Đền thờ Bác Hồ ở Long Khốt

Thứ Bảy, 19/05/2018 08:35

|

(CAO) Hơn chục năm nay, năm nào, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), chúng tôi cũng hành hương về Long Khốt.

Long Khốt thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, Long An, một địa danh gắn liền với những chiến công của người lính Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An qua mấy cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia.

Thỉnh chuông trong Đền thờ Bác Hồ và liệt sỹ ở Long Khốt. Ảnh: NGUYỄN ĐỒNG BẰNG

ĐỀN THỜ BÁC HỒ VÀ NÉT ĐẸP VĂN HOÁ

Cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, đúng lúc khi những cánh phượng rực đỏ dọc biên giới, những người lính - cựu chiến binh Trung đoàn 174 đã phối hợp cùng Bộ đội biên phòng tỉnh Long An và cấp ủy, chính quyền, bà con địa phương xây dựng nên đền thờ Bác Hồ giữa vùng biên giới bao la Đồng Tháp Mười.

Kể từ đó đến nay, Đền thờ Bác Hồ càng linh thiêng, ngày càng thu hút du khách thập phương, nhất là các gia đình chính sách; bởi nơi đây không chỉ là nơi thờ vị Tổng tư lệnh tối cao - người cha thân yêu của các LLVTND Việt Nam mà còn là nơi thờ hương linh của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Điểm đáng ghi nhớ, chỉ hai trận đánh vào tháng 6 năm 1972 và tháng 4 năm 1974, tại đây Trung đoàn 174 đã có hơn 700 liệt sỹ nằm lại trên trận địa khu vực Long Khốt. Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, năm 1978, cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Long Khốt đã bám trụ 43 ngày đêm bảo vệ biên giới và hàng chục liệt sỹ đã nằm lại nơi đây.

Để tưởng nhớ Bác Hồ và các liệt sỹ đã hiến đời mình cho Tổ quốc, đúng ngày 19 tháng 5 hằng năm, bà con xã Thái Bình Trung, Thái Trị và vùng lân cận tự nguyện tổ chức lễ tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sỹ.

Một nét đẹp văn hoá tâm linh hình thành từ đó. Lễ giỗ diễn ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất, 18 tháng 5 bà con tự nguyện góp công, góp của để lo giỗ như chính lo đám giỗ ở gia đình, dòng họ mình. Nhà nhà bảo nhau mang gà vịt, cá, heo, gạo nếp, đôi khi cả trâu bò... đến góp giỗ.

Đoàn thanh niên địa phương thì phối hợp với bộ đội biên phòng và cựu chiến binh của Trung đoàn lo lễ dâng hương, thả hoa đăng vào đêm 18/5. Đêm lửa trại giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử và bà con địa phương diễn ra sau đó với những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội Cụ Hồ.

Ngày thứ 2, 19 tháng 5 lễ tưởng niệm Bác Hồ và giỗ liệt sỹ chính thức được tổ chức. Hàng trăm bà con khắp vùng Đồng Tháp Mười và CCB cùng du khách từ khắp đất nước về dâng hương và lễ vật cúng liệt sỹ.

Lễ báo công với Bác của đoàn thanh niên địa phương và bộ đội biên phòng cùng việc tặng quà tình nghĩa, trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi được tổ chức trang trọng, ấm áp. Trong số các vị khách về dự có cả bà con và các LLVT của nước bạn nơi biên giới.

Sự kiện lễ tưởng niệm Bác Hồ và giỗ liệt sỹ (19/5 ) tại Long Khốt đã trở thành nét đẹp văn hoá tâm linh ở vùng biên giới giữa bao la Đồng Tháp Mười.

UBND tỉnh Long An đã công nhận Long Khốt với hoạt động tình nghĩa này là Di sản Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh.

MÓN NỢ CỦA NGƯỜI ĐANG SỐNG

Dẫu vậy, món nợ của người đang sống với những người đã khuất, đặc biệt với Bác Hồ vẫn không thể nào trả hết. Ban Liên lạc Truyền thống CCB Sư đoàn 5 với các Trung đoàn lừng danh một thời như Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng), Trung đoàn 5... đang phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Long An lập dự án để nhà nước công nhận nơi đây là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia.

Với 6 hạng mục công trình, trong đó có việc trùng tu lại đền thờ Bác Hồ và liệt sỹ, xây dựng tượng đài tưởng nhớ các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; xây dựng lại cầu Long Khốt... cùng với sinh hoạt văn hoá tâm linh tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sỹ, trong tương lai gần Long Khốt sẽ là điểm đến tâm linh.

Cũng như các địa danh huyền thoại: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Nghĩa trang Hàng Dương, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô..., Long Khốt sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của không chỉ của tỉnh Long An, của Đồng Tháp Mười mà còn là của cả nước và bạn bè quốc tế.

Hôm nay, từ khắp nơi dòng người đang xuôi về Long Khốt. Hoa phượng đỏ rực trên những nẻo đường biên giới hoà cùng màu xanh áo lính làm sống dậy cả một vùng chiến trường xưa.

Đêm Long Khốt lung linh, huyền diệu, vang mãi bài ca: Bác đang cùng chúng cháu hành quân; Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...

Long Khốt, tháng 5-2018

Bình luận (0)

Lên đầu trang