GDP quý 4 ước tăng 5,2%
Thông tin tại họp báo cho biết, GDP quý 4 của Việt Nam ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,6% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 3,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6%, khu vực dịch vụ tăng 5,4%...
Như vậy, cả năm 2021 tăng trưởng GDP đạt 2,58% (trong đó quý 1 tăng 4,7%; quý 2 tăng 6,7%; quý 3 giảm 6,0% và quý 4 tăng 5,2%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp gần 14% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8% và khu vực dịch vụ tăng 1,2%, đóng góp 22,2%.
Nhiều doanh nghiệp đang dần phục hồi, đẩy mạnh sản xuất sau đại dịch - Ảnh: Cao Nguyên
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp tăng 3,2%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế và ngành lâm nghiệp tăng 3,9%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm, ngành thủy sản tăng 1,7%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng xấp xỉ 6,8%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,2%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm, ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm và ngành xây dựng tăng 0,6%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng cao nhất
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Theo đó, một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã tăng trưởng âm và điều này làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm và ngành dịch vụ lưu trú-ăn uống giảm mạnh 20,8%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,8%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,4%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm và ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.
“Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,9%, khu vực dịch vụ chiếm 41% và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 8,8%. Về sử dụng GDP cả năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 2% so, tích lũy tài sản tăng 4%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14% và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16%,” bà Hương cho hay.
Theo đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26%, cao hơn mức 25% của năm 2020).
Giá nhiều mặt hàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh
Theo bà Hương, kinh tế-xã hội năm 2021 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, hầu hết các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 nhưng sự xuất hiện các biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại.
Vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021. Bên cạnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Liên minh châu Âu, Fitch Ratings, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cũng nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lần lượt đạt 5,6%, 5,8%, 5,7% và 5,3%.
Trên thị trường quốc tế, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm 2020, lạm phát gia tăng nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát trên toàn thế giới. Hơn nữa, đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia.
Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế-xã hội...