Kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2018):

Khẳng định quyền con người, quyền dân tộc

Thứ Năm, 30/08/2018 15:25

|

(CAO) Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tự hào tuyên bố với cả thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập” đến nay, Việt Nam đã trải qua chặng đường dài 73 năm với nhiều thay đổi.

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, ông cho biết nhìn về đỉnh cao lịch sử ấy, ông tin trong tương lai sẽ có sự xuất hiện của những đỉnh cao mới.

“Phải có niềm tin, nhưng niềm tin không phải một chiều mà luôn luôn phải suy xét, luôn luôn phải theo dõi, luôn luôn phải nhận định”, ông Hà nói.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Phải đổi mới thật sự

- Phóng viên: Là một người nghiên cứu lịch sử, ông nhìn nhận giá trị lớn nhất của bản Tuyên ngôn độc lập là gì?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi nghiên cứu rất kỹ Tuyên ngôn độc lập và thấy giá trị lớn nhất của nó chính là sự khẳng định quyền con người và sau đó khẳng định quyền của dân tộc. Cái hay là khi Bác viết tuyên ngôn đã dẫn ra tuyên ngôn độc lập của Mỹ, dẫn ra tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp để khẳng định mọi người sinh ra trên trái đất đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những quyền mà Bác nói là quyền trời cho, quyền thiên định. Ở đây Hồ Chí Minh lại có sự phát triển hay hơn nữa, đó là Bác viết: “Suy rộng ra điều ấy có nghĩa là dân tộc nào cũng có quyền tự do, dân tộc nào cũng có quyền được hạnh phúc”.

Từ cách phát triển quyền con người lên quyền dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và người dân Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh của cải và tính mệnh để giữ cái quyền tự do, độc lập đó.

Quảng trường Ba Đình trong buổi lễ mít tinh mừng Tết Độc lập 2-9

- Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Nhìn lại chặng đường đất nước đã và đang đi, ông thấy độc lập đang ngày càng có ý nghĩa hơn không?

Phải khẳng định rằng một đất nước độc lập đến đâu thì người ta trông vào việc người dân có tự do, có hạnh phúc, có dân chủ hay không, còn nếu không thì độc lập chỉ là hình thức thôi.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy đất nước đang phát triển rất mạnh mẽ, vị thế đất nước khác hẳn, đời sống của người dân khác hẳn. Trước đây làm sao được như thế này? Quan hệ của nước ta với các nước rộng rãi hơn, có tiếng nói trên tất cả các diễn đàn quốc tế, rồi tham gia các tổ chức, các hiệp hội, các định chế tài chính và cũng đóng góp được những vai trò quan trọng đối với cộng đồng quốc tế. Thời gian tới, tôi nghĩ với đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo thì chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, phải đổi mới thật sự, đổi mới đi kèm với dân chủ, đi kèm với công khai, đi kèm với minh bạch, đi kèm với nhà nước pháp quyền.

- Trong bối cảnh hội nhập như thế, làm sao để giữ độc lập và độc lập nên được biểu hiện như thế nào, theo ông?

Sở dĩ đất nước ta 73 năm qua giữ được vị thế như hiện nay là vì chúng ta độc lập. Đường lối của Đảng và Nhà nước là phải làm sao bảo vệ được độc lập dân tộc, bảo vệ bằng sức mạnh của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, cái độc lập ở đây là độc lập về đường lối. Người ta hay nói có độc lập mới có tự chủ, có tự chủ mới có sáng tạo. Nếu anh không có độc lập, anh bị phụ thuộc vào nước ngoài thì mọi hành động của anh cứ phải nghe ngóng cái nước mà anh phụ thuộc. Thế thì anh không vươn lên được mà anh phải dựa vào họ. Mà anh dựa vào là anh mất độc lập rồi. Vì thế trong thời buổi hội nhập, hơn lúc nào hết chúng ta vẫn phải giữ độc lập, nhưng cái độc lập đấy phải mềm dẻo như Bác Hồ từng nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đừng để các khẩu hiệu chỉ là hình thức

- Một trong những bài học rút ra từ cuộc Cách mạng Tháng Tám chính là biết dựa vào sức dân. Ông cho rằng điều này nên được phát huy thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Người dân Việt Nam có tinh thần dân tộc và yêu nước lắm, làm sao phải phát huy được việc đó, để tạo thành sức mạnh dân tộc. Với chiều hướng như hiện nay, trong chủ trương, chính sách của mình, Đảng, Nhà nước phải có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân, của đa số nhân dân mong muốn. Nếu thế cần phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để mà sàng lọc trong đó những gì tinh tuý có thể tiếp thu được, áp dụng được.

- Nhưng muốn nghe được những điều chân thực thì cần tạo cơ hội lớn hơn cho dân giám sát nữa, thưa ông?

Để dân có thể giám sát được thì phải biến khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành thực tiễn. Và phải thêm điều nữa là dân được hưởng, chứ chỉ biết, bàn, làm, kiểm tra mà không được hưởng cái gì thì thiếu hẳn một vế quan trọng. Đừng để khẩu hiệu đó chỉ là hình thức nữa mà nó phải thực chất.

Để cho dân biết nghĩa là phải công khai. Để cho dân bàn là phải dân chủ, phải lấy ý kiến của người dân trước các vấn đề lớn của xã hội. Dân làm là phải để cho người dân tham gia trực tiếp vào công việc và dân kiểm tra là giám sát các hoạt động của cơ quan công quyền, giám sát các hoạt động của Đảng. Có như vậy người dân mới cảm nhận mình thực sự là chủ, chứ lâu nay cái khẩu hiệu đấy nó không phản ánh thực tế, người ta chỉ thấy nó hình thức thôi.

Quyền làm chủ của người dân phải là thực sự thì người dân mới cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe, được tham gia vào các vấn đề của đất nước, của xã hội và qua đó mới có động lực đóng góp cho xã hội.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trước trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Ảnh Xuân Cường

Cứ sợ rút dây động rừng là không được

- Ông nói rằng cần phải có niềm tin, song không ít lần Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận niềm tin của dân đối với Đảng đang bị xói mòn. Từ góc độ của ông, ông thấy nguyên nhân nằm ở đâu?

Nguyên nhân của nó là do người dân quá kỳ vọng vào Đảng nhưng họ cảm thấy dường như Đảng hành động, Đảng lãnh đạo chưa đạt được như mong muốn của họ.

Cái thứ hai là “một bộ phận không nhỏ” trong Đảng bây giờ lại có biểu hiện tham nhũng, hối lộ, suy thoái. Các đảng viên, những người giữ trọng trách trong bộ máy tổ chức cơ sở đảng có khi nói không đi đôi với làm, có khi hô hào vậy nhưng mình lại làm khác, không làm đúng như lời mình nói thì người dân nhìn vào người ta thấy cái niềm tin mình đặt vào không được như kỳ vọng thì nó giảm sút đi.

Tôi lấy ví dụ như công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, nếu làm quyết liệt hơn nữa, làm liên tục, không sợ gì cả, quân pháp bất vị thân, anh sai tôi xử lý thì sẽ lấy lại được niềm tin của người dân thôi. Còn nếu cứ sợ rút dây động rừng thì không được. Tham nhũng hiện nay như một căn bệnh, nó đã nặng rồi thì phải dùng thuốc liều cao. Uống thuốc vào thì chắc chắn có phản ứng, có sự công thuốc nhưng như thế mới khỏi được bệnh chứ cứ hời hợt thì bệnh càng ngày càng nặng do nhờn thuốc.

- Nhưng niềm tin của người dân giảm sút như vậy thì làm sao để xây dựng được một chính quyền nhân dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu lập nước?

Người ta hay nói “một lần bất tín, vạn sự bất tin”. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất hiện nay đối với Đảng là phải lấy lại được niềm tin của người dân. Nếu không có niềm tin thì không làm được gì, không kêu gọi được ai. Thế thì rõ ràng Đảng phải gương mẫu. Chủ trương đường lối của Đảng đều được dân nhìn vào và suy xét xem lời nói của Đảng có đi đôi với việc làm không, có hiệu quả không hay là chỉ hô hào thôi.

Như chúng ta cũng thấy ở một số lúc, một số nơi người ta hay nói “trên phát nhưng dưới không động”, thế thì anh đừng đổi cho lỗi ở dưới. Cái “phát” của anh thế nào mà ở dưới không “động”? Anh phải quay trở lại xem chủ trương chính sách của anh có đi vào cuộc sống không. Ở dưới họ cũng rất trông chờ những chủ trương chính sách đi vào cuộc sống, nó phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người ta thì người ta mới thực hiện theo, chứ không thì người ta cứ mặc kệ. Đây cũng là vấn đề cần phải giải quyết, phải làm sao để chủ trương, nghị quyết, hành động của Đảng đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang