Ngày 22-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện gửi các tỉnh, thành (trong đó có 4 địa phương dich bệnh đang rất phức tạp gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) cùng các cơ quan liên quan về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Công điện Thủ tướng yêu cầu và đặc biệt lưu ý một số nội dung sau:
Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở đó, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.
Hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an cho TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại cơ sở xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả.
Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm thần tốc trên diện rộng (riêng TPHCM xét nghiệm toàn TP trong thời gian giãn cách). Mục đích để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Ưu tiên cao nhất phân bổ vaccine cho TPHCM và tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TPHCM
Thủ tướng nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; tạo đồng thuận xã hội với tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; động viên, cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
Công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phối hợp với các địa phương, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi, trong đó lưu ý:
Thủ tướng yêu cầu TPHCM và các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định tổ chúc các lực lượng, biện pháp cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu..., bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
Chiến sĩ tham gia giúp dân bảo đảm sức khỏe
Theo trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng quân đội tham gia chống dịch ở TPHCM là đội quân công tác, không phải đội quân chiến đấu. Đây là nhiệm vụ đặc biệt của quân đội và chưa có tiền lệ. "Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi biết, thấy rõ kẻ thù, nhưng Covid-19 là kẻ thù không màu, không mùi, không vị, có thể lây nhiễm vào bất kỳ ai, kể cả là những người đã được tiêm phòng rồi. Vì vậy, chúng tôi xác định cuộc chiến này rất cam go, vất vả. Toàn bộ lực lượng quân đội tham gia chống dịch ở TPHCM đều ít nhất đã được tiêm một mũi vaccine, trước khi vào chiến dịch đã được xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả đều có kết quả âm tính. Các chiến sĩ sẽ được xét nghiệm 3 ngày/lần để đảm bảo an toàn" - trung tướng Ngô Minh Tiến khẳng định.
Theo trung tướng Ngô Minh Tiến, sẽ có 35.000 dân quân tự vệ cùng hàng ngàn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia. Có thêm hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế cùng 30 xe cứu thương của quân đội được điều động từ phía Bắc vào TPHCM.
Đặc biệt quân đội sẽ tham gia vào việc cung cấp các gói an sinh, cung cấp thực phẩm đến từng nhà cho dân; tham gia công tác ở hàng ngàn chốt kiểm soát. Mỗi chốt sẽ có hai chiến sĩ quân đội phối hợp cùng các lực lượng khác.
Quân đội sẽ mang lương thực miễn phí đến từng nhà cho người nghèo. Mức cấp phát miễn phí này cố gắng đảm bảo tương đương tiêu chuẩn của chiến sĩ bộ binh. Những hộ có điều kiện, muốn mua sắm theo yêu cầu có thể đặt mua qua điện thoại, mua hàng online, quân đội sẽ phối hợp với các tổ chức quần chúng địa phương, đảm bảo giao hàng đúng địa chỉ, hàng hóa trước khi được giao đến từng hộ dân đều được khử khuẩn. Khi mang thực phẩm vào từng nhà, ở mọi nơi quân đội sẽ kết hợp với việc tuần tra giữ gìn an ninh trật tự.
Về công việc hậu sự cho những người bệnh qua đời vì Covid-19, quân đội đảm bảo lo chu đáo, đưa tro cốt về tận nhà cho người thân, coi công việc này như chính công việc của nhà mình. Quân đội cũng đang sản xuất thử nghiệm để đưa vào hoạt động lò hỏa táng cơ động. Các nhà máy sản xuất oxy của quân đội cũng được tăng cường sản xuất để phục vụ công tác điều trị.
Đến tối 22-8 nhiều quận đội, huyện đội ở TPHCM đã tiếp nhận lực lượng hỗ trợ từ quân đội phân bổ về các phường, chuẩn bị đợt tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 23-8.
Theo đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, trong ngày 22-8, đã có 2.890 chiến sĩ của Quân khu 7 đã được điều động đến 312 phường, xã, thị trấn ở TPHCM, trung bình mỗi phường, xã được phân bổ khoảng 9 chiến sĩ.
Người dân sẽ được "đi chợ hộ" như thế nào?
Ngày 22-8, UBND TPHCM đã có kế hoạch cung cấp hàng hóa và an sinh xã hội cho dân từ ngày 23-8 đến 6-9. Theo đó, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện sẽ thực hiện việc phân phối hàng hoá và lương thực thực phẩm cho người dân bằng phương thức "đi chợ hộ". Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, công an, quân đội sẽ "đi chợ hộ" cho dân. Mỗi hộ được các tổ công tác "đi chợ hộ" 1lần/tuần.
Đối với các hộ khó khăn, các tổ công tác phối hợp với trung tâm tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, tổ chức cấp phát các túi An sinh miễn phí cho người dân, không để sót trường hợp nào.
Đối với các chuỗi siêu thị, chủ động phối hợp với chính quyền tổ chức phân phối hàng hóa thực phẩm cho người dân phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Các chuỗi siêu thị ưu tiên thực hiện các giải pháp bán hàng trực tuyến. Yêu cầu các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng đứt gãy gián đoạn nguồn cung. Trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt, các lò bánh mì, bún, hủ tiếu, đậu... vẫn được duy trì sản xuất, phân phối qua các tổ đặc biệt để chuyển giao giao đến người dân có nhu cầu.
UBND các phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu để tổng hợp thông tin báo cáo về Sở Công thương để tham mưu cho UBNDTP, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dân.
TPHCM có khoảng 9,4 triệu dân. Sở Công thương dự kiến nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày khoảng 10.964 tấn lương thực. Trong đó gạo là 1.981 tấn; lương thực chế biến khô 660 tấn; thịt gia súc là 755 tấn; thịt gia cầm 660 tấn; thực phẩm chế biến 236 tấn; trứng gia cầm 108 tấn; tấn rau củ quả 4.246 tấn...
UBNDTP đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu này cho người dân. "Vùng đỏ”, "vùng cam", người dân được tiêm tại nhà
Sáng 22-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã có văn bản hướng dẫn việc triển khai tiêm vaccine từ ngày 22-8 đến ngày 6-9. Theo đó, từ ngày 23-8, các đội tiêm vaccine di động sẽ đến tận nhà dân ở "vùng đỏ”, "vùng cam" để tiêm vaccin. Đó là các địa bàn: TP.Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Ngoài ra còn tổ chức tiêm ở bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời người dân từng hộ đến tiêm vaccine.
Về điều trị F0 tại nhà, ngoài các trạm y tế đã được thành lập ngày 20-8, Sở Y tế xây dựng lộ trình thành lập các trạm y tế lưu động còn lại đi vào hoạt động trước ngày 24-8 và một số trạm đi vào hoạt động trước ngày 27-8. Tổng cộng có gần 400 trạm y tế lưu động.
Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, TP sẽ tiến hành xét nghiệm kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong "vùng đỏ”, và "vùng cam" trong 3 ngày tới, đến ngày 25-8. Như vậy người dân ở TP.Thủ Đức; các quận 12, 8, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Bình Chánh sẽ được xét nghiệm Covid-19 toàn bộ. Các quận huyện khác thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10 người) cho đại diện hộ gia đình thuộc "vùng xanh"và "cận xanh", xét nghiệm 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng phải tổ chức xét nghiệm trên diện rộng. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch, cho biết tỉnh Bình Dương đang ở đỉnh dịch, với số ca công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca nhập viện. Có ngày Bình Dương có gần 5.000 người xuất viện; ngày 22-8 Bình Dương có 3.795 ca mắc, thấp hơn ngày 21-8 đến 710 ca.
TPHCM: 3.477 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo
UBND TPHCM vừa chấp thuận bổ sung 1.048.500 hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu, dãy nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo... và bổ sung khoảng 670.000 lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dự toán kinh phí hỗ trợ được bổ sung khoảng 2.577 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho hộ khó khăn, người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lên 3.477 tỷ đồng.
UBNDTP yêu cầu UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo phường, xã, trưởng ban điều hành các khu phố, ấp, tổ trưởng tổ nhân dân khẩn trương rà soát kỹ. Bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do gặp khó khăn trong thời gian giãn cách để kịp chi hỗ trợ nhanh nhất.
Việc chi hỗ trợ không phân biệt thường trú, tạm trú, số nhân khẩu trong hộ, nghề nghiệp, đảm bảo không trùng lắp hoặc bỏ sót. Trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo có thành viên hưởng hỗ trợ cho lao động tự do thì không hưởng tiếp chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình nghèo.
Việc phê duyệt danh sách lao động tự do (không giao kết hợp đồng lao động) vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại Nghị quyết 09. Người lao động tự do được hỗ trợ phải đảm bảo cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận.