TPHCM cần tính toán để sớm có thể bảo đảm cách ly cho 30.000 người

Thứ Ba, 01/06/2021 16:16  | A. Quân

|

(CAO) Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu TPHCM cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly.

Sáng 1/6/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn ra trên địa bàn TPHCM và triển khai một số giải pháp cấp bách.

Tham dự có đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan, các Phó Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo các sở ban ngành, đơn vị, các quận/huyện, TP.Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

3 ổ dịch này đã được kiểm soát

Báo cáo tại cuộc họp, từ ngày 27/4/2021 đến nay, tại TP có 208 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được công bố (1 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch tại Hà Nam, phát hiện ngày 29/4; 2 bệnh nhân từ ổ dịch trong công ty quận 3, phát hiện ngày 18/5; 5 bệnh nhân từ ổ dịch tại quán bánh canh ở quận 3 phát hiện ngày 21/5 (3 ổ dịch này đã được kiểm soát, từ ngày 25/5 đến nay không ghi nhận thêm người mắc bệnh).

Đối với ổ dịch liên quan hoạt động của điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp, từ ngày 26/5/2021 đến nay đã ghi nhận 200 bệnh nhân (được Bộ Y tế công bố).

Liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ngành chức năng đã điều tra xác minh các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và trường hợp tiếp xúc với tiếp xúc gần hoặc có liên quan ca bệnh như sau: Tổng số F1: 3.028 người, 2.557 mẫu âm tính, 471 chờ kết quả; tổng số F2 5.945 người và xét nghiệm mở rộng 190.265 người: 67.619 mẫu âm tính, 128.591 chờ kết quả.

Hiện tổng cộng 20/22 địa phương có ca bệnh cư trú trên địa bàn, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh: Gò Vấp (52 ca), Quận 12 (23 ca), Bình Thạnh (22 ca), Tân Phú (22 ca), Tân Bình (22 ca). Các quận trên thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của TP, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 05 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Điểm nhóm truyền giáo trên đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2.

Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc Covid-19 (Hội tổ chức họp thành viên mỗi 07 ngày), từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TPHCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.

Một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Hội thánh:

Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, số 1 Hoàng Việt, Tân Bình: 34 ca.

Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, Tân Phú: 9 ca.

Trường mầm non Kid Town, địa chỉ 44 Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12: 6 ca.

Tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận: 04 ca.

Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12: 4 ca.

Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend 104 Phổ Quang, phường 2, Tân Bình và trụ sở trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1: 5 ca gồm 3 người cùng làm tại cửa hàng và 2 người tại trụ sở.

Tòa nhà văn phòng số 65 đường Nguyễn Du, quận 1: 02 ca.

Như vậy ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp: TP cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCV Vĩnh Lộc - Hóc Môn.

Ngoài ra có một số người sinh hoạt giáo phái này cũng làm việc tại các công ty trong KCN. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào KCN hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các KCN là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.

Dịch bệnh tại TPHCM vẫn đang trong tầm kiểm soát

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 27/4/2021 đến nay, TP xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm và đáng lo ngại nhất là chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với 200 trường hợp nhiễm bệnh phân bổ trên địa bàn 20/22 quận/huyện của TP.

Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nguồn lây nhiễm chưa xác định được. Vì vậy, TP tiếp tục quyết liệt trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

TPHCM cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng toàn TP (khoảng 1,6 triệu mẫu); trước mắt là tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thành lập các Tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên cơ sở huy động sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y TP và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

UBND TP giao Chủ tịch UBND quận/huyện, TP Thủ Đức cùng với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ký cam kết với các chủ cơ sở sản xuất về tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực.

Với doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Chủ tịch UBND quận - huyện phải ký bản cam kết với công đoàn nơi đó cùng chủ doanh nghiệp. Nếu cơ sở nào không đảm bảo an toàn, kiên quyết dừng hoạt động. Ngược lại, biểu dương những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện tốt.

Nhấn mạnh giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân nhưng hiện nay số lượng vắc xin cung ứng cho TPHCM còn hạn chế, Chủ tịch UBND TP đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế giao Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép), kiểm định và quyết định loại vắc xin được phép tiêm cho người dân, còn kinh phí và nguồn thanh toán giao cho TP để có thể chủ động cung ứng vắc xin cho người dân TPHCM.

Thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn TPHCM gặp khó khăn vì Covid-19 để duy trì thực hiện “Mục tiêu kép” và chính sách an sinh xã hội hiệu quả.

TPHCM cần xác định đây là thời điểm can thiệp mạnh, quyết liệt hơn

Đánh giá cao các giải pháp TPHCM đã triển khai hiệu quả, kịp thời để phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ổ dịch từ Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng được đánh giá là nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất. Bên cạnh đó, với chủng virus mới này có chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, từ 2-3 ngày và có thể nhanh hơn.

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong khu công nghiệp là rất lớn. Một số ca bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các văn phòng, cao ốc (môi trường phòng kín điều hòa nguy cơ lây bệnh cao hơn)… Vì vậy, TPHCM cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để.

Bộ Y tế cũng đã đưa có 4 mức cảnh báo dịch bệnh và khuyến cáo các địa phương tùy theo tình hình thực tế để đặt ở mức cảnh báo cao hơn 1 bậc. Thực hiện truy vết nhanh và triệt để, càng sớm càng hạn chế được hậu quả.

Riêng đối với các khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc quản lý công nhân từ nơi làm việc đến nhà trọ, khu tập thể, phương tiện đưa đón… để tạo ra được chuỗi an toàn; triển khai ngay giãn cách trong sản xuất, có các biện pháp cách ly tại chỗ; xem xét áp chế cách ly tập trung cho một số khu nhà ở của công nhân. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, nếu các cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn thì kiên quyết dừng sản xuất.

Về công tác xét nghiệm, xem xét áp dụng thí điểm việc giao cho các cơ sở y tế tư nhân, nhà thuốc có khả năng triển khai sàng lọc, test kháng nguyên nhanh cho các đối tượng có biểu hiện ho, sốt, khó thở…

Về cách ly, mở rộng diện cách ly tập trung và áp dụng tiết chế cách ly tập trung cho một số khu vực có nguy cơ cao.

Về điều trị, cần xây dựng kịch bản ứng phó ở mức độ cao hơn với tình huống điều trị số lượng ca bệnh lớn, đặc biệt là tập trung vào khu vực điều trị Hồi sức tích cực (ICU), chuẩn bị phương án giường ICU cho tình huống nhiều bệnh nhân nặng.

Đề nghị TP huy động tổng lực đối với nhân viên y tế thuộc các bệnh viện trung ương, cán bộ - sinh viên các trường đại học của Bộ trên địa bàn TP.

Về vắc xin: hiện nay nguồn cung khan hiếm, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Bộ cam kết tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin...

Xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn TPHCM trong thời gian 1-2 tuần tới

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu từ ổ dịch tại điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, phải rà soát lại hoạt động của các điểm nhóm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn TPHCM; cần rút ra bài học về quản lý nhà nước ở cấp cơ sở gắn với xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc này. Không cấm đoán sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nhưng phải tuân thủ quy định của Pháp luật Nhà nước và cả các quy định về phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Đồng thời, xác định rõ việc cơ quan chức năng có quyết định khởi tố một số cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch và khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh.

TPHCM cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn trong thời gian 1-2 tuần tới; Tiếp tục phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TPHCM rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động.

Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nêu cao tính kỷ luật của người lao động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc đảm bảo giãn cách, phun thuốc khử khuẩn… để người lao động yên tâm làm việc.

Đối với các khu cách ly tập trung, TP cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; xây dựng và đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, mỗi phòng cách ly chỉ nên tối đa 2 người, trừ những trường hợp cách ly cho gia đình thì có thể lên 4 người/phòng, đồng thời cần quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng người cách ly tụ tập, giao lưu giữa các phòng trong khu cách ly; động viên tinh thần để người cách ly có trách nhiệm, thực hiện tốt quy định cả trong thời gian cách ly và khi về nơi cư trú.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác an ninh, trật tự; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong công tác nhân sự không chỉ có bảo đảm đời sống mà còn cần bảo đảm cả về sức khỏe, tâm lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại khu cách ly...

Bình luận (0)

Lên đầu trang