Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024):

Gần 60 năm đau đáu câu hỏi về "nữ y tá Lệ"

Thứ Bảy, 27/07/2024 10:45

|

(CATP) Ở tỉnh Quảng Ngãi có một di tích lịch sử quốc gia hơi giống địa đạo Củ Chi (TPHCM), đó là Trạm phẫu thuật tiền phương A100 nằm dưới địa đạo Đám Toái. Ngôi mộ số 1 chôn chung y sĩ Thái Văn Cổn (tức Thái Văn Lâm) và nữ y tá Lệ. Gần 60 năm trôi qua, vẫn không ai biết họ tên, quê quán của "nữ y tá Lệ", chỉ nhận định rằng cô y tá trẻ này đến từ các tỉnh phía Bắc như nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hy vọng bài báo này sẽ giúp thân nhân của "nữ y tá Lệ" tìm được nơi yên nghỉ của bà.

Khóc với đá!

30 năm trước, cứ tới Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), bà Huỳnh Thị Đông (SN 1932) và nhiều người dân từng trải qua cuộc chiến tranh ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại đến thắp hương trước ngôi mộ được đặt một cục đá ong màu đỏ lên trên, khóc cho "y tá Lệ và bác sĩ Lâm". Trong chiến tranh, điều kiện y tế rất thiếu thốn, vì vậy dù chỉ là y sĩ nhưng ông Lâm được cả làng gọi bằng cái tên trìu mến là "bác sĩ Lâm" (Cổn là bí danh khi ông Lâm từ H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tập kết ra miền Bắc rồi vượt Trường Sơn quay trở về miền Nam).

Địa đạo Đám Toái nằm sát biển, âm thanh sóng gió rì rào suốt tháng năm. Ngày thường, các bà mẹ đi qua rìa núi này đều vái lạy, nhắc chuyện "bác sĩ Lâm và "y tá Lệ" dưới suối vàng có người bầu bạn, mong một ngày nào đó có thân nhân tới nhận để "cô Lệ" đỡ buồn. Những bà mẹ già khóc, người trẻ cũng khóc theo, lần nào cũng có người quay sang hỏi: "Ủa, bác sĩ Thái Văn Lâm đã có họ tên, còn "cô y tá Lệ" thì sinh năm nào, quê ở đâu, tại sao tới bây giờ vẫn không tìm ra được?". Nhiều người bắt đầu phỏng đoán quê "cô Lệ" dựa vào quê của những người lính đã hy sinh: "Có lẽ "cô Lệ" ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang...?".

Có 66 tấm bia làm từ đá ong. Bia khắc tên y sĩ Nguyễn Văn Dung (SN 1947, quê ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn) được khắc hơi rõ; còn bia đá ong viết tên của 2 liệt sĩ nằm chung rất khó đọc, nhiều năm sau đã được thay bằng tấm bia đá khắc dòng chữ: "Liệt sĩ Thái Văn Cổn (TL)... Lệ. Sinh năm 1933... sinh năm: ... Hy sinh ngày 9/9/1965". Vào năm 1993, người con trai của Liệt sĩ Thái Văn Lâm là bác sĩ Thái Văn Sơn lần đầu tiên đến thăm mộ cha. Bác sĩ Thái Văn Sơn kể: "Sau khi nhận bằng Đại học Y khoa Huế, trên đường về tôi càng quyết tâm đi tìm mộ cha để báo cho cha biết là tôi đã học xong, tiếp nối nghề y. Tôi đã rơi nước mắt trên bia đá ong có khắc tên 2 người".

Y sĩ Lâm và y tá Lệ nằm chung trong một ngôi mộ. Ảnh: Văn Chương

Nghe tin con trai của "bác sĩ Lâm", bà con kéo đến rất đông. Một bà mẹ già thốt lên: "Trời ơi, con trai "bác sĩ Lâm"... Con ở đâu mà bây giờ mới tới tìm ba? Ba con đang nằm với "cô Lệ" mấy chục năm rồi!". Lời bác sĩ Sơn: "Mình cũng không ngờ cha và cô Lệ được bà con thương yêu, đùm bọc như người thân và luôn nhắc tên, luôn nhớ đến như những người anh hùng". Bác sĩ Sơn năm đó mới 27 tuổi, khi nhìn xóm nghèo xơ xác và con đường đầy bụi bặm, anh hiểu cha mình đã làm nhiệm vụ, trụ bám ở vùng đất vô cùng nghèo khó. Khi mẹ anh mang bầu được mấy tháng thì người cha hy sinh.

Nước mắt và "cô Lệ"

Sau gần 50 năm, ngôi làng Phú Quý từng được mệnh danh là "làng nhà đá ong" đã đổi thay. Phú Quý từng là thôn nghèo nhất ở xã Bình Châu, thanh niên xuống tàu cá đi làm thuê, còn một số lên các tỉnh Tây Nguyên làm công. Nhưng rồi tinh thần vượt khó đi lên đã giúp các ngư dân đóng được khá nhiều chiếc tàu công suất lớn ra bám biển Hoàng Sa, tinh thần kiên gan vượt qua cả ngư dân ở đảo Lý Sơn. Làng quê dần dần đổi mới, nhưng các thế hệ sau này vẫn tiếp tục với câu hỏi: "Có phải quê "cô Lệ" ở Hà Nội, cùng quê với bác sĩ Đặng Thùy Trâm?".

Ngư dân Nguyễn Hữu Quang là thuyền trưởng tàu đánh cá chuyên bám biển Hoàng Sa và nhiều ngư dân trẻ kể lại: Thời còn đi học, họ thường ra thắp hương tại địa đạo Đám Toái. Trong giờ dạy môn lịch sử, các em học sinh đều nghe thầy cô giáo nhắc lại chuyện "bác sĩ Lâm và cô Lệ đang nằm chung trong một ngôi mộ". Nhưng rồi thầy cô và học sinh lại tiếp tục đặt câu hỏi: "Cô Lệ ơi, quê cô ở đâu? Cô hy sinh năm bao nhiêu tuổi? Quê cô ở Thanh Hóa, Quảng Bình hay Thái Bình...?".

Bác sĩ Thái Văn Sơn - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm

Chúng ta cùng đi ngược dòng thời gian và sự ra đời của địa đạo Đám Toái, Trạm phẫu thuật tiền phương A100. Đầu năm 1965, dọc các làng chài kéo dài khoảng 40km từ xã Bình Đông (H.Bình Sơn) đến điểm cuối cùng là thôn Phú Quý, xã Bình Châu xuất hiện lực lượng bộ đội chủ lực. Lính Trung đoàn I (Trung đoàn Ba Gia) - Quân khu V, Tiểu đoàn 48 và Đại đội 21 của tỉnh Quảng Ngãi có mặt tại thôn Phú Quý. Tất cả các cánh quân đều hướng về một mục tiêu nằm cách đó vài chục cây số, ngày đêm ầm ĩ tiếng trực thăng C-1 Trader, C-7 Caribou, C-47 Skytrain... Đó là Căn cứ Chu Lai.

Ông Nguyễn Khắc Thơ thời đó từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng nhớ lại: Có mấy bác sĩ nói tiếng miền Bắc vào tại địa đạo Đám Toái để chuẩn bị chiến dịch. Bệnh xá dã chiến là ngôi nhà của ông Tựu nằm gần địa đạo để tiếp nhận thương binh, nhưng nếu xảy ra tình huống lính Mỹ đổ quân thì sẽ dồn hết thương binh xuống địa đạo, di chuyển dưới một giao thông hào.

Sau trận Vạn Tường, lần đầu tiên quân giải phóng và quân Mỹ chạm trán, lính Mỹ đánh lan xuống vùng có địa đạo. Ngày 09/9/1965, "bác sĩ Lâm" bị bắt dưới một hầm cá nhân gần địa đạo, còn "y tá Lệ" bị bắt ngay trong ngôi nhà nằm ngoài miệng hầm vì cô lo chuyển 64 thương binh nên không kịp chạy trốn. Sau ngày đó, bệnh xá trở thành nghĩa trang!

Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Thơ và Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng thăm địa đạo Đám Toái

"Ba ở bên cô rồi!"

Gần đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2024), Di tích lích sử quốc gia - địa đạo Đám Toái nghi ngút khói hương. Nhiều bà mẹ từng khóc hết nước mắt khi nhắc tới "bác sĩ Lâm và y tá Lệ" phần lớn đều đã về với đất. Cụ Huỳnh Thị Đông (SN 1930) thì vẫn nhớ hoài những ngày tháng ác liệt ở vùng quê nghèo này. Bác sĩ Thái Văn Sơn về tìm mộ cha từ năm 1993, bây giờ đã ở tuổi 58. Nỗi đau, niềm nhớ người cha sau mấy chục năm rồi cũng lắng đọng, nhưng cũng có lúc bùng lên trong lòng, nước mắt, lời nói nghẹn ngào. Bác sĩ Sơn kể có một lần đứng bên mộ cha và nói lời an ủi: "Cha ơi, cha nằm bên cô Lệ, mong cha cũng còn chút niềm vui".

Bác sĩ Huỳnh Thanh Phương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Phổ, nay là Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm) từng là y sĩ ở chiến trường, bị thương trong chiến tranh. Khi nhắc chuyện "cô y tá Lệ", ông Phương chia sẻ: Trước năm 1975, các cơ sở y tế ở đồng bằng được gọi là trạm xá, còn các cơ sở trên núi được gọi là bệnh xá. Lúc đó, ở H.Đức Phổ là quê hương của Liệt sĩ Thái Văn Lâm có Bệnh xá Bác Mười, sau này có bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ miền Bắc vào công tác. Năm 1964, trước khi xảy ra vụ Trạm phẫu thuật tiền phương A100 bị lộ, một bệnh xá ở H.Trà Bồng bị núi lở lấp toàn bộ thương binh, y bác sĩ. "Thời đó có rất nhiều y sĩ được tăng cường từ miền Bắc vào chiến trường Quảng Ngãi, đến nay cũng không biết "cô Lệ" quê ở Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hà Nội hay Quảng Ninh, mong bài báo này sẽ giúp người thân tìm lại cô ấy".

Trong Quyết định số 960 - BYT/QĐ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Bộ Y tế) ký ngày 10/9/1962, "công nhận ông Thái Văn Cổn (tức Lâm) là y sĩ trung cấp kể từ ngày 1/2/1962". Bà Huỳnh Thị Đông (SN 1932) - vợ Liệt sĩ Lâm hiện vẫn còn sống, nhớ lại người chồng khi trở về miền Nam theo đường Trường Sơn đã ghé thăm gia đình, sau đó ra H.Bình Sơn và nhờ người đưa bà ra thăm trước khi ông đến công tác tại Trạm phẫu thuật tiền phương A100 rồi hy sinh. Mấy chục năm trước, bà cũng luôn đặt câu hỏi: "Không biết cô y tá Lệ nhà ở đâu? Chắc người thân chưa tìm thấy và rất đau buồn. Cô nằm cạnh anh Lâm và chăm sóc cho anh ấy ở dưới suối vàng...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang