có sự hỗ trợ của các địa phương lân cận cho Gò Vấp, phải có sự phối hợp từ các ban, ngành để hỗ trợ cho quận Gò Vấp trong việc xử lý và ngăn chặn phương tiện giao thông từ xa.

“Quận Gò Vấp có thể trao đổi với lãnh đạo các địa phương có địa giới hành chính giáp ranh để cân nhắc lại các vị trí lập chốt. Các địa phương khác phải xem đây là nhiệm vụ chứ không phải sự nhờ vả; chốt lập trên địa bàn nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm”, ông Dương Anh Đức nói.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đưa ra giải pháp về việc lập 2 hệ thống chốt lớn và chốt nhỏ. Trong đó, chốt lớn đặt tại các địa bàn giáp ranh, nơi có nhiều phương tiện và người qua lại, có thể áp dụng kiểm soát theo phương pháp xác suất và linh động. Đối với những khu vực có nguy cơ cao thì thiết lập chốt nhỏ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị quận Gò Vấp rà soát lại quy định của Chỉ thị 16, chỉ đạo của UBND TP để lập danh mục cụ thể những loại hình được duy trì hoạt động trên địa bàn quận. Đối với những loại hình sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động thì phải cho người dân vào làm việc nhưng người đó phải cam kết chỉ đi đến chỗ làm việc.

Đồng thời, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng đồng ý đề xuất của Gò Vấp cho các công chức, viên chức sinh sống ở Gò Vấp làm việc tại các địa bàn khác sẽ được làm việc tại nhà. Ngược lại công chức, viên chức làm ở các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn Gò Vấp nếu có thể thì bố trí làm việc tại nhà.

Quận 12 cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và xét nghiệm

Báo cáo tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, lãnh đạo UBND quận 12 cho biết, thực hiện Chỉ thị 16, quận đã triển khai lập 48 chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn phường Thạnh Lộc và cập nhật thông tin về địa điểm các chốt, cửa hàng siêu thị, nhà thuốc, phòng khám đa khoa… trên bản đồ số. Người dân có thể vào đây tra cứu đầy đủ thông tin liên quan trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm việc với quận 12. Ảnh: Khang Minh

Tính đến trưa ngày 1/6, phường Tân Thới Nhất có 12 ca nhiễm Covid-19, là phường có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất của quận 12, phường hiện có 49 F1, 83 F2 với 5 khu phong tỏa. Khó khăn lớn nhất của phường là số người nhập cư đông, lại đa số làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất. Với lực lượng nhân sự hiện tại khó đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ đó, phường Tân Thới Nhất đề xuất UBND TP hỗ trợ thêm nguồn lực và có chính sách hỗ trợ chăm lo đối với người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức lưu ý quận 12 cần đánh giá lại chỉ số an toàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn. 2 nguy cơ lớn từ các nhà máy xí nghiệp và các tòa cao ốc văn phòng. Cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và xét nghiệm đối với phường Thạnh Lộc để có bức tranh đầy đủ và đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội kịp thời.

Quận cần quan tâm đến chính sách, hỗ trợ kịp thời cho người dân. “Ngoài các chính sách của TP có thể có thể kêu gọi sự hỗ trợ của nguồn xã hội”, ông Đức gợi ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang