(CAO) Mỗi năm, huyện biên giới Hồng Ngự hứng chịu không dưới vụ 20 vụ sạt lở đất ven sông Tiền gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A.
Vào cuối tháng 6 âm lịch, nước từ thượng nguồn đổ về sông Tiền làm mực nước tăng cao, chảy mạnh gây nên các vụ sạt lở đất. Cách đây 10 năm, vùng cù lao Long Thuận là nơi trù phú, đất đai màu mở nhưng do liên tiếp xảy ra sạt lở nên vùng cù lao này bị thu hẹp diện tích, bờ sông trở nên lồi lõm.
Bờ sông Tiền bị sạt lở lấn vào phần đất canh tác của người dân
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Sáu Ngừng ở ấp Long Hòa rất khá giả, nhà cửa khang trang, ruộng rẫy nhiều nhưng do sạt lở, nhà cửa của ông cùng với ruộng rẫy bị lũ dữ cuốn trôi. “Hiện gia đình tôi không còn đất canh tác, con cái của tôi phải đi làm thuê ở tận Sài Gòn. Tôi thì già cả, sức khỏe yếu không thể đi làm thuê được nữa đành ở tạm nơi đây sống từ tiền con cái làm thuê gởi về”, Ngưng buồn bã.
Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A xảy ra 76 vụ sạt lở với chiều dài hơn 8km, có nơi ăn sâu vào đất liền 500m làm ảnh hưởng 50.000m2 đất, nhiều căn nhà bị cuốn trôi, 110 hộ dân phải di dời đến khu vực an toàn. Các công trình điện, trụ sở nhà nước và hàng ngàn mét đường nhựa bị phá hủy, cắt đứt giao thông đi lại của người dân. Tổng thiệt hại từ các vụ sạt lở hàng trăm tỷ đồng.
Nhà dân bị cuốn xuống sông
“Nhà tôi bị sạt lở phải di dời, sau hai năm sạt lở tiếp tục đe dọa và tôi phải tiếp tục di dời nhà thứ hai. Hiện nay sạt lở vẫn còn phức tạp lắm, không biết có bị di dời nhà lần nữa không, nếu phải di dời lần nữa thì tôi không còn tiền để di dời đâu”, ông Nguyễn Hữu Ka ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận cho biết.
Sông Cái Vừng thuộc hai xã Long Thuận và Phú Thuận A cũng chịu cảnh sạt lở tương tự như sông Tiền. Để khắc phục, chính quyền địa phương cũng như người dân tiến hành gia cố các đoạn sông bị sạt lở bằng cách đóng cừ tràm nhưng hiệu quả không cao.
Một đoạn bờ kè bê tông vừa hoàn thành
Trước tình hình trên, huyện Hồng Ngự đã kiến nghị và được UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý cho tiến hành thi công kè trước khi lũ về. Theo đó, công trình xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở có chiều dài gần 111m với tổng kinh phí đầu tư trên 6,4 tỷ đồng. Hiện nay, công trình này đã cơ bản hoàn thành.
Do kinh phí hạn hẹp, các điểm nóng sạt lở còn lại huyện Hồng Ngự tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức và vận động người dân sống ven bờ sông Tiền khẩn trương di dời nhà vào nơi an toàn trước khi mùa mưa lũ tràn về.
Hậu Giang: Đề xuất hơn 400 tỷ đồng thực hiện dự án kè chống sạt lở
Trước tình trạng sụt lún, sạt lở làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang xem xét bổ sung kế hoạch vốn ngoài mức vốn dự kiến trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án Kè chống sạt lở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 418,846 tỉ đồng, bao gồm 7 tuyến kè hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 4.241m. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh rất hạn chế nên không đảm bảo nguồn vốn thực hiện.
T.Mạnh