Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP đã nêu ra hàng loạt những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Nộp hồ sơ gần 1 năm vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, nêu bức xúc: Từ tháng 3-2019, công ty nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thế nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư”.
Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Theo ông Lê Hữu Thành, nguyên nhân là theo Quyết định số 4956/QĐ-UBND ngày 11-9-2013 của UBND TP về duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây thành phố, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh thì chỉ tiêu quy hoạch của khu đất có tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng chỉ 2.
Tuy nhiên, hệ số sử dụng đất này dành cho khu nhà thấp tầng, do đó không phù hợp với khu đất được quy hoạch là nhà cao tầng. Vì nếu lấy tầng cao là 15 tầng nhân với mật độ xây dựng là 30% thì hệ số sử dụng đất là 4,5.
Từ những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch dẫn đến gần một năm nay DN không xin được quyết định chủ trương đầu tư để triển khai dự án.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Trước vấn đề DN nêu ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã phê bình Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm giải quyết những vướng mắc khiến DN mất gần 1 năm chờ đợi và dự án chưa triển khai. Đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo 2 sở này khẩn trương giải quyết, trả lời cụ thể cho DN.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu kiến nghị lãnh đạo UBND TP xác định quy trình thực hiện dự án nhà ở hợp lý, giảm từ 5 bước xuống còn 4 bước; giải quyết nhanh thủ tục nộp tiền sử dụng đất, xem xét giải quyết các dự án đang bị dừng triển khai và giải quyết rào cản “chỉ tiêu quy mô dân số” các quận, huyện.
Đề cập về vấn đề đóng tiền sử dụng đất, ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc chậm xác định giá đất đã khiến nhiều DN bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... tăng lên, cuối cùng chủ đầu tư tính vào giá bán và người mua nhà phải gánh chịu.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và Xây dựng SSG 2 Nguyễn Văn Đồi phân tích TP thu tiền sử dụng đất của DN càng nhanh càng tốt cho DN và cho ngân sách TP. Tuy nhiên, thời gian qua cũng cho thấy có một số DN “bán lúa non” sản phẩm khi chưa xác định được tiền sử dụng đất dẫn tới lỗ nặng, cầu cứu cơ quan chức năng.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Đồi đề xuất UBND TP nên giao Sở Tư pháp chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu cho UBND TP giải quyết các vướng mắc và độ vênh giữa các Luật liên quan đến nhà ở, BĐS thay vì giao cho từng sở chuyên ngành. Nếu có những vấn đề vượt thẩm quyền của TP, UBND TP cần kiến nghị, xin ý kiến của các bộ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba tháng gặp doanh nghiệp bất động sản một lần
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết đối với những kiến nghị của DN về tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các dự án, với những công việc liên quan đến TP thì TP sẽ ban hành ngay các văn bản để thống nhất triển khai trong toàn TP; những công việc vượt quá thẩm quyền, TP báo cáo Trung ương xin phép làm.
Đối với những vướng mắc DN kiến nghị cụ thể TP sẽ tháo gỡ dần; còn những dự án và các ý kiến nêu ra tại hội nghị, TP sẽ đưa ra giải quyết cụ thể cho các DN.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá: Những bức xúc của DN nêu ra tại hội nghị đã đặt trách nhiệm cho các sở, ngành TP trong vấn đề đồng hành cùng DN. Do đó, sắp tới các sở, ngành cần có giải pháp quyết liệt hơn, từ tổ chức công việc đến thực hiện các quy trình có thời gian, thời hạn đảm bảo yêu cầu đề nghị của DN.
“Các sở, ngành hiện nay sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề của DN đôi lúc lỏng lẻo, dẫn đến thời gian chờ đợi của các DN nói riêng và người dân nói chung. Mỗi người cứ nhìn về một hướng là không ổn mà cùng với nhau phối hợp cho chặt chẽ” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đối với những nội dung đề xuất của DN về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đăng ký với Văn phòng Chính phủ để TP báo cáo Chính phủ những vướng mắc trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.
Bởi vì, TPHCM với đội ngũ DN hoạt động BĐS chiếm tỷ lệ lớn và đóng vai trò rất lớn trong thị trường BĐS Việt Nam. Cho nên, lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc của các doanh nghiệp BĐS là nhiệm vụ trong quá trình tạo môi trường để cho cộng đồng DN nói chung và BĐS nói riêng phát triển.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phân tích về quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là vấn đề thời gian giải quyết để làm sao đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án. Bởi lẽ, việc đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án vừa có lợi cho DN và có lợi cho TP.
Do đó, các sở, ngành cần phối hợp với nhau để xử lý các công việc nhằm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án, không để kéo dài và trên cơ sở đúng quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động.
Vì kéo dài sẽ gây thiệt hại nhiều vấn đề, đó là ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của TP; ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, các DN; ảnh hưởng đến uy tín của các sở, ngành với chức năng là cơ quan nhà nước phục vụ quá trình phát triển của TP nói chung và sự phát triển của DN nói riêng.
Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến 30-4 phải giải quyết xong các vướng mắc của các dự án kéo dài của 19 doanh nghiệp, cũng như một số dự án sau khi Thanh tra đã có kết luận cho phép tiếp tục triển khai dự án.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay TP sẽ thảo luận thống nhất và thông báo cho DN biết cơ quan làm đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ảnh các vướng mắc, khó khăn của DN.
Đồng thời, cứ 3 tháng lãnh đạo TP sẽ cùng làm việc với các doanh nghiệp BĐS, với những kiến nghị của doanh nghiệp BĐS trong cuộc hội nghị này nếu thuộc phạm vi trách nhiệm của sở, ngành nào mà không giải quyết được sẽ bị phê bình trong cuộc họp tới. Trong quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành báo cáo UBND TP xem xét.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Hiệp hội BĐS TP nên có cơ quan tư vấn pháp luật cho các DN, trong đó các DN phải nhờ sự giúp đỡ, tư vấn của hiệp hội để thực hiện đúng các quy định pháp luật. Bởi vì, trong thực tế giải quyết và xử lý hồ sơ có những DN không nắm pháp luật một cách đầy đủ.