(CAO) Sau khi Báo Công an TP.HCM phản ánh thực trạng các lãnh đạo, cán bộ ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên – Huế) là anh em “cột chèo” và lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo xác minh làm rõ việc quy hoạch, quy trình bổ nhiệm lãnh đạo, cán bộ.
Trong khi đó vẫn tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về những khuất tất, bức xúc trong công tác cán bộ ở xã Sơn Thủy (huyện A Lưới) khi đều có quan hệ ruột thịt, họ hàng.
Các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của xã Sơn Thủy với gần 10 người đều thuộc 2 gia đình, vốn có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Cụ thể, ông Lê Thanh Tâm – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Sơn Thủy. Ông Lê Anh Chiến - phó Chủ tịch UBND xã là con trai ông Tâm. Bà Trần Thị Thương (vợ ông Chiến) - cán bộ văn phòng là con dâu ông Tâm. Ông Trần Văn Hai – phó Chủ tịch Mặt trận xã là anh vợ của ông Chiến. Ông Trần Văn Ẩn - Chủ tịch Hội nông dân xã gọi vợ ông Tâm bằng cô ruột.
Ông Lê Thanh Tâm phát biểu tại một hội nghị
Ông Lê Thanh Tâm làm cán bộ xã từ năm 1994 đến tháng 10-2004 được bổ nhiệm, bầu chức Chủ tịch UBND xã. Từ cuối năm 2004, ông Tâm được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã và tái cử nhiệm kỳ 3 cho đến nay.
Ông Lê Anh Chiến vốn là cán bộ không chuyên trách, sau đó được UBND huyện cử đi học rồi về làm cán bộ xã, được bầu làm Chủ tịch Hội nông dân xã. Đến tháng 1-2016, ông Chiến làm phó Chủ tịch xã. Vợ ông Chiến là bà Trần Thị Thương (con dâu ông Tâm) vào làm việc tại văn phòng UBND xã theo diện được tuyển dụng từ năm 2011.
Ông Tâm cho biết, con trai và con dâu quen nhau khi cùng làm việc ở UBND xã rồi mới cưới nhau. Ông Trần Văn Ẩn – Chủ tịch Hội nông dân xã trước đây làm việc ở Văn phòng Đảng ủy xã và đến tháng 7-2016 được bầu làm Chủ tịch Hội nông dân xã, thay vào vị trí ông Chiến đã được bầu làm phó Chủ tịch xã.
Ở một gia đình khác cũng có các thành viên là ruột thịt đang giữ chức vụ chủ chốt tại xã Sơn Thủy. Cụ thể, ông Đào Phước Lợi (hay Đào Quang Lợi) giữ chức Chủ tịch Mặt trận xã. Ông Đào Nghĩa - phó Chủ tịch HĐND xã là em trai ruột ông Lợi. Ông Lợi còn có con ruột là bà Đào Thị Lan giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã.
Huyện miền núi – biên giới A Lưới đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, Sơn Thủy là một xã miền núi với dân số đa phần là người Kinh – người miền xuôi lên A Lưới từ hàng chục năm qua để tham gia kháng chiến, di dân làm kinh tế mới,…
Việc các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở một xã là người của 2 gia đình gây bàn tán, xôn xao trong nhân dân. Điều đáng nói, Ban Chấp hành Đảng ủy xã có 9 người (1 người đã mất), gồm ông Lê Thanh Tâm – Bí thư, ông Phan Văn Bình - phó Bí thư thường trực), ông Lê Phước Anh - Chủ tịch xã, ông Đào Phước Lợi – Chủ tịch mặt trận, ông Đào Nghĩa – phó Chủ tịch HĐND, bà Đào Thị Lan – Chủ tịch Hội phụ nữ, bà Hồ Thị Thạnh - cán bộ chính sách, ông Lê Quốc Thành – Xã đội trưởng và Đỗ Trung Khánh (đã mất) - nguyên Trưởng Công an xã thì anh em, họ hàng của 2 gia đình trên đã chiếm 6 người.
Lãnh đạo huyện A Lưới làm việc với lãnh đạo, cán bộ xã Sơn Thủy
Trao đổi qua điện thoại, ông Hồ Xuân Trăng – Bí thư Huyện ủy và ông A Lưới cho biết: “Vấn đề ở xã Sơn Thủy thì huyện cũng có nắm thông tin trước đây. Tuy nhiên, phóng viên phải làm việc cụ thể để xem trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác của họ; có vi phạm điều lệ, quy định của Đảng hay không?”.
Ông Hồ Xuân Trăng hướng dẫn phóng viên liên hệ với ông Lê Thanh Nam – phó Bí thư thường trực Huyện ủy A Lưới và ông Lê Tiến Sáu – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy A Lưới. Ông Lê Thanh Nam hẹn làm việc với phóng viên vào sáng 11-10. Nhưng khi gọi điện đến đúng số điện thoại của ông Lê Tiến Sáu thì đầu dây bên kia nói: “Nhầm máy!”.