TPHCM: Các cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”

Chủ Nhật, 22/08/2021 20:01  | Đức An

|

(CAO) Công văn của Sở Nội vụ TPHCM nêu rõ, các cơ quan, đơn vị nhà nước triển khai và thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Ngày 22/8, Sở Nội vụ TPHCM đã có công văn số 3551/SNV-CCHC gửi các Sở, ban, ngành; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn TP về việc hướng dẫn thực hiện thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước theo Công văn số 2789/BCĐ - VX ngày 20/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 TPHCM.

Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại TPHCM (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị Nhà nước) thực hiện thay đổi phương thức làm việc theo Công văn số 2789/BCĐ - VX ngày 20/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 TP kể từ 00 giờ ngày 23/8/2021 đến ngày 6/9/2021.

Công văn nêu rõ, các cơ quan, đơn vị nhà nước triển khai và thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

 

CSGT Công an TPHCM kiểm tra người lưu thông trên đường đảm bảo đúng đối tượng được ra đường theo quy định

Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị Nhà nước chỉ bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chỉ đạo của TP theo phương án “3 tại chỗ” tại trụ sở, “1 cung đường 2 điểm đến” tại địa điểm lưu trú gần trụ sở và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 theo quy định tổ chức xét nghiệm, biện pháp 5K...

Cụ thể, các nội dung chỉ được làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, gồm: trực cơ quan; xử lý văn thư đi - đến và các văn bản theo chế độ mật; tham mưu xử lý, giải quyết công tác liên quan phòng, chống dịch Covid - 19 theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Về số lượng, bố trí tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị. Đề nghị các cơ quan, đơn vị nhà nước chủ động quyết định giảm số lượng đến mức thấp nhất có thể. Đảm bảo phải có lãnh đạo cơ quan, đơn trực tại trụ sở.

Theo Sở Nội vụ TP, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid – 19 tại công sở hoặc thực hiện không đảm bảo các nội dung theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Đồng thời có trách nhiệm phân công, giao việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn lại (trừ đối tượng đang thực hiện làm việc tại trụ sở và đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid – 19 khi được huy động theo phân công của Tổ Điều phối nhân lực) sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua kết quả công việc. Không để công việc bị đình trệ và các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính, công văn nêu rõ, tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và trả kết quả qua môi trường mạng hoặc dịch vụ bưu chính công ích (trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19).

Các lực lượng khác, gồm: lực lượng vũ trang, ngành y tế TP đảm bảo 100% quân số để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Các đơn vị đặc thù đã được UBND TP chấp thuận bằng văn bản được bố trí theo số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đề xuất và cũng phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ động quyết định về bố trí số lượng đối với lực lượng tham gia thực hiện, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại cơ sở phù hợp theo yêu cầu công tác.

Công văn cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát di chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Trong đó, số lượng cấp giấy đi đường là không quá 10% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Giấy đi đường phải được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị đeo (trường hợp sử dụng phương tiện xe gắn máy) hoặc dán tại vị trí kính trước bên trái ô tô (trường hợp sử dụng phương tiện xe ô tô) trong suốt quá trình di chuyển để thực hiện công vụ theo yêu cầu.

Về áo nhận diện do TP cấp, UBND TP đã giao Sở Công thương phụ trách thống nhất việc hướng dẫn, cấp, cấp mẫu. Đối với các cơ quan, đơn vị tự trang bị sử dụng áo nhận diện tại cơ quan, đơn vị phải thông báo số lượng, mẫu, màu sắc áo nhận diện về Công an TP để kiểm tra, giám sát.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP về vi phạm của công chức, viên chức, người lao động về việc quản lý, cấp và sử dụng giấy đi đường, áo nhận diện không đúng đối tượng hoặc sai mục đích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang